Ông đến với hình tượng Bác Hồ như thế nào?
Đó là năm 1970, anh Hoàng Tích Chỉ về thăm đoàn Ca múa kịch Hà Bắc và nói là Trung ương muốn anh em nghệ sĩ phải đưa được hình tượng Bác Hồ lên sân khấu, phim ảnh. Lúc đó tôi là diễn viên kịch của đoàn, cũng muốn thử sức với vai diễn Bác Hồ.
Về nhà tôi tự tết râu tóc bằng cây dứa bà, cây đay. Rồi ấp ủ ý tưởng. Đến năm 1974, tôi viết được một hoạt cảnh về Bác. Lúc đầu đặt tên là “Bác Hồ thăm trận địa pháo”, sau đổi thành “Kỷ niệm cao quý”. Chính là hoạt cảnh tôi diễn hôm nay.
Tôi được nhiều bạn nghề ủng hộ với hình tượng Bác. Đồ hóa trang khi nhập vai được họa sĩ Nhữ Đình Nguyên và họa sĩ Bích Nguyệt ở xưởng phim làm cho. Đây là lần diễn thứ 1.595 của tôi. Lai Châu là tỉnh duy nhất trong cả nước tôi chưa đến diễn.
Không ít tên tuổi khác cũng thành công với hình tượng Bác. Ông làm thế nào để hình tượng của mình khác biệt?
Tôi là người đầu tiên đóng vai Bác Hồ và cũng là người đóng nhiều nhất. Trước khi nhập vai, tôi đến Phủ Chủ tịch nhiều lần. Được bác Vũ Kỳ tặng cho một băng có 13 bài diễn thuyết, nói chuyện, đọc thơ của Bác. Hầu như ngày nào tôi cũng nghe.
Cái thời mà mọi người gọi Bác là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thì có anh Sĩ Hùng, anh Ngọc Thủy, anh Tiến Hợi thể hiện tốt. Còn Bác thời “Xuân 61 đỉnh cao muôn trượng” thì bạn nghề đánh giá tôi là số 1. Mỗi một người có cái hay riêng, thể hiện Bác với những tình cảm riêng.
Ông diễn tới 1.595 lần, có thể cũng khó tránh khỏi lặp lại?
Diễn nhiều nhưng mỗi một nơi là khán giả riêng. Cho nên lúc nào tôi cũng thấy thanh xuân, mới mẻ. Và lúc nào cũng thấy lo lắng, hồi hộp. Có khi cảm giác lo lắng nó làm mới mình (Cười).
Cảm ơn và chúc ông luôn thành công.