Ngày 4/1, BS Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TPHCM) cho biết, tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp nguy kịch vì sốt xuất huyết, mất máu cấp.
Bệnh nhi là L.N.H. (13 tuổi, đang học lớp 8 tại Đồng Tháp) cân nặng 65kg được bệnh viện địa phương chuyển viện với chẩn đoán sốc giảm thể tích do xuất huyết tiêu hóa dưới biến chứng thiếu máu cấp mức độ nặng, theo dõi vỡ túi thừa trên nền bệnh sốt xuất huyết ngày thứ 4.
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ người nhà ghi nhận, trước đó, bệnh nhi có biểu hiện ngày sốt cao liên tục, ăn uống kém. Sang ngày thứ 4, trẻ than đau bụng âm ỉ kèm tiêu máu đỏ tươi gia đình vội chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng lừ đừ, tiếp xúc chậm, môi tái nhợt.
Các kết quả thăm khám, xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị mất máu cấp, rối loạn đông máu mức độ nặng. Các bác sĩ đã phải truyền dịch chống sốc, điều trị nội khoa tích cực, bổ sung gần 2 lít máu và huyết tương tươi đông lạnh. Tuy nhiên, tình trạng bệnh không cải thiện nên bệnh nhi được chuyển lên TPHCM.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị sốc mất máu, xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng, sốt xuất huyết ngày thứ 4 trên trẻ dư cân. Bệnh nhi tiếp tục được truyền máu và chế phẩm máu bổ sung, kết hợp điều trị nội khoa tích cực.
Xác định bệnh nhi đang trong tình trạng nguy kịch, bệnh viện đã tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa và chỉ định thực hiện nội soi tiêu hóa cấp cứu. Trên camera nội soi, các bác sĩ phát hiện tá tràng của bệnh nhi có ổ loét kích thước 2x3cm, máu đang phun thành vòi theo nhịp tim. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành chích thuốc, khâu cầm máu thành công, giúp bệnh nhi vượt qua nguy kịch.
Từ trường hợp trên, bác sĩ cảnh báo sốt xuất huyết là bệnh lưu hành quanh năm tại các tỉnh phía Nam, cao điểm là vào mùa mưa. Khi mắc sốt xuất huyết, da và kết mạc người bệnh thường sung huyết, có biểu hiện xuất huyết da; nếu diễn tiến nặng sẽ dẫn đến sốc, xuất huyết nặng, suy đa cơ quan.
Khi trẻ mắc sốt xuất huyết, triệu chứng sốt thường diễn ra rất đột ngột, không phải sốt nhẹ từ từ, có thể xuất hiện những chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu mũi, chảy máu răng, ói ra máu, đi tiêu phân đen. Trẻ gái tuổi dậy thì có thể gây xuất huyết âm đạo bất thường, cần được nhận biết sớm để chuyển đến bệnh viện kịp thời.
Để tránh nguy cơ mắc sốt xuất huyết, người dân cần dọn dẹp nơi làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi, lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối, đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi. Người dân có thể sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt. Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn, nôn cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị càng sớm càng tốt.