Nghiên cứu 'chấn động' của người Việt về thụ tinh trong ống nghiệm

Đầu năm 2018, thông tin nghiên cứu của nhóm bác sĩ Việt Nam về thụ tinh trong ống nghiệm được đăng trên tạp chí y khoa nổi tiếng nhất thế giới New England Journal of Medicine (NEJM) đã làm nức lòng giới y học nước nhà.
TS-BS Vương Thị Ngọc Lan, chủ trì dự án nghiên cứu về thụ tinh ống nghiệm với kết quả được đăng trên tạp chí nổi tiếng y học thế giới (ảnh NVCC)

Nghiên cứu “khá chấn động” của người Việt

Tạp chí Y khoa New England Journal of Medicine (NEJM) là một trong những tạp chí y khoa có uy tín và có ảnh hưởng lớn nhất hiện nay trên thế giới. Trước đây cũng từng có những người Việt có bài nghiên cứu được đăng tạp chí này nhưng đây là lần đầu tiên chủ trì dự án nghiên cứu là người Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu về so sánh việc chuyển phôi tươi và phôi trữ trong kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) gồm 9 người trong đó tiến sĩ-bác sĩ (TS-BS) Vương Thị Ngọc Lan, bộ môn phụ sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM là người chủ trì.

Chia sẻ về kết quả nghiên cứu này, TS-BS Vương Thị Ngọc Lan cho biết: “Trên thế giới có hai phương án chuyển phôi thụ tinh ống nghiệm (TTON). Đó là chuyển phôi tươi vào tử cung hoặc đông lạnh phôi trước, sau đó mới chuyển phôi sau rã đông vào tử cung. Nghe qua thì nhiều người tưởng chừng khó nhưng đó là việc rất bình thường vì kỹ thuật chuyển phôi tươi hay kỹ thuật trữ phôi đông lạnh đã được thực hiện từ lâu. Nhưng vấn đề là phương pháp nào hiệu quả hơn, chi phí ít, biến chứng thấp, thời gian có thai nhanh hơn thì chưa ai có câu trả lời thỏa đáng hết. Do đó, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đi tìm câu trả lời khi nghiên cứu so sánh hai phương pháp điều trị cho vấn đề này”.

Hành trình 4 năm nghiên cứu

TS-BS Vương Thị Ngọc Lan cho biết, NEJM là một tạp chí khoa học có chỉ số trích dẫn và tầm ảnh hưởng cao nhất trên toàn thế giới, đồng thời chưa có tạp chí khoa học nào khó đến mức như NEJM. BS Lan chia sẻ: “Nghiên cứu khoa học trong ngành y ai cũng mong muốn một lần xuất hiện bài báo trên tạp chí này. Bởi yêu cầu để được đăng bài trên tạp chí này cũng không dễ dàng chút nào. Họ chỉ chọn đăng những nghiên cứu thật sự có giá trị, không phải là một phát minh mới mà giá trị ở đây chính là tìm ra một phác đồ điều trị mang lại ích lợi cho bệnh nhân và có thể thay đổi thực hành của chuyên ngành đó trên thế giới, có tầm ảnh hưởng lớn”.

TS-BS Ngọc Lan (bìa trái) cùng các cộng sự trong nhóm nghiên cứu của mình (ảnh NVCC)

Bên cạnh đó, tạp chí này cũng đòi hỏi cách làm nghiên cứu thông qua thiết kế, phân tích số liệu trong bài báo phải chỉnh chu, chặt chẽ, tuân thủ đúng quy cách. Theo như thông báo của tạp chí NEJM về cách chọn đăng bài, chỉ 1-5% tổng số bài gửi về là được xuất bản. Mỗi tuần có hàng ngàn bài báo trên khắp thế giới được gửi về và phải trải qua nhiều vòng đánh giá, sàng lọc, phản biện…”.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu, con đường để được đăng bài trên tạp chí được xem là “thánh đường” của giới y khoa của nhóm cũng rất chông gai. “Những tạp chí khoa học uy tín khác thường chỉ sửa chừng 3 lần là có thể đăng. Tuy nhiên, bài báo này chúng tôi phải sửa... 17 lần”, BS Lan cho biết.

Trải qua khoảng bốn năm trong đó gần hai năm để nhóm thu thập số liệu, 11 tháng để phân tích số liệu và viết bài. Sau 10 tháng gửi thì bài được đăng trên NEJM vào ngày 11/1/2018.

Nhóm nghiên cứu do TS-BS Vương Thị Ngọc Lan (thứ 4 từ phải sang) làm trưởng nhóm (ảnh NVCC)

Bà Lan chia sẻ, tháng 3/2017, nhóm nghiên cứu nộp bài lên NEJM thì 2 tháng sau tạp chí gửi bản nhận xét phản biện, nhiều đến mức nhóm phải giải đáp… 20 trang A4. Nhóm mất 2 tháng mới có thể trả lời. Sau khi được chấp nhận, nhóm lại phải làm việc với biên tập tới 3 lần, qua 2 bản thảo sau đó mới được đăng. Tất cả từ ngữ chuyên ngành được NEJM biên tập lại để làm sao cho người trong ngành y nhưng không phải chuyên ngành phụ sản và người ngoài ngành có thể hiểu được.

“Mình đi qua hết con đường chông gai, khó khăn, khi đến đích cảm giác lâng lâng, mà nghĩ lại cả nhóm cũng không biết sao mình may mắn đến vậy”, TS-BS Lan nói.

GS Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Wales, Úc) từng đánh giá: “Đây là thành tựu đáng tự hào và cũng là một minh chứng rằng Việt Nam có thể làm những nghiên cứu chất lượng rất cao”.

TS-BS Vương Thị Ngọc Lan là con của GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ. Chồng BS Ngọc Lan là Ths-BS Hồ Mạnh Tường, nguyên Trưởng khoa Hiếm muộn vô sinh của Bệnh viện Từ Dũ, cũng là thành viên trong nhóm nghiên cứu hỗ trợ sinh sản và thụ tinh trong ống nghiệm.

BS Ngọc Lan học tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, sau đó nghiên cứu thạc sĩ và tiến sĩ tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Khi còn làm tại Bệnh viện Từ Dũ, BS Lan là người đã giúp cho ra đời hơn 10.000 đứa trẻ bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) với việc hỗ trợ phát triển kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm và giúp xây dựng các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm khắp mọi miền đất nước. Năm 1998, bà đã được vinh danh tại giải thưởng Kovalevskaya vì công trình thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2017, BS Lan được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam.

Theo Theo Dân trí