Đây là khẳng định của một lãnh đạo cấp vụ Ngân hàng Nhà nước ngày 12/12 xung quanh động thái tăng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng thương mại thời gian qua.
Theo đó, vị này lý giải dù tốc độ tăng trưởng tín dụng được kiểm soát và một số ngân hàng đã hết hạn mức cho vay nhưng ngân hàng nào cũng cần huy động nguồn đầu vào để dự phòng. Thực tế, dịp cuối năm, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp có nhu cầu chi tiêu, chi lương thưởng sẽ rút khoản tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm… nên ngân hàng thương mại phải huy động vốn để bù đắp, dự phòng.
"Và tăng lãi suất tiền gửi là một trong những giải pháp thu hút nguồn tiền từ thị trường. Sang đầu năm sau sẽ có sự điều chỉnh, chứ không phải lãi suất tăng vì thiếu thanh khoản. Quan trọng nhất với thị trường là lãi suất cho vay vẫn ổn định. Ngân hàng nào tăng lãi suất huy động sẽ tự tính toán, cân đối nguồn lực tài chính để bảo đảm nguồn vốn, thanh toán, chứ không được phép tăng lãi suất cho vay quá cao" - vị lãnh đạo này nói.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang theo dõi chặt chẽ diễn biến lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại gần đây. Và diễn biến này đang nằm trong tầm kiểm soát, nếu các ngân hàng tăng cả lãi suất cho vay bất hợp lý sẽ bị tuýt còi.
Như đã nhiều lần phản ánh, trong khoảng 2 tháng nay, nhiều ngân hàng thương mại đã liên tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn, trong đó kỳ hạn dài xấp xỉ 9%/năm. Nếu vài tháng trước, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài chỉ trong khoảng 6,5%-8%/năm là phổ biến thì nay mức lãi suất 8,5%-8,7%/năm xuất hiện ngày càng nhiều. Mức lãi suất tiền gửi cao nhất trên thị trường ghi nhận đến thời điểm này là 8,9%/năm sau khi áp dụng các gói sản phẩm, chương trình cộng thêm lãi suất…
Với mức lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng, dù Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất 5,5%/năm nhưng một số ngân hàng đã "kẻ thẳng" đường cong lãi suất, khi người gửi tiền kỳ hạn từ 1-5 tháng đều có mức lãi suất bằng nhau.