Ngân hàng Việt và một thập kỷ nỗ lực mở cửa trái phiếu xanh

Từ những quy định ban đầu của Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia vào năm 2015, đến năm 2025, các NHTM đã có một thập kỷ nỗ lực mở cửa thị trường tài chính xanh, trong đó có sứ mệnh tiên phong dẫn dắt trái phiếu xanh tại Việt Nam.

Tiên phong loạt trái phiếu xanh từ các ngân hàng lớn

Thị trường tài chính xanh và công cụ dài hạn là trái phiếu đã có những cột mốc sẵn sàng cho một năm 2025 khởi sắc, với các đợt hành trái phiếu xanh từ các ngân hàng lớn. Đó là các đợt phát hành trái phiếu xanh của BIDV (3.000 tỷ đồng trái phiếu bền vững); Vietcombank (2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh); HDBank (3.000 tỷ đồng trái phiếu xanh)... Trong đó, gần nhất được nhà đầu tư chú ý là đợt phát hành của HDBank trên nguyên tắc tuân thủ tự nguyện các nguyên tắc phát hành trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) và Hiệp hội Thị trường tín dụng (LMA).

Đáng chú ý, các đợt phát hành của những ngân hàng lớn này đều thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư với tỷ lệ đặt mua 100% lượng chào bán.

Được biết, HDBank là một trong những ngân hàng đầu tiên của Việt Nam công bố “Khung tài chính bền vững” phù hợp với các tiêu chuẩn của ICMA và LMA, được phát triển với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - một thành viên của Ngân hàng Thế giới (WB).

Vì vậy, đợt phát hành thành công của HDBank không chỉ khẳng định chất lượng của dòng vốn xanh, còn cho thấy sự tín nhiệm ngày một lớn từ phía nhà đầu tư đối với các tổ chức phát hành hướng về hoặc có các dự án tăng trưởng xanh.

Ông Nguyễn Quang Thuân, TGĐ FiinRatings cho rằng, đây là tín hiệu tích cực về tiềm năng thị trường trong việc huy động dòng vốn xanh từ các tổ chức đi đầu về ESG và xanh hóa vốn, nhằm gia tăng năng lực hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế chuyển đổi xanh, hướng đến phát thải ròng bằng 0 theo mục tiêu của Chính phủ đề ra.

Bước tiến sau một thập kỉ nỗ lực mở cửa vốn xanh

Nhìn lại giai đoạn đã qua, mặc dù được đánh giá là một trong những thị trường vận động tích cực, theo dữ liệu FiinRatings, trái phiếu xanh của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ (2%).

Tương tự, tín dụng xanh của ngành ngân hàng, từ chỗ chỉ có 5 tổ chức tín dụng tham gia năm 2017, đến nay đã có 50 tổ chức tín dụng phát triển dư nợ tín dụng xanh và dư nợ khoảng 680 nghìn tỷ đồng, song tỷ trọng trên tổng dư nợ vẫn còn khiêm tốn (5,4%).

Tuy vậy, các chuyên gia đều đánh giá 2024 với các đợt phát hành trái phiếu xanh của các ngân hàng có thể xem là bước tiến dài kể từ khi Việt Nam có chủ trương phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh ban hành năm 2012. Bởi nguồn vốn xanh có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hiện thực hóa Chiến lược.

Nhìn ở góc độ ngành ngân hàng, sau trọn vẹn 1 thập kỷ kể từ Quyết định về “Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020” của NHNN vào năm 2015, thì tính đến hôm nay, việc HDBank tiếp nhận hơn nửa tỷ USD vốn xanh từ các định chế tài chính quốc tế, hay các đợt phát hành trái phiếu bank xanh vừa qua, là minh chứng nỗ lực đa dạng hóa nguồn vốn xanh hiệu quả, thể hiện bằng vị thế và uy tín với các đối tác, bằng sức hút với các nhà đầu tư.

Đáng chú ý cũng năm 2024, NHNN đã ban hành Quyết định 1663 sửa đổi, bổ sung Quyết định phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. Do đó, Vietcombank, BIDV hay HDBank... không ngừng hiện thực hóa các chủ trương ở cả phương diện thúc đẩy tín dụng xanh lẫn tăng cường huy động vốn qua trái phiếu xanh chất lượng để tái tài trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế, trong bối cảnh Việt Nam vẫn chưa có có các quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh…, càng nổi bật giá trị tiên phong của các ngân hàng.

Ông Phạm Quốc Thanh - Tổng Giám đốc Ngân hàng HDBank cho biết:“Việc công bố Khung tài chính bền vững và tiên phong phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam là minh chứng rõ nét cho cam kết của Ngân hàng HDBank trong chiến lược phát triển bền vững. Điều này không chỉ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng xanh mà còn huy động nguồn vốn trung và dài hạn từ trái phiếu xanh để hỗ trợ các dự án mang lại lợi ích môi trường, giảm phát thải CO2 và đồng hành cùng Chính phủ trong mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050”.

TS Nguyễn Hoàng Hiệp, Chuyên gia Kinh tế và biến đổi khí hậu nhìn nhận, ở góc độ doanh nghiệp, thông thường không biết bắt đầu từ đâu, trong khi chuyển đổi xanh đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn hơn, họ cũng không biết làm sao để tiếp cận nguồn lực hỗ trợ và kế hoạch nguồn vốn để thực hiện ESG nhằm đáp ứng yêu cầu của các tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ ESG một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Sự dẫn dắt và lan tỏa yếu tố xanh qua nguồn vốn của các ngân hàng do đó, tạo ra những thay đổi tích cực trong các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu và công bằng xã hội, phục vụ các hoạt động phát triển xanh của các doanh nghiệp.

Đồng thời, đó cũng là cơ hội của các nhà đầu tư để xây dựng danh mục trái phiếu an toàn, đáp ứng nhu cầu đầu tư cân bằng giữa mục tiêu lợi nhuận và đóng góp bền vững.