Nghịch lý điều dưỡng viên

TP - Ngoài việc điều trị của bác sĩ, điều dưỡng viên được cho là người gần gũi và chăm sóc bệnh nhân chu đáo nhất, nhưng hiện nay nhiều bệnh viện không tuyển dụng, trong khi các trường vẫn đua nhau đào tạo điều dưỡng viên.
Hơn 5 nghìn điều dưỡng ở TPHCM đang ngồi chơi xơi nước do hậu quả của việc đào tạo tràn lan. Ảnh: L.N

Ra lò rồi… thừa

Bắt đầu từ đầu năm, các trường dồn dập thông báo tuyển sinh các lớp điều dưỡng trung cấp. “Chỉ cần có bằng tốt nghiệp THPT, các học viên có thể nhận hồ sơ ở trường để xét tuyển”- một thông báo trên trường trung cấp N.T.T ở TPHCM đăng tải. Khi chúng tôi đem bảng điểm và bằng tốt nghiệp THPT đến trường này để xét tuyển hệ điều dưỡng, nhân viên của trường in cho tờ giấy “đã trúng tuyển” và yêu cầu trước khi vào học một tháng đóng học phí với giá gần 8 triệu đồng/năm. 

Dễ dãi hơn là trường Y tế B.D ở tỉnh Bình Dương khi nơi đây tuyển sinh điều dưỡng nha khoa chỉ học 6 tháng với học phí 1,5 triệu đồng/tháng. Tiêu chuẩn tuyển sinh nơi đây cũng dễ không kém khi chỉ cần bằng tốt nghiệp THPT và giấy khám sức khỏe.

Giáo viên Lê Đức Th., khoa Điều dưỡng của trường Trung cấp P.N ở quận 6, TPHCM cho biết, ai cũng biết điều dưỡng ra trường không kiếm được việc nhưng vẫn đào tạo. “Đầu vào quá dễ, đầu ra tự bơi còn các trường cứ dạy để lấy tiền nên đào tạo tràn lan. Cứ 10 điều dưỡng ra trường tôi thấy chỉ có 1-2 người có việc”- thầy Lê Đức Th, nói.

Trong khi cả nước đang thừa điều dưỡng thì các trường vẫn luôn tìm cách để tuyển sinh lớp này. Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM thừa nhận, riêng TPHCM đang thừa khoảng 5 nghìn điều dưỡng. Số lượng điều dưỡng ra trường mỗi năm một nhiều trong khi các bệnh viện đang bão hòa lực lượng này.

Người nhà thay điều dưỡng

PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh khẳng định, công tác điều dưỡng chiếm hơn 60% chất lượng điều trị nhưng thực tế điều dưỡng vẫn là vấn đề quan tâm. 

“Tối thiểu ít nhất phải có 3 khoa bệnh nhân phải được chăm sóc toàn diện là cấp cứu, hồi sức cấp cứu và sau mổ nhưng nhiều nơi vẫn chưa thực hiện được điều này và phải cậy nhờ người nhà bệnh nhân”- ông Khuê nói.

Bác sĩ Tăng Chí Thượng- Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, nếu lãnh đạo bệnh viện nào không quan tâm công tác điều dưỡng thì nơi đó tình trạng tử vong, sai sót trên bệnh nhân vẫn diễn ra.

Một giám đốc của bệnh viện công tại TPHCM thừa nhận, với chính sách tự chủ về tài chính nên nhiều lãnh đạo các bệnh viện không muốn tuyển thêm nhiều điều dưỡng để thực hiện công việc chăm sóc người bệnh, vì vậy việc chăm sóc người bệnh còn phó mặc cho người nhà bệnh nhân.

“Không được đào tạo bài bản, thiếu thực hành và áp lực công việc khiến nhiều diều dưỡng không đáp ứng được công việc, gây ra nhiều tai biến cho bệnh nhân. Điều dưỡng làm rơi trẻ sơ sinh, chích nhầm thuốc, ghi nhầm hồ sơ bệnh án khiến bác sĩ mổ nhầm…xảy ra thời gian qua là những điều khó chấp nhận”- giám đốc của một bệnh viện tại TPHCM xin giấu tên cho biết.