“Cơ hội giành giật huy chương của tôi không còn nữa”
Là con gái NSND - danh hề Mạnh Tuấn, Minh Thu học chèo từ năm 15 tuổi. Chị được Bộ VH-TT&DL chọn làm giảng viên của các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho diễn viên trẻ. Minh Thu từng dạy chèo cho 13 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, kể cả Nhà hát Ca Múa Nhạc, và nhiều năm cộng tác với đài phát thanh, truyền hình để truyền bá nghệ thuật dân tộc.
Biết tin mình bị loại, Minh Thu gửi đơn đề nghị xem xét lại. Chị khẳng định: “Nếu không đủ tiêu chuẩn, tôi không dám đấu tranh. Tôi có tìm hiểu và biết rõ phải 8/12 người trong hội đồng của Bộ bỏ phiếu thì mới đạt. Tôi được 6/12. Đặc biệt, đại diện duy nhất của ngành chèo là đạo diễn, NSND Bùi Đắc Sừ không bỏ phiếu cho tôi”.
Tính đến nay, Minh Thu có hơn 20 vai diễn, được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Chị có tổng số 4 HCV (bao gồm 2 HCV Hội diễn toàn quốc 1992 và 1995, và 2 bằng khen tương đương HCV vào 1981 và 1988 - thời kỳ chưa có cách gọi HCV). Đặc biệt với bằng khen loại A1 tại hội thi tiếng hát sân khấu 1981, chị được Bộ Văn hóa đặc cách tăng 3 bậc lương. Như vậy, thời điểm được tặng danh hiệu NSƯT - chỉ đòi hỏi 2 HCV - Minh Thu đã thừa tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, chị vẫn chưa đáp ứng hoàn toàn tiêu chí số 4 trong tiêu chuẩn NSND do Bộ VH-TT&DL ban hành năm 2010: “Có nhiều giải thưởng nghệ thuật loại Vàng và Bạc, trong đó có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia hoặc quốc tế, tính từ thời điểm sau khi được phong NSƯT”. Sau khi đạt NSƯT, Minh Thu chỉ đoạt 1 HCB vào năm 2009.
Minh Thu viết trong đơn: “Nếu chỉ xét huy chương mà không đánh giá công sức 38 năm thì rất thiệt thòi cho những nghệ sĩ như tôi. Những nghệ nhân, nghệ sĩ thế hệ cha anh đâu phải ai cũng có huy chương Vàng, Bạc thế nhưng họ vẫn là NSND, NSƯT được đồng nghiệp và công chúng thừa nhận. Tôi cũng có một thời hoàng kim nhưng ở thời điểm ấy, Nhà nước không tổ chức hội diễn. Nay tuổi đã cao, cơ hội để giành giật huy chương không còn nữa”.
Không như tuồng 2 năm hội diễn 1 lần, chèo 5 năm mới có 1 lần cho nghệ sĩ thi thố. Hơn nữa, theo Minh Thu, nhà hát Chèo Việt Nam nói riêng có chủ trương trẻ hóa sân khấu, vì thế các nghệ sĩ đứng tuổi càng ít có cơ hội ghi điểm. Tất nhiên U50 cũng có khi may mắn được đóng vai phụ, nhưng theo Minh Thu, ngành chèo mới đây lại có chủ trương “ngầm” rằng chỉ diễn viên chính mới được HCV.
Hội đồng cấp Bộ nói gì?
Theo ông, NSƯT Minh Thu có xứng đáng xét tặng NSND đợt này?
Đạo diễn Lê Hùng, thành viên Hội đồng xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT Bộ VH-TT&DL:
Minh Thu là nghệ sĩ đầu đàn của Nhà hát, có nhiều cống hiến, có tài năng, là con nhà nòi, chỉ tiếc sau khi được phong NSƯT cho đến khi xét NSND thì chưa đủ giải thưởng thôi, chứ theo tôi thì xứng đáng NSND lắm.
Tại sao đã có tiêu chuẩn NSND, NSƯT do Bộ ban hành rồi mà vẫn còn phải nhờ đến lá phiếu của hội đồng trong việc xét duyệt các danh hiệu này?
Nó cũng gọi là “học tài thi phận”. Cái này đâu phải cứ đúng là được đâu. Nếu như đủ tiêu chuẩn phần cứng thì Vụ Thi đua khen thưởng của Bộ cứ việc phong tặng luôn, việc gì phải thành lập hội đồng, thế nhưng còn nhiều những cái khác. Ngoài phần cứng ra, có đủ uy tín này kia không, thì phải thành lập hội đồng.
Mà hội đồng thì cũng xét có những người không đủ phần cứng mà vẫn cứ phong tặng. Ngày xưa còn dễ, giờ bên Bộ Y tế, Bộ Giáo dục phản đối Bộ Văn hóa đặc cách thời gian. Bên kia cứ phải đủ 15 năm công tác mới được ưu tú. Đâm ra bên này kể cả giải thưởng đầy ắp ra đấy, mà không đặc cách thời gian được.
NSƯT Minh Thu cho rằng tuy không đủ số huy chương vàng nhưng chị có nhiều giải thưởng khác (kể cả 2 lần tham dự và đoạt giải dàn đồng ca xuất sắc nhất hội diễn trong 2 vở đoạt HCV) mà Hội đồng vẫn không quy đổi thành huy chương cho chị?
Có những quy định như mấy HCV địa phương thì được quy đổi ra thành 1 HCV toàn quốc đấy. Nhưng nhiều hội diễn chưa quy chuẩn được là tương đương với hội diễn quốc gia, nên giải trong các hội diễn ấy rất khó để tính. Ví dụ bằng khen của UNESCO là giải thưởng, nhưng hội đồng không nhất trí 100% để quy đổi thành huy chương quốc gia. Tôi nói không ăn thua. Còn tham gia dàn đồng ca được giải thì khó lắm, quy đổi thế nào được.
“Phải bỏ cơ chế xin - cho”
GS NSND Trần Bảng, chuyên gia đầu ngành chèo, phát biểu về vụ khiếu nại của Minh Thu và cơ chế xét tặng danh hiệu nói chung:
“So với Thanh Hoài (NSND- PV) thì Minh Thu cũng xứng đáng NSND. Chín muồi, nghệ thuật chèo giữ được tốt, tác phong nghề nghiệp tốt. Giọng loại 1, làm tốt những vai truyền thống, như đào Huế, Thị Kính… Hội diễn ngành chèo có những giai đoạn bị cách quãng, như từ 1971 đến 1980 mới lại có. Nghệ sĩ nào phát triển trong giai đoạn đó thì lại không được ghi nhận. Lứa của Minh Thu cũng bị ảnh hưởng.
Trước đây hội diễn có tiêu chí nghệ thuật rõ ràng, sau này do việc xét duyệt danh hiệu NSƯT căn cứ vào huy chương nên cũng loạn, có trường hợp chạy huy chương. Cho nên nếu khen thưởng chỉ dựa vào huy chương thì không chính xác.
Trước đây hội diễn có tiêu chí nghệ thuật rõ ràng, sau này do việc xét duyệt danh hiệu hay căn cứ vào huy chương nên cũng loạn, có trường hợp chạy huy chương. Cho nên nếu khen thưởng chỉ dựa vào huy chương thì không chính xác” - GS-NSND Trần Bảng.
Hội đồng (cấp Bộ) phải có người thường xuyên theo dõi diễn viên. Thực tế hội đồng có khi chỉ đọc hồ sơ, chứ chả nắm được thực tế. Cứ tính huy chương Vàng, Bạc- mà nhiều khi không thực Vàng, thực Bạc. Cho nên ngày xưa có kiện cáo đâu, bây giờ tại người ta thấy bất công quá. Hội đồng cơ sở chủ yếu là mấy ông hành chính, những người làm nghệ thuật vào danh sách đề cử cả rồi nên không được ngồi ghế hội đồng. Phải chỉnh đốn cách thức xét thưởng.
Giải thưởng Nhà nước chẳng hạn, phải có một cơ quan thường trực theo dõi từng ngạch. Nhiều giải thưởng thế giới là do hội đồng thường trực đề cử, chứ có bắt xin giải xét đâu. Cho nên càng làm càng loạn xị đi. Ít ra anh phải xin thì tôi mới cho. Cho nên nhiều người đáng lẽ được giải thưởng nhưng không làm hồ sơ, người ta thấy bị xúc phạm.
Lá đơn tập thể viết gì ?
Lá đơn có chữ ký của 31 nghệ sĩ trong ngoài ngành chèo kiến nghị về 4 trường hợp bị loại khỏi đề cử NSND của các diễn viên Mạnh Phóng, Minh Thu, Thanh Ngoan và nhạc công Minh Chí (Nhà hát Chèo Việt Nam).
Đơn viết: “Thông tin trên đã gây sự xáo động bất bình cho tập thể cán bộ nghệ sĩ diễn viên Nhà hát Chèo. Chúng tôi được biết cả 4 trường hợp đều có số phiếu rất thấp vì không được đại diện chuyên ngành chèo bảo vệ. Trong khi Nhà hát Tuồng Việt Nam có tới 4 nghệ sĩ được phong tặng NSND, mà tuổi đời và tuổi nghề của họ còn rất trẻ, thuộc thế hệ đàn em của những nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam”.