Sáng 7/9, tại trường THCS Khai Lạng cơ sở 2 (đóng trên địa bàn xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) có hàng trăm phụ huynh tập trung trước cổng trường phản đối việc sáp nhập trường THCS Lạng Sơn với trường THCS Khai Sơn (xã Khai Sơn) thành trường THCS Khai Lạng (đóng tại xã Khai Sơn).
Bà Nguyễn Thị Ngọc (trú xóm 6, xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn) cho biết, bà không đồng ý với việc sáp nhập trường học. “Nếu chuyển đến trường mới, việc đi lại của các cháu từ xã Lạng Sơn sang Khai Sơn rất vất vả. Như thôn 8,9 muốn đi học phải vượt quãng đường dài hơn 8km. Hơn nữa, trường THCS Lạng Sơn vốn có truyền thống hiếu học, nếu sáp nhập trường sang xã khác, sẽ làm mai một đi truyền thống của địa phương”, bà Ngọc lý giải.
Bà Ngọc đề xuất nguyện vọng, thay vì sáp nhập hai trường THCS Lạng Sơn và Khai Sơn thì nên sáp nhập trường tiểu học và THCS trên cùng một địa bàn để thuận lợi hơn cho người dân.
Liên quan đến sự việc, thầy Lê Đình Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Khai Lạng cho biết, đề án sáp nhập trường đã được UBND huyện Anh Sơn phê duyệt, thực hiện từ năm 2018. Tuy nhiên, do phụ huynh chưa đồng tình nên các năm học trước, chỉ mới sáp nhập lớp 9 của Trường THCS Lạng Sơn vào Trường THCS Khai Lạng.
Theo lộ trình, đầu năm học này, toàn bộ khối 6, 7, 8 sẽ được chuyển về trường mới. Nhưng khi nhận được thông tin, nhiều phụ huynh đã gửi đơn thư phản đối. Người dân cho rằng, cơ sở vật chất của trường mới chưa đảm bảo cho toàn bộ học sinh của 2 xã. Ngoài ra, việc đi lại của học sinh sẽ vất vả hơn vì trường mới cách trường cũ hơn 4 km. Xa nhất là thôn 8, 9 quãng đường đến trường dài hơn 8 km.
Sau đó, Thường trực Huyện ủy Anh Sơn đã thông báo tạm thời chưa sáp nhập các khối 6, 7, 8 và chỉ sáp nhập khối lớp 9. Tuy nhiên, qua ngày khai trường đã hai ngày, nhiều học sinh lớp 9 ở xã Lạng Sơn vẫn không đến lớp. Sáng nay, các học sinh khối 6,7,8 cũng đồng loạt nghỉ học. Duy chỉ có lớp 8D là có 11 em học sinh vào lớp học.
“Việc sáp nhập nhưng vẫn duy trì 2 điểm trường gây bất cập trong việc bố trí giáo viên. Có những buổi học, một giáo viên phải đi lại 2 điểm trường rất vất vả. Năm học này, khối lớp 9 Trường THCS Khai Lạng có 105 học sinh, được chia làm 3 lớp. Trong đó có 52 học sinh ở xã Lạng Sơn, 53 học sinh ở xã Khai Sơn. Nếu phải chia về cho xã Lạng Sơn theo yêu cầu của một số phụ huynh thì phải bố trí đến 4 lớp 9, vì quy định mỗi lớp không được quá 45 học sinh. Như vậy sẽ rất khó cho nhà trường trong việc bố trí giáo viên, chưa kể gây lãng phí”, thầy Hà nói.
Tương tự, ở các khối lớp còn lại, theo thầy Hà, do đang học tại 2 cơ sở, dẫn đến khó bố trí lớp như đúng sĩ số quy định. Năm học vừa qua, điểm trường Lạng Sơn, khối 7 có 51 em, cũng không thể chia làm 2 lớp vì không đảm bảo sĩ số theo điều lệ, và cũng không đủ giáo viên để giảng dạy. Nhưng để 1 lớp thì quá tải với cả giáo viên lẫn học sinh. Ở một số khối khác sĩ số lại chưa đến 35 em/lớp.
Ông Đoàn Văn Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Anh Sơn cho biết, đề án sáp nhập THCS Khai Sơn và THCS Lạng Sơn xuất phát từ thực tế quy mô trường lớp và phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường lớp của huyện. Mục tiêu tập trung đầu tư cơ sở vật chất theo hướng hiện đại đảm bảo đầy đủ các điều kiện cần thiết cho công tác quản lý và dạy học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, giảm bớt đầu mối quản lý, sắp xếp lại đội ngũ viên chức phù hợp.
“Việc phụ huynh không cho con em đến trường là đáng tiếc, ảnh hưởng đến quyền của trẻ. Hiện, ngành giáo dục đang phối hợp với chính quyền địa phương vận động phụ huynh cho các em trở lại trường”, ông Thanh chia sẻ.