Ngân hàng nhà nước ​'tuyên chiến' với tín dụng đen

TP - Trước nạn tín dụng đen “hoành hành” trên cả nước, đặc biệt tại các tỉnh Tây Nguyên, Thủ tướng đã chỉ đạo các cấp ngành phải ráo riết vào cuộc đẩy lùi tệ nạn này. Sau thời gian khảo sát tại 7 tỉnh thành phố “nóng”về tín dụng đen, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay đã đủ căn cứ “nhận diện” các nhóm vay đối tượng tín dụng đen và đưa ra hàng loạt giải pháp đồng thời kêu gọi các bộ ngành như: Công an, Tư pháp, chính quyền cùng vào cuộc.
Cho vay vốn tăng gấp đôi hạn mức phục vụ người nghèo là một trong những giải pháp để họ không phải lâm vào cảnh vay nặng lãi ảnh: CTV

Sáng 8/3, tại Gia Lai diễn ra “Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen” … Tham dự có Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang cùng các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, lãnh đạo các sở ngành 8 tỉnh (5 tỉnh Tây Nguyên, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi), các tổ chức tín dụng.

Nhận diện đối tượng vay bị “sập bẫy”

Phát biểu khai mạc, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay: Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi dễ bị ảnh hưởng bởi tín dụng đen, song tình trạng tín dụng đen vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự.“ Để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen hoành hành, tại hội nghị này, NHNN sẽ bàn rất cụ thể cách triển khai các giải pháp nhằm đáp ứng đủ và kịp thời vốn phục vụ sản xuất, nhu cầu tiêu dùng cho người dân”, Phó Thống đốc Tú nhấn mạnh.

Từ thực tế khảo sát 7 tỉnh thành phố thời gian qua, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, cho biết: Có hai nhóm đối tượng thường tìm đến tín dụng đen. Đó là nhóm người vay sử dụng với mục đích bất hợp pháp như cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá …. Nhóm thứ hai là người dân có nhu cầu cấp bách nhưng chưa tiếp cận được vốn NH nên phải vay từ nguồn vốn không chính thống.

“Qua khảo sát thực tế, đối tượng công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có nhu cầu vay tiêu dùng rất lớn, tuy nhiên lại khó tiếp cận nguồn vốn vay tại các ngân hàng thương mại (NHTM) do đối tượng khách hàng này có thu nhập thấp, công việc không ổn định, phần lớn công nhân là người lao động từ các địa phương khác di cư đến khu công nghiệp nên khó xác định yếu tố pháp lý. Sản phẩm cho vay đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cấp bách vẫn còn nhiều hạn chế do NHTM muốn cho vay thì phải có thời gian thẩm định nên không thể xử lý nhanh được”, ông Hùng khẳng định.

“Tuyên chiến” bằng hàng loạt giải pháp 

Theo phản ánh của đại diện Công an tỉnh, thành phố, tín dụng đen chủ yếu xuất phát từ các nhu cầu vốn không hợp pháp lô đề, cờ bạc, cá độ... Trong 4 năm trở lại đây, trên toàn quốc đã có 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen bao gồm  56 vụ giết người, 398 vụ gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản…trong đó có khoảng 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn với lãi suất cao, với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỷ đồng (vỡ nợ dây chuyền).

Thống kê của Công an TPHCM cho thấy, năm 2018 đã phát hiện và xử lý 60 nhóm, hơn 320 đối tượng vi phạm hoạt động tín dụng trái pháp luật tại địa bàn. Tại Bình Dương, năm 2018 cơ quan chức năng đã ngăn chặn và xử lý 5 vụ lợi dụng uy tín của các NHTM để tiến hành các hành vi, thủ đoạn lừa đảo trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng. Tại Đồng Nai trong năm vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện đã xử lý 10 vụ, 27 đối tượng liên quan đến hoạt động tín dụng đen xác định được hơn 130 người dân là nạn nhân của các hình thức cho vay nặng lãi.

Về giải pháp, đại diện NHNN cho biết thời gian tới sẽ rà soát lại cơ chế chính sách để xem xét sửa đổi, bổ sung những văn bản liên quan như Thông tư 39, Thông tư 43 cho phù hợp để người dân có thể tiếp cận vốn hiệu quả. Đồng thời chấn chỉnh lại hoạt động của công ty tài chính theo hướng kiểm soát được chính xác chi phí vốn, chi phí rủi ro và tỷ lệ lợi nhuận phù hợp, đảm bảo lãi suất cho vay đến người tiêu dùng hợp lý…

Trước mắt, với chương trình tín dụng 5.000 tỷ của Agribank, Thống đốc cho phép triển khai thí điểm chương trình cho vay tín dụng tiêu dùng cho mục đích hiếu hỷ, ốm đau bệnh tật, đóng học phí … trong  gói này tại Agribank Gia Lai (điểm nóng về tín dụng đen). Có mặt tại hội nghị, đại diện Agribank hứa sẽ khẩn trương đưa giải pháp xử lý gói vay “siêu cấp tốc “trong 1 ngày cho khoản vay tín chấp tối đa 30 triệu đồng cho bà con có trường hợp khó khăn, khẩn cấp. “Chúng tôi cũng xác định sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh trong khả năng nhưng Agribank sẽ hết sức cố gắng. Còn để đảm bảo đúng đối tượng vay, đúng việc, chắc chắn bà con cần chữ ký xác nhận của chính quyền các cấp”, đại diện ngân hàng này nói. 

Đối với NHCSXH, ngoài nâng hạn mức tín chấp lên gấp đôi tối đa 100 triệu đồng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, NHNN cũng sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi Quyết định 28 có thể nâng lên Nghị định bổ sung đối tượng cho vay, nâng mức cho vay đối với chương trình học sinh sinh viên, giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường, cho vay tiêu dùng đối với các hộ cận nghèo, tạo điều kiện cho hộ mới thoát nghèo được tiếp tục tiếp cận vốn phục vụ nhu cầu đời sống, hạn chế tìm đến nguồn vốn tín dụng đen.

Cần có quan điểm thống nhất về chống tín dụng đen

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng  cho biết tới đây sẽ yêu cầu các ngân hàng thương mại phải xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh giúp người dân không phải vay nặng lãi trả nợ ngân hàng. “Các TCTD phải thực hiện nghiêm quy định ngành đặc biệt lãi suất cho vay, kiểm tra nội bộ một số hành vi tiếp tay thông đồng với các đối tượng tín dụng đen, tăng cường kiểm soát nội bộ ngăn các TCTD chính thức có liên quan đến tín dụng đen. NHNN sẽ đề nghị nên có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.  Ðấu tranh với tín dụng đen không đơn giản, chúng tôi mong có quan điểm thống nhất giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật khác nhau về chống tín dụng đen”, Thống đốc nhấn mạnh.                

K. H