Đây là nhận định của Sở Công thương TPHCM tại hội thảo “Giải quyết khó khăn cho DN xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại trong bối cảnh COVID – 19” vừa diễn ra ngày 18/1.
Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, dù TPHCM đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ DN phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu nhưng do tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, hầu hết các chỉ tiêu về phát triển kinh tế thành phố trong năm vừa qua đều giảm so với năm 2020.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của DN thành phố chỉ đạt 44,9 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2020. Bên cạnh đó, hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ yếu của TPHCM đều có kim ngạch giảm như: Trung Quốc giảm 8,7%, Mỹ giảm 2,3%, Nhật Bản giảm 14,7% và EU giảm 0,8%…
“Dù công tác kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn thành phố đang được triển khai tốt nhưng hoạt động sản xuất, xuất khẩu của DN khó có thể sớm phục hồi. Các vấn đề về nhân công, tài xế, kho bãi, giá cước vận tải biển tăng cao, tình trạng thiếu hụt container, thiết bị bốc dỡ và tàu chuyên chở vẫn đang khiến các chuỗi cung ứng đối mặt áp lực lớn. Đặc biệt, các thị trường xuất khẩu trọng điểm của thành phố nói riêng, Việt Nam nói chung đang có xu hướng tăng cường áp dụng nhiều pháp để phòng chống dịch, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của” – ông Tú cho biết.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho hay, trong giai đoạn cao điểm dịch tại TPHCM, hoạt động xuất nhập khẩu của DN sang các thị trường lớn như Mỹ, EU… đều diễn ra rất chậm và giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu do các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại, giao thương, phải tuân thủ các quy định về kiểm soát dịch bệnh.
Lãnh đạo Hội Lương thực thực phẩm TPHCM đề xuất, chính phủ cần có những gói hỗ trợ đặc biệt cho các DN có khả năng phục hồi nhanh ở các ngành quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội như nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dịch vụ… như hỗ trợ vốn vay ngắn hạn, giảm lãi suất vay ngân hàng; miễn giảm phí thuê đất, VAT…
Tại hội thảo, đại biểu cho rằng thành phố cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời cần đẩy mạnh phát triển logistics để kéo giảm chi phí cho DN vì hiện nay, việc kết nối vận chuyển đường bộ, thủy chưa đồng bộ, làm chi phí tăng cao.
Đề án phát triển xuất khẩu trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu bình quân 9,5%/năm trong giai đoạn 2021 – 2025 và 9%/năm trong giai đoạn 2026 – 2030. Kim ngạch xuất khẩu của thành phố đến năm 2025 ước đạt 70 tỷ đô la và đến năm 2030 đạt 108 tỷ đô la.