Bất cập
Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý lao động, tiền lương tại DNNN nắm 100% vốn. Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đánh giá, quy định tiền lương hiện hành với người quản lý DNNN còn nhiều bất cập. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung gắn với kết quả kinh doanh, tiệm cận mặt bằng thị trường, khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Câu chuyện được đưa ra làm ví dụ điển hình ở đây đó là tại công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực (EVN), năm 2022 đơn vị này trả lương cho người lao động (NLĐ) bình quân chỉ hơn 26 triệu đồng/người/tháng, người quản lý chỉ 32 triệu đồng/người/tháng (do lỗ). Trước đó, năm 2019, thu nhập của người quản lý EVN cũng chỉ gần 55 triệu đồng/người/tháng, còn NLĐ hơn 25 triệu đồng/người/tháng. Với một tập đoàn lớn như EVN, bảng lương trên cho thấy rõ sự bất cập, trong khi lãnh đạo một số ngân hàng nhà nước nắm cổ phần chi phối mức thu nhập xấp xỉ 200 triệu đồng/người/tháng.
Lãnh đạo EVN nhìn nhận, giá bán điện của đơn vị do Nhà nước điều hành, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, giá nhiên liệu, tập đoàn này còn phải làm nhiệm vụ công ích (đảm bảo điện vùng nông thôn, miền núi, hải đảo). Dẫn tới doanh thu, lợi nhuận của EVN chưa phản ánh hết kết quả làm việc, nhưng lại là căn cứ trả lương cho NLĐ và người quản lý. Trong khi bảng lương người quản lý áp dụng từ năm 2013, còn NLĐ tăng theo năng suất, hiệu quả, lạm phát… dẫn tới lương của người quản lý thấp hơn lương NLĐ; hoặc 2 công ty cùng quy mô nhưng lương lãnh đạo lại khác nhau.
Theo quy định hiện hành, DNNN nắm 100% vốn, lương NLĐ do DN quyết, nhưng lương người quản lý lại do Chính phủ ban hành. Lương cơ bản của lãnh đạo DNNN chia theo 6 hạng DN, thấp nhất 16 triệu đồng/người/tháng, cao nhất 36 triệu đồng/tháng. Khi DN có lãi, lương lãnh đạo được tính thêm hệ số, nhưng không quá 2 lần lương cơ bản, tức cao nhất được 72 triệu đồng/tháng. Nếu DN có lợi nhuận vượt kế hoạch, mỗi phần trăm (%) tăng thêm lương lãnh đạo được tăng tương ứng, nhưng không quá 20% tiền lương, tức tối đa 86,4 triệu đồng/tháng (chủ tịch tập đoàn kinh tế). Quy định như trên áp dụng từ năm 2013 tới nay.
Cụ thể, năm 2022, lương NLĐ khối DNNN bình quân 10-12 triệu đồng/người/tháng, riêng khối tập đoàn và tổng công ty đạt bình quân 17-18 triệu đồng/người/tháng; lương lãnh đạo DNNN bình quân 40 triệu đồng/người/tháng, riêng lãnh đạo một số tập đoàn và tổng công ty lương đạt 60 - 70 triệu đồng/người/tháng.
Để lãnh đạo bớt thiệt
Trong tờ trình Chính phủ, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng, hiện tại lương lãnh đạo DNNN do Chính phủ ban hành khung, còn NLĐ do DN xây dựng theo thị trường, nên lương lãnh đạo DN thiệt thòi hơn NLĐ. Thực tế, ở một số DN, tiền lương của người quản lý thấp hơn cả tiền lương của trưởng/phó phòng. Lãnh đạo DNNN nắm 100% vốn thấp so với thị trường và thấp hơn lãnh đạo ở DNNN nắm cổ phần chi phối (chỉ bằng 57%). Bên cạnh đó, lương lãnh đạo DNNN tính theo lợi nhuận, nhưng lợi nhuận luôn biến động, không thể năm nào cũng tăng cao hơn năm trước hoặc cao hơn kế hoạch, dẫn tới nhiều lãnh đạo DN chỉ nhận lương cơ bản. Ngoài ra, các yếu tố khách quan được tính để loại trừ khi xác định tiền lương DNNN chưa sát thực tế…
Với việc bổ sung và tăng hệ số lương cho lãnh đạo DNNN theo lợi nhuận từ mức tối đa 1 lần lương cơ bản lên 2,5 lần lương cơ bản, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, theo kết quả kinh doanh của các DN, đa số lãnh đạo DNNN vẫn nhận lương tăng thêm bằng 1 lần lương cơ bản (như hiện hành). Chỉ một số ít DNNN lợi nhuận cao lãnh đạo được nhận lương với hệ số cao hơn.
Theo kế hoạch, việc cải cách tiền lương khối DNNN sẽ thực hiện đồng bộ từ năm 2021, nhưng ảnh hưởng dịch COVID-19, nên tạm hoãn tới nay. Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa các nghị định hiện hành liên quan tới cơ chế lương cho lãnh đạo DNNN, trong khi chờ áp dụng cải cách tiền lương chung.
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, cho phép DN được tự xây dựng thang, bảng lương của lãnh đạo trên cơ sở ý kiến của công đoàn và thống nhất của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Bổ sung hệ số lương tăng thêm cho lãnh đạo DNNN theo lợi nhuận hằng năm, thay vì chỉ có 3 mức hiện hành (hệ số 0,5- 0,7 - 1 lần lương cơ bản), lên thành 5 mức (gồm 0,5 - 1 - 1,5- 2 - 2,5 lần lương cơ bản, bỏ hệ số 0,7). Theo phương án này, cơ quan soạn thảo cho rằng, DN có lợi nhuận dưới 700 - 1.500 tỷ đồng/năm (tùy lĩnh vực) cơ bản vẫn nhận lương như hiện hành (tăng bằng 1 lần lương cơ bản). Các hệ số mới như 1,5 - 2 - 2,5 lần lương cơ bản chủ yếu áp dụng đối với một số tập đoàn, tổng công ty lớn.
Trường hợp DNNN có lợi nhuận bằng hoặc thấp hơn kế hoạch (vẫn có lãi), hiện lãnh đạo chỉ nhận lương cơ bản, nhưng quy định mới sẽ cho phép được lương hệ số bằng 70% của năm trước; DNNN hòa vốn lãnh đạo nhận lương cơ bản; DN lỗ sẽ giảm lương lãnh đạo tương ứng trên lương cơ bản, thấp nhất bằng 50% lương cơ bản. Dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định về yếu tố khách quan, đặc thù được loại trừ khi xác định tiền lương lãnh đạo, NLĐ tại DN. Dự thảo đã được
Bộ LĐ-TB&XH gửi lấy ý kiến 125 cơ quan, DN, trong đó có 20 bộ, 63 sở LĐ-TB&XH địa phương; 42 tập đoàn, tổng công ty, DNNN.