Ngành Thuế chuyển đổi số công tác quản lý - mạnh từ nội lực

Tổng cục Thuế đã lựa chọn 19 ứng dụng do các Cục Thuế tự nghiên cứu xây dựng phát triển. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác quản lý là bước tạo đà quan trọng để ngành Thuế cụ thể hóa mục tiêu chuyển đổi số toàn diện của Bộ Tài chính và của Chính phủ.

Tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin

Ngày 27/11, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị giới thiệu 19 công cụ, ứng dụng do Cục Thuế xây dựng để lựa chọn triển khai mở rộng trên toàn quốc. Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành Thuế đã và đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số. Với trên 80 công cụ, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) do các Cục Thuế tự xây dựng và phát triển, ngành Thuế đã lựa chọn 19 công cụ, ứng dụng triển khai mở rộng trên toàn quốc.

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh khẳng định, trong những năm qua ngành Thuế đã có một bước tiến dài trong nghiên cứu các ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý thuế đáp ứng yêu cầu điện tử hóa, số hóa của toàn Ngành, của Bộ Tài chính và của Chính phủ.

Theo Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh, nhiều năm qua, Tổng cục Thuế luôn tiên phong ứng dụng CNTT, hiện đại hóa trong lĩnh vực quản lý, giúp tăng cường hiệu quả, minh bạch trong quản lý thuế. Hệ thống ứng dụng CNTT do Tổng cục Thuế xây dựng, cài đặt tập trung tại Tổng cục Thuế và triển khai cho các Cục Thuế trên phạm vi toàn quốc khai thác, sử dụng đã phát huy hiệu quả hết sức tích cực.

Năm 2023, ngành Thuế tiếp tục tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số, điện tử hóa công tác quản lý thuế. Điển hình như: Triển khai Bản đồ số hộ kinh doanh giúp chuyển đổi căn bản công tác công khai thông tin hộ kinh doanh theo quy định của Luật Quản lý thuế từ phương thức thủ công trước đây sang phương thức điện tử.

Cùng với đó, vận hành hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng cường quản lý thuế, quản lý hóa đơn, góp phần kiểm soát, phát hiện nhanh các trường hợp gian lận.

Năm 2023 cũng là năm đánh dấu việc ngành Thuế đẩy mạnh công tác tiếp tục triển khai mở rộng chương trình HĐĐT từ máy tính tiền, từ đó góp phần xử lý minh bạch nguồn thu từ phía cơ quan thuế, tạo cơ sở để người kinh doanh bán hàng xuất hóa đơn kịp thời cho người mua và tạo điều kiện cho NNT lấy hóa đơn sau mỗi lần giao dịch và tham dự chương trình “hóa đơn may mắn” được ngành Thuế triển khai rộng khắp trên phạm vi toàn quốc và thu hút được sự quan tâm lớn của xã hội.

Sự đồng thuận cao của các đơn vị trong nghiên cứu phát triển công cụ, ứng dụng CNTT trong quản lý là một bước đi cụ thể để toàn ngành Thuế thực hiện tốt mục tiêu “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”.

Thực hiện phương châm “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ” ngành Thuế tiếp tục nỗ lực tăng cường ứng dụng CNTT nhằm gia tăng các tiện ích, tạo thuận lợi trong việc chấp hành các thủ tục đăng ký, kê khai, nộp thuế, triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số và đa dạng hóa công tác tuyên truyền hỗ trợ.

Đặc biệt, tiếp nối 2 năm liên tiếp (2021-2022), trong các cuộc bình xét, lựa chọn giữa các bộ, ngành Trung ương, Tổng cục Thuế được Bộ Thông tin và Truyền thông tôn vinh là đơn vị dẫn đầu trong chuyển đổi số và mới đây nhất, năm 2023 “Dịch vụ khai thuế GTGT đối với phương pháp khấu trừ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh” của Tổng cục Thuế tiếp tục được Bộ Thông tin và Truyền thông tôn vinh là 1 trong 4 dịch vụ công trực tuyến xuất sắc đáp ứng tốt nhất các tiêu chí “toàn trình” và “toàn dân” được tôn vinh lựa chọn, ghi nhận những nỗ lực chuyển đổi số của ngành Thuế.

Cục trưởng Cục CNTT Phạm Quang Toàn khẳng định đơn vị sẽ tăng cường chia sẻ kinh nghiệm để hỗ trợ Cục Thuế các địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và xây dựng ứng dụng CNTT quản lý thuế hiệu quả.

Tối ưu nguồn lực nghiên cứu, phát triển phần mềm CNTT

Năm 2023 cũng đánh dấu một bước tiến dài trong việc đưa công nghệ vào công tác quản lý, khi Tổng cục Thuế đã lựa chọn 19 ứng dụng do các Cục Thuế tự nghiên cứu xây dựng phát triển. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác quản lý là bước tạo đà quan trọng để ngành Thuế cụ thể hóa mục tiêu chuyển đổi số toàn diện của Bộ Tài chính và của Chính phủ.

Với 19 công cụ được ngành Thuế lựa chọn từ 80 công cụ, ứng dụng CNTT được giới thiệu tại cả 3 miền Bắc-Trung-Nam lần này sẽ được tiếp tục hoàn thiện, phát triển và nhân rộng ra toàn ngành, phục vụ đắc lực mục tiêu hiện đại hóa ngành Thuế. Bên cạnh đó, việc chủ động xây dựng các công cụ, ứng dụng CNTT để áp dụng vào công tác quản lý thuế tại đơn vị đảm bảo phù hợp và hiệu quả, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi phương thức quản lý hiện đại, minh bạch, chuyên nghiệp của ngành Thuế đóng góp tích cực vào mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho rằng, 19 công cụ, ứng dụng CNTT do chính các Cục Thuế các tỉnh, thành xây dựng và phát triển liên quan đến 5 nhóm về lĩnh vực công tác thuế gồm: (i) Công tác quản lý thuế và quản lý hộ cá nhân kinh doanh; (ii) Kiểm soát dữ liệu hóa đơn điện tử; (iii) Đăng ký thuế, kê khai và kiểm soát hồ sơ kê khai thuế; (iv) Cung cấp các kênh hỗ trợ người nộp thuế; (v) Hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý rủi ro đều là những quy trình nghiệp vụ quản lý thuế hết sức quan trọng được ngành Thuế ưu tiên nghiên cứu và phát triển.

Các công cụ, ứng dụng sẽ được Cục CNTT thẩm định theo các bước chặt chẽ để khi đưa vào thực tiễn sẽ phát huy tối đa hiệu quả trong công tác quản lý

Với những sáng kiến, cải tiến ứng dụng để khai thác hiệu quả dữ liệu lớn phục vụ cho bài toán quản lý thực tiễn tại địa phương, điển hình như một số ứng dụng qua thẩm định và triển khai trong thực tiễn đã phát huy hiệu quả,

“Thời gian tới, nhiệm vụ triển khai ứng dụng CNTT của ngành Thuế còn rất nặng nề và cấp bách, cần sự vào cuộc khẩn trương, đồng bộ của cơ quan thuế các cấp. Vì vậy cơ quan thuế các cấp, đặc biệt là hệ thống CNTT ngành Thuế cần tập trung nguồn lực phối hợp triển khai, đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó xem phát triển nguồn nhân lực là giải pháp then chốt để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững. Đồng thời tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu; kỹ năng quản trị vận hành hệ thống CNTT cho cán bộ, công chức hàng năm, để sẵn sàng chuyển đổi môi trường làm việc sang môi trường số và cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số.” - Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh.