Tôi lấy chồng khi đã bước sang tuổi 29. Ở độ tuổi đó, ai cũng cho rằng, tôi đã suy nghĩ một cách chín chắn về những quyết định lớn lao cho tương lai của mình. Vì thế khi đưa một người bạn trai người Nhật về giới thiệu và xin phép cưới, bố mẹ tôi chỉ thoáng buồn nhưng rồi cũng tôn trọng quyết định của tôi. Có lẽ là bởi, đã 29 năm trôi qua, đây là lần đầu tiên bố mẹ thấy tôi có bạn trai. Vả lại, nhìn thấy tôi vui vẻ, ai cũng nghĩ, chúng tôi đã có một tình yêu thật đẹp và thật sự muốn gắn bó với nhau suốt cuộc đời còn lại.
Nhưng quả thực là, khi tôi đưa anh về ra mắt, rồi cả đến khi tổ chức đám cưới, tôi cũng chưa biết thực sự mình đã yêu anh hay chưa ? Chỉ biết, anh là người đầu tiên trong đời ngỏ lời với tôi. Hơn nữa, chúng tôi lại làm cùng nhau trong một công ty của Nhật mà anh là trưởng đại diện, còn tôi là một trong những người phụ trách nhân sự.
Còn trước đó, có lẽ phần vì nhan sắc không có gì nổi trội, phần vì tôi sống khép mình, ít trò chuyện chơi bời… hay vì một lý do nào đó mà tôi chỉ có vài người bạn là con trai. Còn lại, suốt 29 năm qua, tôi chưa hề có một bạn trai nhòm ngó. Thế nên, khi anh ngỏ ý, tôi đã cuống cuồng nhận lời để trở thành vợ của anh.
Lấy anh rồi, tôi mới nhận ra, anh không phải là mẫu đàn ông lý tưởng biết san sẻ việc nhà, và quan tâm đến vợ, đến gia đình, bạn bè của vợ.
Mỗi ngày, sau khi kết thúc công việc ở công ty, anh trở về nhà, nhưng chỉ nằm dài trên ghế sofa để chờ vợ nấu cơm, dọn nhà … chứ không động tay động chân vào bất cứ công việc gì. Ngay cả khi vợ ốm đến liệt giường thì việc anh làm được chỉ là gọi một người giúp việc tạm thời đến dọn dẹp nhà cửa và nấu cơm.
1 năm sau cưới, tôi mang thai và bị những cơn ốm nghén hành hạ đến sống dở chết dở suốt 4 tháng đầu tiên. Thế nhưng, anh vẫn giữ một thói quen cũ, vẫn đi làm, rồi về nằm dài trên ghế để chờ vợ phục vụ.
Ngay cả chuyện chăn gối, anh cũng không hề nghĩ đến vợ đang nghén ngẩm mà liên tục đòi hỏi. Đến khi thấy vợ không thể đáp ứng, anh thẳng thắn bảo tôi tìm cho anh một vài “đối tác” để anh giải tỏa khiến tôi phải nuốt nước mắt đồng ý. Sau đó, suốt cả năm trời, từ lúc còn đang nghén ngẩm, cho đến khi bụng chửa vượt mặt, và cả khi vừa vượt cạn xong, tôi đã phải ngậm đắng nuốt cay bỏ tiền ra để tìm gái về cho chồng.
Cái cảm giác bị tổn thương khiến tôi nhiều lúc bật khóc. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cũng thấy thương anh. Bởi ngoài nhu cầu cao, và sống có chút ích kỷ cho bản thân, thì anh lại là một người thẳng thắn và trung thực. Khi có nhu cầu giải tỏa, anh đều nói với tôi, chứ không lén lút bồ bịch hoặc tự tìm đối tác để “bóc bánh trả tiền”như nhiều ông chồng khác.
Vì thế, khi bầu đứa thứ 2, tôi lại lặp lại quá trình như khi bầu đứa thứ nhất. Đó là mỗi tuần đều kiếm cho anh một vài cô gái để thay thế mình “phục vụ” chồng.
... Từ đó, trong suy nghĩ của mình, một nửa tôi muốn ly hôn vì cảm thấy khó tiếp tục gần gũi với chồng, nhưng một nửa tôi lại không dám. Thế nên, tôi cứ quay cuồng trong mớ suy nghĩ có phần xung đột với nhau như vậy cho tới khi tôi gặp được một người đàn ông hơn tôi gần chục tuổi, đã ly dị với vợ và hiện đang sống một mình.
Sự quan tâm, chăm sóc, ân cần của anh khiến tôi vô cùng hạnh phúc. Tôi như đứa trẻ mới lớn, lần đầu biết run rẩy trước một người đàn ông, và biết thế nào là một tình yêu thực sự. Vì thế, tôi cứ đắm chìm trong hạnh phúc và không hề muốn thoát ra.
Thế nhưng, khi người đàn ông ấy biết chuyện của tôi và muốn tôi ly hôn để có thể hoàn toàn chăm sóc cho tôi thì tôi lại do dự. Tôi sợ các con sẽ mất đi một mái ấm gia đình. Hơn nữa, cả gia đình, bạn bè, ai cũng ngưỡng mộ gia đình tôi, dòng họ của tôi ở quê cũng chưa có một ai ly hôn với chồng. Bởi đó là điều cấm kỵ. Những trường hợp ly hôn thì tiếng xấu đều thuộc về người phụ nữ. Do đó, họ thường bị làng xóm khinh bỉ.
Vì thế, tôi đang vô cùng bối rối và không biết phải làm thế nào? Bởi lựa chọn của tôi bây giờ vẫn là 50/50. Tôi muốn giữ lại gia đình, nhưng không làm sao dám gần gũi với chồng nữa. Thêm vào đó, tôi cũng muốn có được tình yêu mà từ trước đến nay tôi chưa hề nhận được.
Nhưng như thế, có phải là tôi đang quá ích kỷ hay không?
Phạm Thảo