Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết: “Các bạn trẻ thuộc thế hệ GEN Z yêu thích khám phá, trải nghiệm những điều mới mẻ trong cuộc sống, đặc biệt về lĩnh vực công nghệ thanh toán. Do đó, Ngày Thẻ Việt Nam sẽ là sân chơi ý nghĩa, mang đến cho các bạn sinh viên cơ hội được tương tác, trải nghiệm những công nghệ thanh toán mới nhất hiện nay”.
Theo ông Hưng, đây là lần thứ 2 NAPAS phối hợp với báo Tiền Phong tổ chức Ngày Thẻ Việt Nam, sau lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2020. Trong chương trình năm nay, NAPAS và các ngân hàng, các đối tác công nghệ sẽ tiếp tục giới thiệu các giải pháp thanh toán số hiện đại qua đó truyền cảm hứng cho giới trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước về thói quen sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt, góp phần mang lại những lợi ích lâu dài cho xã hội và nền kinh tế số.
Ông Hưng cho biết, lĩnh vực thanh toán số đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Để phòng tránh sự tiếp xúc, lây nhiễm của dịch bệnh, người dân có xu hướng chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến và sử dụng thanh toán điện tử nhiều hơn. Theo số liệu của NAPAS, trong quí 1/2022 hoạt động thanh toán qua mạng lưới của NAPAS tăng trưởng 89% về số giao dịch và 123% về giá trị so với quí 1-2021. Trong đó giao dịch rút tiền mặt qua ATM quí 1/2022 có xu hướng giảm (-9,6%) về số lượng và (-8,8%) về giá trị giao dịch so với cùng kỳ 2021. Qua số liệu cho thấy xu hướng thanh toán tiếp tục đà tăng trưởng và chuyển dịch mạnh mẽ sang các phương tiện điện tử thay thế cho tiền mặt trong thời kì sau dịch.
Cùng với sự dịch chuyển về thói quen thanh toán của người dân, nhiều phương thức thanh toán số đã ra đời và được người dân ưa chuộng sử dụng. Có thể kể đến là các hình thức thanh toán bằng thẻ chip, QR code, ví điện tử… và ứng dụng mobile banking.
Nhằm mở rộng hệ sinh thái thẻ chip nội địa, NAPAS cùng các ngân hàng, các đối tác đã triển khai các sản phẩm thẻ chip thanh toán không tiếp xúc (contactless) đa ứng dụng, bên cạnh việc sử dụng rộng rãi tại các điểm chấp nhận thanh toán (cửa hàng, quán ăn, siêu thị,…) còn sử dụng thanh toán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; thanh toán giao thông trên các tuyến xe điện của Vinbus tại Hà Nội và TPHCM.
Bên cạnh đó, thẻ tín dụng nội địa mang thương hiệu Việt Nam cũng đã được ra mắt, với tính năng “Chi tiêu trước - Trả tiền sau”, miễn lãi lên đến 55 ngày. Thẻ tín dụng nội địa như 1 kênh cấp tín dụng đơn giản cho người dân, đáp ứng nhu cầu thanh toán cũng như vấn đề tài chính cá nhân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Để đáp ứng xu hướng thanh toán di động đang phát triển mạnh mẽ, ngành ngân hàng đã cho ra mắt thương hiệu VietQR với khả năng kết nối, liên thông các ngân hàng thành viên, trung gian thanh toán, các đối tác thanh toán tại Việt Nam và quốc tế của Napas. VietQR là tiêu chuẩn mở cho phép bất cứ nhà phát triển ứng dụng nào hay đối tác có thể tích hợp trên ứng dụng hay trang thương mại điện tử hoặc bất cứ cá nhân nào có tài khoản ngân hàng/ví điện tử có thể in ra mã QR cá nhân để chấp nhận thanh toán tại các hộ kinh doanh cá thể, cửa hàng nhỏ lẻ…