Xây dựng, khai thác kho dữ liệu phục vụ thu thuế TMĐT
Chưa bao giờ hoạt động kinh doanh trên sàn TMĐT thuận lợi, đơn giản như hiện nay. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, tài khoản mạng xã hội (zalo, Facebook, tik tok…) hay một tài khoản trên sàn TMĐT như Lazada, shopbee… bất cứ người dân nào cũng trở thành nhà bán hàng. Đăng hình ảnh hàng hoá trên tài khoản cá nhân, chờ người đặt mua, giao hàng qua các ứng dụng giao hàng.
TMĐT nở rộ, nhà nhà, người người bán hàng online, doanh thu không ngừng tăng. Hoạt động bán hàng, doanh thu có thật nhưng để xác minh danh tính người bán hàng để thu thuế không dễ dàng. Cơ quan thuế đứng trước bài toán chống thất thu thuế trong hoạt động TMĐT trong nước. Trước thực tế này, cơ quan thuế phối hợp cơ quan chức năng yêu cầu sàn TMĐT cung cấp thông tin người bán hàng để đưa ra giải pháp thu thuế.
Là một trong 2 cục thuế lớn nhất cả nước, có hoạt động TMĐT phát triển mạnh mẽ, Cục Thuế Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp chống gian lận thất thu thuế TMĐT. Cục Thuế TP Hà Nội đã đồng bộ, khớp nối hơn 7,7 triệu mã số thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cục Thuế Hà Nội cũng cho biết đã số hóa, kết nối thông tin, liên thông dữ liệu từ các nguồn, xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn, website riêng quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.
Cục Thuế Hà Nội đã có cơ sở dữ liệu hoàn thiện, định danh, định vị chính xác 626.768 gian hàng tương ứng với 437.210 mã số thuế là chủ sở hữu, người kinh doanh trên sàn TMĐT, lập được danh bạ và sổ bộ quản lý thuế hoạt động kinh doanh TMĐT đối với 82.930 tổ chức, cá nhân với các thông tin chi tiết về tên, địa chỉ, căn cước công dân, email, số điện thoại, địa chỉ kho hàng, tài khoản ngân hàng, giá trị bán trên sàn TMĐT.
Qua thông tin dữ liệu đầy đủ của các cá nhân kinh doanh trên TMĐT, Cục Thuế Hà Nội đã phối hợp với công an trên địa bàn xác minh và phát hiện ra hơn 2.000 người kinh doanh online có dấu hiệu vi phạm về thuế.
Tổng cục Thuế cho biết, thời gian tới, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và các quy trình, quy chế phối hợp trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Nguyên tắc là tối đa hóa trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp nền tảng, doanh nghiệp vận chuyển, trung gian thanh toán trong việc cung cấp dữ liệu và thực hiện khấu trừ, kê khai, nộp thuế, phát hành hóa đơn cho các giao dịch TMĐT, đảm bảo quản lý thuế hiệu quả ngay tại nguồn.
Ra mắt Cổng thông tin điện tử cho người nộp thuế
Doanh thu từ TMĐT không ngừng tăng. Năm 2022, doanh thu quản lý thuế của tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT là 3,1 triệu tỷ đồng, số thuế đã nộp 83 nghìn tỷ đồng. Con số này năm 2023 tăng lên tương ứng 3,5 triệu tỷ đồng, số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng.
Lũy kế 10 tháng năm 2024, số thuế các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã nộp khoảng 94,6 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với số thuế bình quân 10 tháng năm 2023. Cổng thông tin thương mại điện tử đã ghi nhận 412 sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp thông tin. Theo đó, có hơn 191 nghìn tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử với tổng giá trị giao dịch là gần 72 nghìn tỷ đồng.
Đầu tháng 12/2024, Tổng cục Thuế chính thức công bố “Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai, nộp thuế thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số”. Cổng thông tin này được nâng cấp từ Cổng thuế điện tử dành cho cá nhân (https://canhan.gdt.gov.vn) - ICanhan với các chức năng về đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế được thiết kế đơn giản hoá, thuận tiện, dễ sử dụng.
Cổng thông tin hỗ trợ tất cả các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế đối với doanh thu từ kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, bao gồm: Các hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT như shopee, Lazada, tiki…; hộ, cá nhân cung cấp hàng hóa dịch vụ trên mạng xã hội như Facebook, Zalo…; hộ, cá nhân nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo trên các nền tảng quảng cáo như Google, youtube… ; hộ, cá nhân cung cấp phần mềm trên các chợ ứng dụng như CH play, Apple store…; các hộ, cá nhân có thu nhập từ kinh doanh trên các nền tảng khác.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, đối với người nộp thuế, cổng hỗ trợ thêm cho hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số một kênh đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế dễ dàng, thuận tiện.
Đối với cơ quan thuế, cổng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thuế của cơ quan thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, cụ thể: Thông tin người nộp thuế kê khai trên Cổng là nguồn thông tin quan trọng trong cơ sở dữ liệu lớn về thương mại điện tử; phục vụ cho quản lý thuế theo rủi ro, giúp cơ quan thuế xác định được các hành vi không kê khai, nộp thuế, trốn thuế; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước với TMĐT thông qua môi trường số.
Đồng thời, cổng hỗ trợ cơ quan thuế dễ dàng thống kê, đánh giá kết quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT; là thông tin quan trọng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và xây dựng chính sách pháp luật.
Cổng giúp đơn giản hoá thủ tục hành chính cho người nộp thuế qua đó góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian tuân thủ pháp luật cho người nộp thuế theo định hướng của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số. Cổng sẽ góp phần xây dựng ngành thuế chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, liêm chính, hiệu quả; đồng thời, khuyến khích sự phát triển của kinh tế số và TMĐT, cung cấp môi trường thuế rõ ràng và dễ hiểu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ, cá nhân kinh doanh tham gia vào lĩnh vực TMĐT và nền tảng số một cách hợp pháp và hiệu quả hơn.