Nga tấn công Ukraine bằng ICBM?

TP - Quân đội Ukraine cáo buộc Nga sử dụng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong cuộc tấn công vào thành phố Dnipro sáng 21/11. Nếu cáo buộc đúng sự thật, đây là lần đầu tiên Nga triển khai loại vũ khí uy lực này trong cuộc chiến đã kéo dài hơn 1.000 ngày.

“Một ICBM đã được phóng từ vùng Astrakhan của Liên bang Nga”, Không quân Ukraine tuyên bố. Tuyên bố không nêu rõ loại ICBM nào được Nga sử dụng. Quân đội Ukraine cũng tuyên bố, một tên lửa đạn đạo X-47M2 Kinzhal cùng với bảy tên lửa hành trình đã được phóng trong cuộc tấn công vào Dnipro. Họ khẳng định, Ukraine đã bắn hạ sáu tên lửa hành trình. “Các tên lửa còn lại không gây ra hậu quả nghiêm trọng”, quân đội Ukraine tuyên bố.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars được phóng thử từ sân bay vũ trụ Plesetsk ở vùng Arkhangelsk phía Bắc nước Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Vụ không kích xảy ra trong tuần mà cả Nga và Ukraine cùng các đồng minh phương Tây thực hiện những thay đổi chính sách lớn.

Hôm 17/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng ATACMS, tên lửa tầm xa của Mỹ, để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Giới chức Nga đã phản ứng giận dữ trước việc phá vỡ điều cấm kỵ kéo dài nhiều tháng qua.

Hôm 19/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga, tuyên bố Mátxcơva sẽ coi bất kỳ hành động gây hấn nào từ một quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng có sự tham gia của một quốc gia hạt nhân là một cuộc tấn công chung vào Nga.

Cùng ngày 19/11, Bộ Quốc phòng Nga và hai quan chức Mỹ cho biết Ukraine đã lần đầu tiên sử dụng ATACMS để tấn công vào lãnh thổ Nga. Ngày 20/11, Ukraine phóng tên lửa Storm Shadow do Anh và Pháp sản xuất vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.

Mỹ tăng viện trợ quân sự cho Ukraine, lần đầu gửi mìn chống bộ binh

Mỹ sẽ cung cấp thêm trang thiết bị quân sự cho Ukraine trong gói viện trợ trị giá 275 triệu USD. Khoản viện trợ này nằm trong đợt tăng cường hỗ trợ quân sự mà Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh từ tháng 9. Đây là “đợt cung cấp trang thiết bị thứ 70” từ kho vũ khí Mỹ kể từ tháng 8/2021, theo Bộ Quốc phòng Mỹ.

Gói viện trợ bao gồm đạn dược cho hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS); đạn pháo; đạn súng cối; máy bay không người lái; tên lửa chống tăng TOW; hệ thống chống thiết giáp; súng nhỏ và đạn dược; trang thiết bị và vật liệu nổ; thiết bị bảo vệ hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân; phụ tùng, thiết bị phụ trợ, dịch vụ, đào tạo và vận chuyển.

Mỹ cũng lần đầu tiên phê duyệt gửi mìn chống bộ binh cho Ukraine. Đây là một thay đổi chính sách lớn khác. Các tổ chức nhân quyền từ lâu đã chỉ trích việc sử dụng loại vũ khí này vì chúng có thể gây sát thương bừa bãi và vẫn còn nguy hiểm trong nhiều năm sau chiến tranh.

Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine đã mở cửa trở lại vào ngày 21/11, theo bài đăng trên mạng xã hội X của Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bridget Brink.

Trước đó, Đại sứ quán đóng cửa do có mối đe dọa tiềm tàng về một cuộc tấn công lớn vào thủ đô Ukraine. “Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị công dân Mỹ duy trì cảnh giác, theo dõi các nguồn chính thức của Ukraine để cập nhật và sẵn sàng trú ẩn tại chỗ nếu có cảnh báo không kích”, bà Brink cho biết.

Các đại sứ quán của Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha tại Kiev đóng cửa ngày 20/11 sau khi còi báo động không kích vang lên nhiều lần trong đêm ở thủ đô Ukraine. Quyết định của Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha, ba thành viên NATO, được đưa ra sau cảnh báo của Mỹ rằng họ đã nhận được thông tin về một cuộc không kích quy mô lớn của Nga vào Kiev.

Hôm qua, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine tuyên bố, Nga đã dàn dựng “cuộc tấn công thông tin và tâm lý” bằng cách lan truyền cảnh báo giả mạo về một cuộc tấn công lớn nhằm vào Kiev.

Tên lửa bay vào không gian, thả đầu đạn xuống đất

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) là loại vũ khí tầm xa được phóng vào không gian, sau đó thả đầu đạn quay trở lại bầu khí quyển để tấn công mục tiêu. Theo Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí, ICBM có tầm bắn tối thiểu 5.500 km; với một số phiên bản, tầm bắn có thể vượt quá 9.000 km.

ICBM có thể được phóng từ hầm chứa hoặc xe phóng di động, sử dụng nhiên liệu rắn hoặc lỏng. Tên lửa nhiên liệu rắn được coi là nguy hiểm hơn vì có thể được di chuyển và phóng nhanh hơn tên lửa nhiên liệu lỏng. ICBM đầu tiên được Liên Xô phóng thử vào năm 1957. Mỹ phóng thử ICBM lần đầu vào năm 1959.

Các loại tên lửa đạn đạo khác bao gồm tên lửa tầm trung bình cao với tầm bắn từ 3.000-5.000 km, tên lửa tầm trung bình từ 1.000-3.000 km, và tên lửa tầm ngắn dưới 1.000 km.