> Tổng thống Assad sẽ chọn xe bọc thép Nga
Đài tiếng nói nước Nga dẫn nguồn từ Website của Bộ Ngoại giao, cho biết, quan điểm của Nga đối với những lời đe dọa quân của nổi dậy “là hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Bộ Ngoại giao Nga coi mối đe dọa của lực lượng đối lập là một sự vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Chicago năm 1944 về hàng không dân dụng quốc tế.
“Đứng trên quan điểm đạo đức và pháp lý, điều này đồng nghĩa với việc phe đối lập đang tiếp cận nguy hiểm đến “vạch đỏ” mà tiếp đó là những hành động chẳng khác gì những tội ác của nhóm “Al-Qaeda”, - thông báo nêu rõ.
Trước đó, lực lượng đối lập chống chính quyền Syria đương nhiệm ra khuyến cáo các hãng hàng không không thực hiện những chuyến bay đến Damascus và Aleppo bắt đầu từ thứ Ba, ngày 4-9.
Theo Moscow, tuyên bố trên của lực lượng đối lập đã xác nhận rằng chủ nghĩa khủng bố là một trong những phương pháp chính trong hoạt động của lực lượng này, đồng thời cảnh báo “trong trường hợp những lời đe dọa của lực lượng đối lập được thực hiện, không chỉ những người thực hiện trực tiếp, mà cả những kẻ che chở cho việc này phải chịu toàn bộ trách nhiệm về hậu quả của nó”.
Bộ Ngoại giao Nga cũng khuyến nghị người Nga không nên đến Syria, đồng thời kêu gọi các công dân Nga sinh sống tại đây sử dụng các tuyến đường an toàn khi di chuyển.
Tuyên bố của Moscow đưa ra cùng thời điểm xảy ra một vụ đánh bom xe hơi nhằm vào một khu phố chủ yếu là người Kitô giáo Jaramana sinh sống, thuộc thành phố Damascus. Thống kê sơ bộ, vụ đánh bom đã khiến 5 người đã thiệt mạng và khoảng 30 người bị thương, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.
Đây là vụ nổ thứ hai tại Jaramana trong những ngày gần đây. Hồi đầu tuần trước, lực lượng khủng bố cho nổ tung một chiếc xe trong đám tang khiến 12 người chết, 48 người khác bị thương.
Phương tiện truyền thông Syria lập tức quy trách nhiệm cho lực lượng đối lập chống lại chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, và cho biết quân chính phủ sẽ có những hành động đáp trả thích đáng.
Theo các nhà phân tích, diễn biến cuộc xung đột ở Syria kéo thực chất đã biến thành cuộc đối đầu giữa các nhóm quân sự Syria và khủng bố quốc tế, cũng như giữa những người Hồi giáo cực đoan địa phương.
Mục đích của cuộc xung đột này là nhằm phân chia Syria thành những cộng đồng tôn giáo-chính trị để sau đó thành khu vực mà chiến tranh sẽ là tiêu chuẩn sống.
Thông tin từ giới truyền thông khu vực cho thấy, một số lượng lớn lính đánh thuê từng tham gia nội chiến tại Libya và Afghanistan đã vượt biên sang Syria để hướng dẫn hoạt động đối lập vũ trang và chỉ huy lực lượng này.
Trong khi đó, những người Hồi giáo cực đoan tại Syria biến cuộc xung đột thành đối đầu tôn giáo. Tín đồ Salafis cực đoan ủng hộ sự thuần khiết của Hồi giáo kêu gọi giết hết những người Alawites Syria, người Shiite, các Kitô hữu.