Nghề PR 'đen' bùng nổ ở Trung Quốc

Các công ty PR sẽ dùng mọi mối quan hệ và tiền để nhờ vả biên tập viên các trang web, báo mạng xóa thông tin bất lợi về những nhân vật bị bêu tên vì hành vi tham nhũng

Nghề PR 'đen' bùng nổ ở Trung Quốc

> Vụ bán visa qua Mỹ ở TP HCM: Hé lộ 5 đồng phạm

> Nghề rửa tiền ở Trung Quốc 

Các công ty PR sẽ dùng mọi mối quan hệ và tiền để nhờ vả biên tập viên các trang web, báo mạng xóa thông tin bất lợi về những nhân vật bị bêu tên vì hành vi tham nhũng

Weibo là một trong những nơi mà các công ty PR đen có thể xóa nội dung bất lợi cho khách hàng của mình.
 

"Dù bài viết có lớn hay nhạy cảm cỡ nào thì chúng tôi cũng có thể làm cho nó biến mất", người quản lý của Yage Times - công ty quan hệ công chúng (PR) "đen" lớn và nổi tiếng nhất Trung Quốc cam kết.

Vài tháng gần đây, hàng chục quan chức Trung Quốc đã bị điều tra, vì thế các Đảng viên nước này ở mọi cấp lỡ dính chàm đang hết sức lo lắng, Telegraph dẫn lời con của hai cán bộ nước này cho biết. Những quan tham đặc biệt lo ngại Internet, nơi các câu chuyện về tham nhũng được lan truyền với tốc độ chóng mặt, kéo theo áp lực buộc Đảng mở các cuộc điều tra cấp cao.

Zhang Shaolong, cán bộ tại cơ quan kỷ luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết, có tới 42% số vụ tham nhũng trong năm nay bị điều tra nhờ manh mối do người dân cung cấp, thường là từ mạng Internet. Cũng chính từ đây, thị trường PR "đen" bùng nổ. Có khoảng 30 công ty chuyên cung cấp dịch vụ "tẩy sạch" mọi thông tin hoen ố, bất lợi trên mạng cho quan chức, doanh nhân hay người nổi tiếng làm ăn không minh bạch, dính scandal.

Đại diện một công ty PR "đen" có quảng cáo trên trang Taobao cho biết: "Gần đây chúng tôi giúp giám đốc cảnh sát thành phố Yết Dương (tỉnh Quảng Đông) xóa hàng loạt bài viết trên mạng, nhưng tôi không thể tiết lộ danh tính của khách". Người này cũng khẳng định có thể xóa tên khách hàng khỏi các trang blog, diễn đàn, trang tin, tiểu blog Weibo. "Nếu xóa khỏi People's Daily hay Xinhua thì giá là 13.000 tệ (gần 45 triệu đồng)".

Theo giải thích, giá này cao vì đây là các trang web của chính phủ, thậm chí khách còn phải cho biết cụ thể đường link bài viết muốn xóa tên rồi công ty PR đen sẽ hỏi ban biên tập liệu việc gỡ nội dung có mạo hiểm hay không. Nhân vật tiết lộ chỉ trong 30 ngày vừa rồi họ đã có tới 313 khách hàng muốn "trong sạch".

Tại một công ty khác có tên Origin of Brightness, một người họ Liu tự xưng quản lý nói: "Các công ty, cá nhân và chính phủ sử dụng cách này để quản lý khủng hoảng. Đây là ý tưởng tốt để những bài viết về chuyện tiêu cực bị ẩn đi". Trong khi đó, tại Yage Times một nhóm nhân viên được giao nhiệm vụ tìm kiếm trên mạng các bài viết tố cáo, sau đó gọi điện cho nhân vật chính rồi đề nghị bán dịch vụ.

Thông thường, yêu cầu xóa bài viết phải có sự đồng ý của biên tập trang web hoặc văn bản yêu cầu do chính quyền gửi. Một số công ty còn tạo ra con dấu giả để mạo danh công văn của quan chức. Biên tập viên giấu tên của một cổng thông tin ở Trung Quốc tiết lộ các công ty PR "đen" phải sử dụng mọi mối quan hệ để có thể làm được việc.

"Đơn vị truyền thông càng lớn thì giá càng cao, nhưng vẫn có thể mặc cả được. Biên tập viên chỉ nhận được hoa hồng rất nhỏ, hầu hết số tiền sẽ đổ vào túi các sếp cao hơn. Tôi từng được mời tham gia nhưng thấy quá nguy hiểm nên từ chối. Nói chung việc gì cũng có thể kiếm thu nhập đen", người này cho biết thêm.

Một biên tập viên tại Xinhua cho hay có nghe về nghề này nhưng xem đó là việc "trái với đạo đức" và "rất khó về mặt kỹ thuật nếu muốn xóa những câu chuyện trên Xinhua". Tháng 7/2012, cảnh sát Trung Quốc đã điều tra và tìm cách đóng cửa Yage Times.

Theo tạp chí kinh doanh Caixin, lợi nhuận của công ty này năm 2011 là 50 triệu tệ (170 tỷ đồng). Trong đó 60% đến từ các quan chức ở các thành phố nhỏ, nhiều nhất là cảnh sát và lãnh đạo cấp huyện. Mùa hái ra tiền là thời gian trước kỳ họp quốc hội vào tháng 3, khi các nhân vật bị cộng đồng mạng tố cáo.

Theo Phương Linh
Vnexpress

Theo Đăng lại