Nghị viện Mỹ bắt đầu nghỉ hè, các nghị sĩ đã tản mát mỗi người một nơi. Đồi Capitol vắng lặng, không còn thấy hàng dãy xe hơi đậu phía trước nữa. Đây cũng là lúc các nhà báo Mỹ bắt đầu xăm soi hoạt động của Nghị viện trong một năm qua.
Theo Pew, trong suốt năm qua, Hạ viện Mỹ chỉ thông qua được 142 đạo luật, con số thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Hơn thế nữa, chỉ 108 đạo luật là thật sự. Số còn lại chỉ mang tính chất lễ tân như đổi tên hoặc chúc mừng.
Sự “lười nhác” của Hạ viện tác động cả lên Tổng thống. Ông Obama chỉ phủ quyết có 2 lần, con số thấp nhất kể từ thời Tổng thống thứ 20 của nước Mỹ James Garfield (nhậm chức Tổng thống năm 1881). Ông Garfield không phủ quyết một lần nào. Nhưng ông chỉ làm chủ Nhà Trắng 200 ngày vì sau khi nhậm chức được 3 tháng ông bị bắn trọng thương và hơn 2 tháng sau qua đời.
Các đạo luật thường không đến được bàn làm việc của Tổng thống Obama bởi vì chính các Nghị sĩ cũng thường bỏ họp. Năm ngoái, Hạ viện họp có 135 ngày. Năm nay số ngày họp còn ít hơn nữa. Nhà báo Mỹ Jeremy Peters cho biết, nếu không kể những phiên họp ngắn cho đủ lệ bộ thì Hạ viện chỉ làm việc 942 giờ/ năm, tức là trung bình 28 giờ một tuần.
Người Mỹ trung bình làm việc mỗi năm 1.700 giờ vậy mà chỉ nhận được đồng lương ít ỏi so với mức lương 174.000 USD/ năm của các Hạ nghị sĩ. Nhưng mức lương ấy cũng chẳng phải nhiều bởi vì lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, hơn một nửa các nghị sĩ Mỹ là triệu phú. Trị giá trung bình tài sản của họ là 1.006.767 USD, tức là hơn 4,4% so với năm ngoái. Cụ thể, trong số 534 nghị sĩ thì có tới 268 triệu phú. Người giàu nhất là Hạ nghị sĩ Cộng hoà Darrell Issa của bang California với tài sản trị giá 598 triệu USD, còn người nghèo nhất là Hạ nghị sĩ Cộng hoà David Valadao cũng của bang California với khoản nợ là 18,1 triệu USD do làm ăn thua lỗ trong ngành sữa.
Trên đây là nói về sự “lười nhác” của Hạ viện Mỹ. Nhưng Thượng viện Mỹ cũng chẳng “chăm chỉ” hơn. Cũng theo số liệu của nhà báo Jeremy Peters, Thượng viện năm nay chỉ họp có 98 ngày, chỉ chút nữa là lập kỷ lục mới về mức độ “lười nhác”. Kỷ lục hiện nay là 95 ngày được thiết lập vào năm 1991, nhưng đó không phải là năm có bầu cử giữa chừng như năm nay.
Chắc hẳn vì thế mà chẳng mấy người dân Mỹ tín nhiệm Nghị viện Mỹ. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất do Hãng Gallup thực hiện, hơn 3/4 người Mỹ không tin vào nghị viện hiện nay. Số người tán thành hoạt động của nghị viện chỉ chiếm hơn 1/5, cụ thể là 22%.