Khó kiểm soát chất lượng
Chiều 30/8, tại chợ Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân, TPHCM), nhiều quầy hàng bán đồ chay chế biến sẵn xếp hàng dài chào mời khách. Nào đùi gà, xúc xích, heo quay, tôm đỏ, kim chi, mắm cà pháo… tuy là món chay nhưng nhìn không khác gì món mặn được chiên vàng ươm nhìn rất bắt mắt.
“Đồng giá 10.000 đồng/món. Đây là đồ chay nhà làm, nên em cứ yên tâm. Bên chị cũng có sẵn đồ thay làm sẵn đóng gói, chỉ cần mua về tháo bịch rồi chế biến theo ý”, một chị chủ quầy hàng cho biết. Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi về thời hạn sử dụng, người này cho biết nếu để ở nhiệt độ thường thì sử dụng trong khoảng thời gian từ 3-5 ngày, còn cấp đông thì bao lâu cũng được (?!).
Trong khi đó, sạp đồ chay của bà M. bày bán ở gần chợ Phú Lâm (Q.6, TPHCM) cũng có nhiều món chay giả mặn làm từ mì căn. Đồ chay đóng hộp cũng có với thương hiệu nội - ngoại. “Cái này tôi lấy lại từ các cơ sở chế biến, ăn dai ngon, mùi vị không khác đồ mặn” - bà M cho biết. Theo bà M, bà buôn bán đồ mấy chục năm nay, chưa có khách nào ăn chay bị ngộ độc, nhập viện.
Khi đề cập về pate chay Minh Chay, đa số các cửa hàng kinh doanh thực phẩm - món ăn chay đều cho biết, không bán hàng của đơn vị này, các siêu thị tại TPHCM cũng khẳng định không có sản phẩm của Minh Chay trên quầy kệ. “Có thể khách mua hàng đặt trên mạng, chứ ở đây chúng tôi không kinh doanh sản phẩm này” - ông Thủy, chủ một siêu thị mini tại Q.3 (TPHCM) nói.
Nhiều người nguy kịch tính mạng
Ngày 30/8, Bệnh viện (BV Chợ Rẫy cho biết, trong khoảng thời gian từ 24-30/7, khoa Bệnh Nhiệt Đới của BV Chợ Rẫy đã tiếp nhận và điều trị cho 5 bệnh nhân bị sụp mi, liệt cơ hô hấp sau khi ăn cùng một loại thực phẩm pate chay đóng hộp.
Trước đó, có hai vợ chồng cùng 36 tuổi, ngụ tỉnh Khánh Hòa (người vợ đang mang thai) cùng ăn pate Minh Chay vào khoảng 12h ngày 19/7. Khi nhập viện, cả hai vợ chồng bệnh nhân tỉnh táo, không sốt, nhưng sụp mi mắt hoàn toàn, nói khó, nuốt khó, yếu tứ chi, khó thở tăng dần. Sau đó, bệnh nhân lại suy hô hấp phải đặt nội khí quản, thở máy ngày 27/7.
Một nhóm 3 bệnh nhân khác là bạn bè với nhau cũng cùng ăn pate Minh Chay vào ngày 24/7, cả ba người đều có các triệu chứng như nôn ói, đau thượng vị… Các bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy lần lượt vào các ngày 27, 29 và 30/7, trong tình trạng sụp mi hoàn toàn, suy hô hấp, thở máy, sức cơ tứ chi yếu.
TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy cho biết, qua các triệu chứng và khai thác thông tin từ bệnh nhân, các bác sĩ chẩn đoán và theo dõi ngộ độc botulinum nghi do ăn pate chay đóng hộp bị nhiễm khuẩn. Cả 5 bệnh nhân được điều trị hỗ trợ thở máy, thay huyết tương (5 lần, cách nhật)…
“Người dân cần giữ gìn vệ sinh thực phẩm, ăn những loại thức ăn đã được nấu chín; tránh ăn thức ăn đóng hộp làm bằng tay không có công nghệ tiệt trùng”.
BS Hùng khuyến cáo
Các bác sĩ cho biết, botulinum là một chất độc tác động lên các dây thần kinh, do vi khuẩn Clostridium botulinum typ B sản sinh ra trong quá trình phát triển. Clostridium botulinum typ B là loại vi khuẩn yếm khí (sống trong môi trường không có không khí), có khả năng tự tạo ra bào tử nằm lẫn trong đất cát. Khi có điều kiện thuận lợi là môi trường yếm khí, thường gặp nhất là những thức ăn bị nhiễm vi khuẩn được đóng hộp, thì các bào tử này sẽ tái hoạt động trở lại, sinh sản, phát triển và tạo ra botulinum.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trung bình từ 12 - 36 giờ sau khi ăn phải thức ăn có nhiễm độc botulinum, con người hay động vật sẽ bị ngộ độc với triệu chứng như đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Thậm chí, người ngộ độc nặng sẽ khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp, dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải. Mặc dù được điều trị tích cực thì tình trạng liệt vẫn kéo dài vài tháng, thậm chí có thể liệt không hồi phục cho thấy ngộ độc botulinum là một bệnh cảnh vô cùng nguy hiểm.
Theo luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP HCM, trường hợp xác định người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm thì nhà sản xuất phải có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng. “Trước hết là chi phí điều trị để hồi phục sức khỏe và các thiệt hại khác tùy theo từng trường hợp. Đây là thỏa thuận giữa 2 bên, nếu không đạt được thì sẽ đưa ra tòa phân xử. Người tiêu dùng cần lưu giữ các bằng chứng, hóa đơn, chứng từ cần thiết để chứng minh thiệt hại" - bà Thu lưu ý.
U.P