Nga - Ukraine làm EU chia rẽ

TP - Các nỗ lực của Pháp và Đức trong việc chấm dứt xung đột ở đông Ukraine đang có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng vốn đã tồn tại trong Liên minh châu Âu (EU) về chuyện làm sao xử lý vấn đề liên quan đến Nga.  
Tổng thống Pháp Macron (phải) gặp gỡ Tổng thống Nga Putin hôm 19/8 tại một địa điểm thuộc miền nam nước Pháp Ảnh: Pool/Reuters

Các tiến triển trong đàm phán giữa phái đoàn Nga và Ukraine đã làm dấy lên hy vọng về một hội nghị thượng đỉnh quốc tế đầu tiên trong vòng ba năm nhằm chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang giữa lực lượng ly khai thân Nga và các lực lượng của chính phủ Ukraine.

Nhưng một số quốc gia thuộc EU, mặc dù chào đón một thượng đỉnh có sự tham gia của Pháp, Đức, Ukraine và Nga, đang tỏ ra lo ngại về khả năng EU có thể dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sau khi Moscow sáp nhập vùng Crimea từ tay Ukraine vào năm 2014.

Tình cảnh chia rẽ của EU về vấn đề xử lý sao với Nga đã tăng lên trong vài tháng gần đây, khi một nhóm do Pháp dẫn đầu, xúc tiến các bước để “ngồi lại” với Nga.

Theo tường thuật của Reuters, các bình luận của tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gây thất vọng đối với chính phủ một số nước thành viên EU từng nằm trong Liên Xô hoặc từng thuộc phe XHCN Đông Âu. Các nước này, trước chính sách ngoại giao mà họ cho là ngày càng gây hấn của Nga, đã phản đối bất cứ điều gì có vẻ được xem là nhân nhượng với Moscow.

“Chúng ta sẽ tưởng thưởng cho Nga bởi vì họ đã không làm điều gì kỳ cục trong vài tháng qua?”, một nhà ngoại giao EU đặt câu hỏi với Reuters.

Trong các cuộc gặp của khối EU, các bức thư, các bài diễn văn, sự chia rẽ về vấn đề Nga từng được kiểm soát nay lại nổi lên, theo lời nhận xét của một số nhà ngoại giao.

Căng thẳng này có thể khiến EU khó khăn hơn trong việc đồng thuận thông qua các biện pháp trừng phạt mới nếu Nga tăng cường điều mà các nhà lãnh đạo phương Tây vẫn thường mô tả là nỗ lực của tổng thống Vladimir Putin làm xói mòn các thể chế phương Tây, ví dụ nhóm 28 nước trong EU.

Căng thẳng còn có thể gây chia rẽ khối EU với một bên là nhóm do Pháp dẫn đầu cộng thêm Ý tương đối thân thiện với Nga, còn phía kia là các nước vùng Baltic (gồm ba nước từng trong Liên Xô là Estonia, Latvia và Litva), Ba Lan và Romania.

Những diễn tiến này xuất hiện trong lúc một số nhà ngoại giao EU vẫn muốn lãnh đạo khối mở rộng trừng phạt khu vực năng lượng, tài chính và quốc phòng của Nga thêm 6 tháng tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11 tới.

Nhưng trong khi tổng thống Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel nói không thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt cho đến khi Nga thi hành một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine đã được thông qua trong giai đoạn 2014-2015, cả hai nhà lãnh đạo chủ chốt của EU đều cho rằng lệnh trừng phạt cản trở mối quan hệ tốt hơn với Nga.