Một trong những vấn đề khác được hai vị Bộ trưởng Quốc phòng Việt - Nga thảo luận trong quá trình đàm phán là đào tạo quân nhân Việt Nam tại Nga, trong đó Nga có thể giúp Việt Nam đào tạo các tướng lĩnh cho Quân đội.
Trong bài viết trên trang “Bình luận Quân sự”/Nga, chuyên gia quân sự Riabov Kirill cho rằng, chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shogui tiếp tục khẳng định sự phát triển tiếp theo trong quan hệ hai nước, nhất là trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật-quân sự.
Ngay trong đầu tuần, phái đoàn Bộ Quốc phòng Nga do Bộ trưởng Sergei Shoigu dẫn đầu đã tới thăm Việt Nam. Trong quá trình đàm phán, hai bên đã thảo luận về các vấn đề về hợp tác kỹ thuật - quân sự giữa hai nước, ngoài ra Bộ trưởng Shoigu cũng công bố nhiều thông thông tin quan trọng.
Qua những phát biểu của ông, cần thấy rằng, hợp tác kỹ thuật-quân sự giữa Nga và Việt Nam trong tương lai sẽ tiếp tục được tăng cường ở cấp độ cao. Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh cũng khẳng định tiếp tục hợp tác song phương.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nêu rõ hợp tác sẽ tiếp tục phát triển, và trước mắt Việt Nam sẽ mua thêm các loại vũ khí, kỹ thuật quân sự của Nga. Hơn nữa, quan hệ hai bên cùng có lợi sẽ không chỉ giới hạn trong việc mua bán vũ khí.
Một trong những vấn đề được hai bên thảo luận trong quá trình đàm phán đó là việc đào tạo các quân nhân Việt Nam tại Nga. Nga có thể sẽ không chỉ đào tạo các sĩ quan mà cả các tướng lĩnh cho Quân đội Việt Nam. Theo đó, điều này sẽ cho phép nâng cao đáng kể trình độ và kỹ năng của họ, cuối cùng tác động tích cực tới sức mạnh của Quân đội Việt Nam.
Liên quan đến các kỹ thuật quân sự mới, Nga xác định đây là một ưu tiên hàng đầu đối với Việt Nam, nhất là vấn đề xây dựng và phát triển toàn diện hạm đội tàu ngầm đang được triển khai thực hiện. Khoảng 3 năm trước, lãnh đạo quốc phòng hai nước đã đạt được thỏa thuận về việc hợp tác trong lĩnh vực này.
Theo đó, các chuyên gia của Nga giúp Việt Nam xây dựng các cơ sở tàu ngầm, trong đó bao gồm đóng mới các tàu ngầm bằng các khoản tín dụng từ phía Nga.
Không lâu sau khi tuyên bố các kế hoạch xây dựng này, Nga và Việt Nam đã ký kết hợp tác về việc Nga sẽ cung cấp cho Việt Nam 6 tàu ngầm diesel-điện thuộc dự án 636 “Varshavianka”. Chính những tàu ngầm này sẽ trở thành nền tảng cho hạm đội tàu ngầm của Việt Nam trong tương lai gần.
Chiếc tàu ngầm thứ nhất mang tên “Hà Nội” đã đi vào chạy thử nghiệm vào tháng 12.2012. Nếu không nảy sinh vấn đề lớn, Việt Nam sẽ nhận được chiếc tàu này trước mùa thu năm nay. Chiếc cuối cùng trong đơn đặt hàng sẽ được đưa vào sử dụng trong khoảng thời gian từ 2018-2019.
Cho tới hiện nay, Việt Nam chính thức chưa có tàu ngầm trong biên chế và hiện đang đảm bảo khả năng chiến đấu của cho lực lượng hải quân của mình bằng các tàu mới mua từ Nga. Với những xu hướng phát triển sức mạnh quân sự của các nước Đông Nam Á và tình hình điểm nóng Biển Đông hiện nay thì những tàu ngầm mới thuộc dự án 636 là không thể thiếu đối với Việt Nam.
Còn vấn đề hợp tác quốc tế có liên quan tới các căn cứ quân sự hầu như cũng đã được giải quyết và sẽ được khẳng định bằng các hiệp định giữa hai bên trong tương lai. Trong năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước dự định ký kết thỏa thuận, theo đó các tàu chiến của Nga có thể ra vào các cảng của Việt Nam và thực hiện tiếp nhiên liệu, lương thực thực phẩm…
Như vậy, các cảng của Việt Nam sẽ có đầy đủ các chức năng cơ bản của một trung tâm đảm bảo hậu cần kỹ thuật. Cần nhớ rằng, trước đó, trong thời gian khoảng vài thập kỷ, căn cứ kiểu này đã từng hoạt động tại thành phố Cam Ranh nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, nó đã giảm vai trò và ngừng hoạt động vào đầu những năm 2000.
Cùng với căn cứ bảo đảm hậu cần kỹ thuật của hạm đội, Nga đã mất cả cảng quân sự, một cảng nước ngoài lớn nhất của Nga khi đó. Trong những năm tới, chưa thể xuất hiện một căn cứ hải quân của Nga theo đúng nghĩa tại Việt Nam nhưng hiện Hải quân Nga có thể tính đến việc nhận được hỗ trợ trong đảm bảo hậu cần kỹ thuật tại đây.
Đáng chú ý, dù không thể xây dựng được căn cứ quân sự mới nhưng Nga vẫn có thể tới thăm Việt Nam. Trong những năm gần đây, các cơ quan quân sự của Việt Nam đã tổ chức các chuyến du lịch cho các cựu chiến binh Nga từng tham gia trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, điều đó thể hiện lòng biết ơn và cảm ơn với các quân nhân và chuyên gia Liên Xô từng giúp đỡ Việt Nam trước đây.
Không khó để nhận ra rằng, các tin tức ồ ạt về quan hệ hợp tác Nga-Việt đều có liên quan đến hải quân. Trong những năm gần đây, hai nước đã tích cực cùng làm việc trên hướng này và đạt được những thành công nhất định. Vì vậy, vào năm 2012, lần đầu tiên Việt Nam đã đưa vào biên chế sử dụng 2 tàu tuần tiễu thuộc dự án 1161 (tàu Gepard).
Qua những thông tin có được, chỉ sau vài tháng sau khi đưa vào biên chế chiếc tàu thứ hai trong hai tàu đó, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã thể hiện mong muốn có thêm 2 tàu loại này.
Năm 2012, Hải quân Việt Nam đã bổ sung thêm 2 tàu tuần tiễu thuộc dự án TT400TP được đóng tại Việt Nam với sự hợp tác tích cực của các chuyên gia Nga (do Công ty đóng tàu Hồng Hà, nhà máy 173, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng ở Hải Phòng đóng, phát triển trên cơ sở thiết kế sơ bộ mua của Công ty cổ phần Viện thiết kế hàng hải trung ương TsMKB Almaz/ của Nga, trên cơ sở thiết kế tàu tên lửa Projekt 10412 Svetlyak mà Nga đã bán cho Việt Nam). Trong thời gian tới, một số tàu kiểu này có thể sẽ tiếp tục được đóng mới.
Tất cả những tin tức từ Việt Nam gần đây có thể khẳng định rằng, hợp tác với Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với Nga. Trong khoảng thời gian nửa thế kỷ, Việt Nam đã là một đồng minh khăng khít với Liên Xô và Nga, và điều này chắc chắn sẽ còn tiếp tục trong tương lai.
Quế Sơn
Theo Bình luận Quân sự/Nga