Nga khai màn cuộc tập trận quân sự hoành tráng ở phía Đông

TPO - Cuộc tập trận quân sự đa quốc gia Vostok-2022 đã được khai mạc ở vùng Viễn Đông Nga, với sự tham gia của nhiều quốc gia bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc.

Lễ khai mạc cuộc tập trận chiến lược Vostok-2022 đã diễn ra tại một thao trường ở vùng Primorsky của Nga vào ngày 31/8, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Mátxcơva tiến hành cuộc tập trận chiến lược kiểu này mỗi năm một lần, và một trong năm quân khu của Nga sẽ được chọn làm nơi tổ chức. Năm nay, Quân khu phía Đông chào đón 13 quốc gia nước ngoài tham gia cuộc tập trận thông qua hình thức gửi quân hoặc quan sát viên quân sự.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yunus-Bek Yevkurov, người đại diện cho nước chủ nhà tại lễ khai mạc, cho biết sự tham gia rộng rãi của nhiều quốc gia cũng như quy mô hoành tráng của cuộc tập trận đã khiến hoạt động này trở nên đặc biệt, thể hiện “vai trò và tầm quan trọng ngày càng tăng của việc huấn luyện chung các lực lượng vũ trang”. Lãnh đạo của các phái đoàn khác nhấn mạnh trong bài phát biểu của họ rằng sự kiện mang tính chất phòng thủ.

Video từ thao trường cho thấy binh sĩ từ các quốc gia cùng diễu hành trong khi ban nhạc quân đội biểu diễn. Danh sách các quốc gia tham gia cuộc tập trận bao gồm Azerbaijan, Algeria, Armenia, Belarus, Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Lào, Mông Cổ, Nicaragua, Syria và Tajikistan. Chín quốc gia trong số đó đã cử binh sĩ đến trực tiếp tham gia các nội dung tập trận.

Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga

Vostok-2022 bao gồm các nội dung huấn luyện cho lực lượng tham mưu và các bài tập trên thực địa cho binh sĩ, cũng như huấn luyện trên không và trên biển.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, hơn 50.000 binh sĩ và sĩ quan cùng hơn 5.000 thiết bị quân sự hạng nặng, bao gồm khoảng 140 máy bay và 60 tàu hải quân, sẽ tham gia cuộc tập trận bắt đầu từ 1/9.

Mỹ, trong khi đó, tỏ ra quan ngại về cuộc tập trận của Nga. Trong cuộc họp giao ban hằng ngày hôm 30/8, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Washington e ngại về việc “bất kỳ quốc gia nào tham gia tập trận với Nga trong khi Nga đang tiến hành một chiến dịch quân sự ở Ukraine”.

Bà Jean-Pierre từ chối trả lời câu hỏi liệu Mỹ có trả đũa các quốc gia, đặc biệt là Ấn Độ, vì đã gửi quân đến Nga hay không.

Giới quan sát cho rằng sự kiện này có thể được thiết kế để gửi đi thông điệp rằng, bất chấp chiến dịch quân sự tốn kém suốt 5 tháng qua ở Ukraine, Nga vẫn đang bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và đủ khả năng duy trì các hoạt động như bình thường.

Theo RT