Linh hoạt với thị trường
Năm 2018, ngành thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn, khi phải chịu tác động 9 cơn bão, an ninh trên biển diễn biến phức tạp; “thẻ vàng” của EC, trong khi thị trường thế giới nhiều biến động và một số rào cản kỹ thuật của nước nhập khẩu ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản, thiếu lao động trực tiếp đi biển.
Tuy vậy, nhờ nguồn lợi một số loài thủy sản phục hồi; thị trường tiêu thụ hải sản và giá nguyên, nhiên liệu tương đối ổn định…nên sản xuất, xuất khẩu thủy sản năm 2018 tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, để có thành quả trên, lĩnh vực nhiều tỷ đô này được quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ ngành, đặc biệt là sự quyết liệt, sát sao của Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, sự “xắn tay” của địa phương, nỗ lực của người dân, các doanh nghiệp, hội, hiệp hội…
Năm 2018, giá trị sản xuất thủy sản (giá so với năm 2010) ước đạt khoảng 228.140 tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2017; tổng sản lượng đạt khoảng 7,74 triệu tấn, tăng 7,2%, trong đó sản lượng sản lượng khai thác đạt 3,59 triệu tấn (tăng 6%), nuôi trồng đạt 4,15 triệu tấn, tăng 8,3%.
Đáng lưu ý, xuất khẩu thủy sản cả nước đã cán đích 9 tỷ USD, tăng 8,4%, trong đó những mặt hàng chủ lực như cá tra 2,26 tỷ USD (tăng 26,4%).
Trong khi đó, nhóm hải sản như: Cá ngừ 675 triệu USD, tăng 13,9%; cá khác 1,52 tỷ USD, tăng 15,5%, nhuyễn thể 785 triệu USD tăng 9,1%, giáp xác 145 triệu USD, tăng 23,0%.
Nhắc lại những thời điểm “vượt khó” trong năm qua, ông Oai cho biết, hồi cuối tháng 5/2018, lúc giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, Tổng cục đã tham mưu cho Bộ trưởng tổ chức các đoàn đánh giá diễn biến thị trường sản xuất, tiêu thụ tôm các tháng đầu năm 2018, khuyến cáo giải pháp giúp người nuôi tôm ổn định sản xuất, hợp tác, liên kết theo chuỗi để gắn sản xuất với thị trường, giảm thiểu rủi ro.
Ngay sau đó, Bộ trưởng đã chủ trì tổ chức hội nghị “Các giải pháp trọng tâm để phát triển ngành tôm bền vững” tại Bạc Liêu. Tại hội nghị, các doanh nghiệp sản xuất giống lớn như Minh Phú, Nam Miền Trung, Việt Úc đã cam kết giảm giá giống 10%, Tập đoàn Minh Phú cam kết tăng giá tôm nguyên liệu thêm 10%.
Nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ và quyết liệt, nên từ cuối quý II/2018 giá tôm nguyên liệu đã tăng lên, người nuôi tiếp tục thả giống nuôi tôm, góp phần đưa sản lượng tôm các loại đạt khoảng 800 nghìn tấn, tăng 10,5% so với năm 2017.
Năm qua, ngành hàng chủ lực khác là cá tra cũng gặp không ít trắc trở. Có thời điểm giá cá tra lên những “đỉnh” tới 36-37 nghìn đồng/kg, mức cao nhất từ trước đến nay. Hiệu ứng trên khiến người dân ở Long An và một số địa phương tự phát đào ao để ương dưỡng cá giống, phá vỡ quy hoạch.
Tổng cục Thủy sản đã kịp thời tham mưu cho Bộ cử đoàn công tác do lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh Long An. Đồng thời, có công văn gửi Chủ tịch UBND các địa phương nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long nhằm hạn chế tình trạng thả giống ồ ạt, gây khủng hoảng thừa nguyên liệu, vì vậy, tình trạng đào ao nuôi cá ngoài quy hoạch đã giảm...
Đặc biệt, Tổng cục Thủy sản đã tích cực chỉ đạo các đơn vị đón các đoàn thanh tra Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, vùng nuôi và nhà máy chế biến cá tra đã được Đoàn thanh tra đánh giá tích cực, đề xuất công nhận tương đương đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá và cá Siluriform vào thị trường Hoa Kỳ. Kết quả này là một trong những nguyên nhân góp phần tăng trưởng giá trị xuất khẩu cá tra năm 2018 vượt trên 2 tỷ USD.
Bám sát “trận địa” trọng tâm
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm qua, cũng như thời gian tới là gỡ “thẻ vàng” của EC. Qua đó, từng bước xây dựng nghề cá có trách nhiệm và bền vững.
Theo quyền Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Oai, từ cuối năm 2017 đến nay Tổng cục đã tham mưu cho Bộ ban hành hoặc trình Thủ tướng ban hành nhiều văn bản quan trọng chỉ đạo, hướng dẫn 28 địa phương ven biển và các bộ, ngành có liên quan, tăng cường chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Cùng đó, Tổng cục Thủy sản đã tham mưu tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về một số nhiệm vụ cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về IUU do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì (ngày 3/8/2018). Tổ chức nhiều đoàn công tác kiểm tra tình hình triển khai các Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng tại địa phương...
Đến nay, tình trạng tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển các nước đã giảm đáng kể, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển các quốc đảo Thái Bình Dương đã chấm dứt.
Kết quả lớn nhất là Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thuỷ sản của Ủy ban Châu Âu (từ ngày 16/5 đến 24/5/2018) và Đoàn Ủy ban Nghề cá Nghị viện Châu Âu (từ ngày 29/10 đến 1/11/2018) đã thanh tra, kiểm tra đánh giá tại Việt Nam, kết thúc thời gian thanh tra, kiểm tra Đoàn công tác đã đánh giá cao tình hình chống khai thác IUU của Việt Nam.
Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cũng cho biết, để chuẩn bị triển khai Luật Thủy sản có hiệu lực từ năm 2019, Tổng cục đã tập trung nguồn lực, phối hợp với các đơn vị liên quan, tham khảo ý kiến của EC trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo kế hoạch được phê duyệt.
Đến nay, đã hoàn thiện dự thảo và trình Chính phủ xem xét ban hành 2 Nghị định hướng dẫn Luật; Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 50/2018/QĐ-TTg ngày 13/12/2018 quy định về đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; Bộ trưởng đã ký ban hành đối với 8 Thông tư: quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản; hướng dẫn về Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; hướng dẫn về quản lý giống thủy sản; thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn về đánh giá rủi ro, cấp phép thủy sản sống nhập khẩu; quy định việc chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác; quy định về đăng ký, đăng kiểm tàu cá, tàu công vụ thủy sản; hướng dẫn về thuyền viên tàu cá; quy định biểu trưng, cờ hiệu, cờ truyền thống, trang phục, mẫu thẻ Kiểm ngư và màu sơn, số hiệu của tàu, xuồng Kiểm ngư; Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 104/2018/TT-BTC ngày 14/11/2018 về quy định thanh toán chi phí cho tổ chức, cá nhân được điều động, huy động trong hoạt động kiểm ngư.
Tại Hội nghị Tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Tổng cục Thủy sản, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá năm 2018 ngành Thủy sản đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, hoàn thiện một bước về thể chế trong tinh thần hội nhập và cầu thị, có thái độ ứng xử minh bạch với vấn đề khai thác bất hợp pháp. Đồng thời, ngành cũng thực hiện tái cơ cấu, có bước đột phát trong phát triển đối tượng chủ lực (tôm, cá tra) và xử lý tốt những tình huống.
Thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, ngành cần tiếp tục tháo gỡ những nút thắt về thể chế, tăng cường xã hội hóa các lĩnh vực có thể thực hiện.
Đối với lĩnh vực nuôi trồng, cần chú trọng phát triển bền vững các đối tượng chủ lực, nâng cao giá trị thông qua tăng cường các sản phẩm giá trị gia tăng, phát triển thị trường…
Trong khai thác hải sản, cần rà soát, đánh giá lại kế hoạch trung và dài hạn để sắp xếp và hình thành nghề cá bền vững; cần cải thiện và nâng cấp các thiết chế hạ tầng (cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão…); tập trung phát triển khai thác đại dương xa bờ… “Đặt mục tiêu cao nhất để rút thẻ vàng. Việc rút còn chiến lược tổ chức ngành khai thác bền vững, hiệu quả lâu dài là việc phải làm của chúng ta”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Năm 2019, Ngành Thủy sản đặt mục tiêu: Tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản tăng 4,69% so với năm 2018. Tổng sản lượng thủy sản đạt 8.081 nghìn tấn, tăng 4,2% so với ước thực hiện năm 2018, trong đó: sản lượng khai thác thủy sản 3.603 nghìn tấn, tăng 2,6%, sản lượng nuôi trồng thủy sản 4.386 nghìn tấn, tăng 5,6% (cá tra đạt 1.512 nghìn tấn, tăng 6,6%, Tôm các loại 864 nghìn tấn, tăng 7,4%). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản phấn đấu đạt 10,5 tỷ USD.