Từ một anh cảnh sát giao thông chặn người đi mô-tô để lấy vài đồng, hay một thương gia phàn nàn rằng thường xuyên nhận được gợi ý từ các quan chức chính phủ lại quả hay hối lộ hàng triệu bảng, nếu muốn việc làm ăn êm xuôi.
Căn cứ vào chỉ số nhận thức về tham nhũng (CPI - corruption perception index) do tổ chức Minh bạch Quốc tế đưa ra, nạn tham nhũng ở Nga là nghiêm trọng nhất trong các nền kinh tế lớn trên thế giới. Còn xét theo cấp độ toàn cầu, Nga đứng thứ 154 trong số 178 quốc gia được xếp hạng, thấp hơn cả Haiti, Pakistan và Zimbabwe. Tức là gần đội sổ.
Bức tranh màu xám
Theo trang WikiLeaks, trong những bức điện qua lại, các nhà ngoại giao Mỹ tin rằng, những quan chức cao cấp của Nga, có nhiều “tài sản mờ ám”.
Ông Peskov nói các bức điện chỉ “làm mới những tin đồn cũ”. Trong thực tế, đã từ lâu tồn tại những “lời xì xầm” về chuyện nhiều nhân vật cao cấp trong điện Kremlin được nhận rất nhiều màu mè từ các thương vụ cấp nhà nước. Người ta cũng bóng gió về các tài khoản được mở bên kia bờ đại dương, những biệt thự bí mật và nhiều khoản lót tay qua các thương vụ của nhiều quan chức nhà nước, nhưng hầu như không tin đồn nào có thể được xác thực.
Tuy nhiên, rời xa thế giới khép kín của điện Kremlin, các cáo buộc tham nhũng trong những cơ quan thuộc chính phủ hay những cơ quan thực thi pháp luật dường như dễ được làm rõ hơn. Hầu như mọi người Nga đều công nhận một điều rằng, hầu hết người siêu giàu ở nước này ít nhiều có cấu kết với các tổ chức tội phạm trong những năm 1990 để được an toàn và làm giàu, trong bối cảnh xã hội Nga có nhiều biến động mang tính bước ngoặt.
Thậm chí Mikhail Khodorkovsky, chủ cũ của tập đoàn Yukos, người vừa thực hiện xong án tù 7 năm, từng nhiều lần khoe với cựu Chủ tịch BP, Lord Browne, rằng ông ta “có thể sắp xếp để các công ty dầu mỏ không phải nộp nhiều thuế” và “tôi có thể kiểm soát nhiều nhân vật quan trọng”.
Ở thủ đô Matxcơva, nhiều thương gia từ lâu phàn nàn rằng, các dự án lớn sẽ không thể thực hiện được nếu không nhận được cái gật đầu (tất nhiên trước đó là các khoản lót tay) của Yelena Baturina, người phụ nữ giàu nhất Nga, phu nhân thị trưởng Matxcơva, Yuri Luzhkov (bị sa thải tháng 9-2010).
Một thông điệp đầy màu sắc về cuộc sống ở thủ đô nước Nga, phát đi từ Đại sứ quán Mỹ có ám chỉ một kim tự tháp về tham nhũng mà bà Baturina ngự ở trên đỉnh. Bà này sau đó bác bỏ nhận định ấy. Hiện ông Luzhkov và vợ đối mặt với các cuộc điều tra liên quan cáo buộc tham nhũng. Vợ ông, bà Baturina, đang ở New York (Mỹ) từ nhiều tháng nay và có nguy cơ bị dẫn độ.
Trong bức tranh tham nhũng xám xịt của nước Nga, bóng dáng cảnh sát và nhân viên tư pháp xuất hiện với tần suất cao. Một luật sư tên Sergey Magnitsky đã khám phá một vụ gian lận liên quan một số quan chức Bộ Nội vụ trong các giao dịch hàng trăm triệu USD tiền công quỹ.
Sau đó, anh bị bắt và chết trong tù một cách bí ẩn. Ở cấp độ thấp hơn, nhiều quan chức cảnh sát hạng trung tìm cách gây khó dễ doanh nghiệp để lấy tiền bảo kê, thường lùng sục người nhập cư, cư trú không có giấy tờ hợp lệ để vòi tiền hối lộ.
Hầu hết người Nga hay doanh nhân nước ngoài làm ăn tại đây đều có kinh nghiệm về nạn tham nhũng ở đất nước rộng nhất thế giới này. Chủ một khách sạn nhỏ ở Matxcơva kể, nhiều khách hàng của ông tỏ ra khó chịu vì khách sạn khó tìm. Ông muốn dựng một tấm bảng ở chỗ dễ thấy hơn, nhưng “tôi biết rằng sớm muộn cảnh sát, nhân viên hành chính khu vực sẽ tìm đến hoạnh họe và họ có cùng mục tiêu: những đồng ruble của tôi”.
Một số nhà phân tích nói, những vụ quan chức phải hầu tòa vì tham nhũng khá hiếm hoi. Người ta cho rằng, quan chức nào bị buộc phải hầu tòa vì ăn bẩn hiếm khi do sự mẫn cán trong việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan tư pháp, mà đa số do hành động của ông ta bắt đầu gây khó chịu đối với nhân vật nào đó quyền thế hơn. Vụ ông Luzhkov cũng vậy.
Nhiều năm trời, tin đồn về việc ông bà thị trưởng ăn đẫy bụng, nhờn mép lan tràn khắp nơi, nhưng chỉ khi điện Kremlin quyết định thay thế Luzhkov, truyền hình nhà nước mới ầm ĩ điều tra những gì giang hồ đồn đại.
Chống tham nhũng chưa hiệu quả
Trong bối cảnh tham nhũng lan tràn, những biện pháp phòng chống của chính phủ Nga dường như đang đụng phải đá, theo hãng tin toàn cầu IPS. Một sáng kiến chống tham nhũng, được Tổng thống Dmitry Medvedev phê chuẩn ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỏ ra không thành công trước những cội rễ tha hóa sâu rộng trong xã hội Nga, nhất là ở cấp chính quyền địa phương.
Ông Medvedev, người từng tuyên bố chống tham nhũng là một ưu tiên hàng đầu khi nhậm chức năm 2008, thú nhận hai năm sau đó rằng cuộc chiến chống tham nhũng đến nay chưa mang lại nhiều kết quả. Nhiều lần, Tổng thống Medvedev cam kết phát triển một loạt biện pháp chống tham nhũng tại các tòa án trên toàn quốc, cũng như những cơ quan nhà nước khác.
Tháng 7-2010, ông ký ban hành 5 bộ luật nhằm điều chỉnh công việc của cảnh sát Nga. Tổng thống Nga ghi nhận tầm quan trọng của việc giám sát, phòng chống tham nhũng khi một số sự kiện quốc tế sắp diễn ra trên lãnh thổ Nga, ví dụ Olympics mùa đông Sochi 2014, FIFA World Cup 2018, hội nghị APEC. Kiểm soát chi tiêu cho các dự án này đòi hỏi sự phối hợp của văn phòng Viện Công tố Tối cao, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên bang khác.
“Suy cho cùng, chính phủ, xã hội và hệ thống tòa án phải chịu trách nhiệm đối với tình trạng (tham nhũng) hiện nay”, Tổng thống Nga nói trong một cuộc họp báo. “Chúng ta phải từng bước giúp tòa án tìm được vị trí của mình trong hệ thống các giá trị nhà nước. Chúng ta phải tìm mọi cách để tòa án trở nên độc lập càng nhiều càng tốt trước các cơ quan chính quyền, phụng sự xã hội là mục tiêu cao nhất”, ông Medvedev nói.
Tuy nhiên, các phân tích gia nói, từ bấy đến nay, vai trò của tòa án hầu như có rất ít sự thay đổi kể từ khi ông Medvedev nhậm chức. Elena Panfilova, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chống tham nhũng thuộc tổ chức Minh bạch Quốc tế, lý giải rằng, các sáng kiến chống tham nhũng của ông Medvedev không phát huy tác dụng như mong muốn vì hai lý do chính.
“Thứ nhất, các biện pháp ấy cần thiết, nhưng chưa đầy đủ, chưa thực sự tạo điều kiện để việc chống tham nhũng đạt hiệu quả cao. Thứ hai, các biện pháp hiệu quả chống tham nhũng được thiết kế cho dài hạn. Dù có cách để cải thiện những chính sách của ông Medvedev, các biện pháp đã được thực thi chỉ có thể phát huy hiệu quả sau nhiều năm, hoặc nhiều thập kỷ, đó là giả định chúng vẫn tiếp tục được thực thi”, bà nói.
Trong khi chính phủ Nga còn đang chờ đợi các biện pháp chống tham nhũng phát huy tác dụng thì rất có thể nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang muốn rút vốn khỏi nước này hoặc dừng ý định đầu tư vì môi trường kinh doanh thiếu minh bạch.
Đuma Quốc gia (Hạ viện) Nga vừa thông qua những sửa đổi và bổ sung cho luật hình sự chống tham nhũng do Tổng thống Dmitry Medvedev đệ trình, trong đó quy định những biện pháp cụ thể nhằm phạt gấp nhiều lần tội nhận hối lộ hoặc phạt tù giam với thời gian dài hơn.
Luật chống tham nhũng đã được sửa đổi chia tội nhận hối lộ ra bốn mức - dưới 25.000 rúp (hiện 1 USD đổi 28,33 rúp), từ 25.000 đến 150.000 rúp, từ 150.000 đến 1 triệu rúp và trên 1 triệu rúp.
Với bốn mức nhận hối lộ này, mức phạt sẽ gấp 15 đến 100 lần hoặc bị tù giam từ 2 năm đến 15 năm. Tuy vậy, bất chấp mức nhận hối lộ, mức phạt tiền cao nhất được xác định là không quá 500 triệu rúp. (TTXVN)