Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết họ vẫn cảnh giác với khả năng Trung Quốc sẽ ủng hộ Nga trong dài hạn, nhưng sự hỗ trợ về kinh tế và quân sự mà Washington lo ngại vẫn chưa xảy ra, ít nhất là đến thời điểm này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị cho chuyến công du châu Á vào cuối tháng này, với trọng tâm là cách thức đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Washington sắp công bố chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên về sự trỗi dậy của Trung Quốc để trở thành siêu cường.
Các quan chức Mỹ nói rằng Trung Quốc đang tránh ký hợp đồng mới với Nga, dù được hưởng giá chiết khấu sâu. Tháng 3 vừa qua, tập đoàn Sinopec đình chỉ đàm phán về một dự án đầu tư hoá dầu và một liên doanh tiếp thị khí đốt mới ở Nga.
Tháng trước, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc nói rằng việc Trung Quốc bỏ phiếu trắng cho nghị quyết chỉ trích chiến dịch của Nga ở Ukraine là một “chiến thắng”, cho thấy việc Bắc Kinh nỗ lực cân bằng giữa Nga và phương Tây có thể là kết quả tốt nhất đối với Washington.
Tuy nhiên, Trung Quốc từ chối chỉ trích chiến dịch của Nga ở Ukraine và lên án hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Mátxcơva. Khối lượng thương mại giữa Nga và Trung Quốc tăng mạnh trong quý 1 năm nay.
Ngày 2/5, Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington gửi thư tín dài 30 trang cáo buộc Mỹ tung tin “sai sự thật” để làm mất uy tín của Trung Quốc đối với Ukraine, trong đó có vụ tiết lộ cho báo chí hồi tháng 3 vừa qua rằng Nga đang tìm kiếm sự giúp đỡ quân sự của Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc nói rằng giới chức Mỹ không tìm thấy bằng chứng cho thông tin đó.
Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về châu Á tại Quỹ Marshall Đức tại Mỹ, cho rằng những cảnh báo cứng rắn của Mỹ và EU đã có tác dụng.
“Đã có thông điệp nhất quán rằng Trung Quốc sẽ chịu hậu quả nếu làm như vậy. Có vẻ đến nay Trung Quốc chưa làm điều đó, nhưng vẫn có khả năng Trung Quốc sẽ thay đổi suy nghĩ”, bà Glaser nói với Reuters.