Mỹ tác chiến điện tử ở chiến trường Việt Nam thế nào? (II)

TPO - Tác chiến thường xuyên trên đường mòn Hồ Chí Minh là hơn 500 máy bay chiến đấu các loại. Đối đầu với đội quân hùng mạnh nhất thế giới là sức mạnh trí tuệ Việt Nam.

Mỹ tác chiến điện tử ở chiến trường Việt Nam thế nào? (II)

Giải mật chiến tranh điện tử Mỹ ở Việt Nam (kỳ I)

TPO - Tác chiến thường xuyên trên đường mòn Hồ Chí Minh là hơn 500 máy bay chiến đấu các loại. Đối đầu với đội quân hùng mạnh nhất thế giới là sức mạnh trí tuệ Việt Nam.

AC 130 Gunship trên chiến trường Việt Nam.
 

Để tăng cường khả năng ngăn chặn các đoàn vận tải trên các tuyến đường Trường Sơn, quân đội Mỹ sử dụng các máy bay vận tải như АС-119, АС-47, АС-130 trang bị một hệ thống tác chiến điện tử rất hiện đại, hoạt động hiệu quả trong môi trường thiếu ánh sáng và nhiễu loạn bởi các vụ nổ. Đó là các hệ thống TV quang học điện tử nhạy sáng hoạt động trong điều kiện ánh sáng mờ, hệ thống radar và video quan sát hồng ngoại FLIR vùng bán cầu phía trước của máy bay, hệ thống "Black Crow" (quạ đen) phát hiện sự đột biến của từ trường (khi động cơ khởi động và nổ máy, có hiện tượng đánh lửa ở bugi).

Trong 3 hệ thống này, thông thường hệ thống radar hồng ngoại làm việc hiệu quả nhất, nhưng để xác định chính xác tọa độ cũng như số lượng đoàn xe cơ động, hoặc đoàn quân đang hành quân đêm, cần phải có sự phối hợp của các 3 hệ thống. Trên các máy bay đều được trang bị các loại vũ khí hạng nặng, từ súng máy Vulcan 20 mm đến pháo 40 mm, 105 mm và rockets.

Những cung đường vận tải và xe ô tô vận tải do máy bay trinh sát Mỹ chụp ảnh.
Các tuyến tác chiến điện tử của chiến dịch Command Hunt..
 

Chiến thắng công nghệ bằng sức mạnh trí tuệ Việt Nam

Thời điểm ban đầu, hệ thống sensors, các máy bay trinh sát tác chiến điện tử và các máy bay tác chiến điện tử đã gây rất nhiều khó khăn và tổn thất nặng cho các đơn vị vận tải. Lực lượng công binh của Binh đoàn Trường Sơn đã đáp trả bằng mọi biện pháp từ thô sơ đến hiện đại, các giải pháp thông thường là thay đổi các cung đường, các binh trạm vận tải, thành lập các tuyến đường ngắn và nhiều nhánh đường tránh cho xe cơ động khi gặp địch đánh phá, thành lập các tuyến đường kín chạy ban ngày tránh sự dò tìm của các máy bay trinh sát hồng ngoại ban đêm của địch.

Đường kín trong các tuyến đường Trường Sơn.
 

Các biện pháp chống chiến tranh điện tử thường được sử dụng là dùng các băng casset thu âm tiếng động cơ xe máy để phát gọi máy bay địch đến đánh phá những tuyến đường nghi binh, sử dụng các xe cháy hỏng có thể nổ máy được để nghi binh hoặc dùng một số xe nghi binh chạy đi chạy lại nhiều lần trên các tuyến đường tự do đánh phá. Giải pháp được cho là tối ưu nhất nhằm chống lại lực lượng không quân địch, đặc biệt là máy bay AC – 130 là lực lượng phòng không và truy quét thám báo địch.

Năm 1968, lực lượng này chỉ gồm các vũ khí 37-mm và 57-mm có radar điều khiển. Năm sau đã xuất hiện pháo phòng không 85-mm và 100-mm, đến năm 1972, đường Trường Sơn đã được bảo vệ bởi hơn 1.500 khẩu súng phòng không. Ngày 29.3.1972, máy bay AC-130 đã bị bắn rơi trong một phi vụ ban đêm bởi tên lửa đất đối không vác vai SAM-7 ở gần Tchepone. tháng 8 năm 1972, chiếc AC-130 thứ hai đã bị bắn rơi bằng tên lửa SA-2. Sau vụ này, AC-130 phải lui về hoạt động ở phía Nam đường 9. Nỗ lực của Mỹ dùng máy bay AC-130 và Không quân Hải quân để đánh phá và chặn xe đã bị vô hiệu hóa.

Tác chiến điện tử trên chiến trường Miền Nam Việt Nam

Trên chiến trường Miền Nam Việt Nam, quân đội Mỹ cũng triệt để sử dụng các trang thiết bị điện tử để chống lại các cuộc tấn công của các lực lượng Quân Giải phóng. Các thiết bị ảnh nhiệt quan sát ban đêm được lắp trên các máy bay tuần tiễu OV-1 " Mohawk ", các máy bay này tiến hành tuần tiễu dọc các dòng sông vùng đồng bằng sông Cửu Long, sông Mê Kông thông thường là một cặp đôi với máy bay trực thăng chiến đấu AH-1G "Huey Cobra " hoặc máy bay trực thăng UH -1A "Iroquois"được trang bị rockets và súng máy.

Máy bay trực thăng hỏa lực AH-1G "Huey Cobra " trên đồng bằng sông Cửu Long.
 

Máy bay trinh sát phát hiện những chiếc ghe tam bản, những chiếc thuyền vận tải trên sông và gọi máy bay chiến đấu đến tấn công, những cặp đôi trinh sát – hỏa lực này đã gây rất nhiều khó khăn cho những hoạt động vượt sông hoặc vận tải ban đêm của những chiến sĩ du kích. Ngoài ra, các máy bay UH-1A còn được lắp đặt các ổ treo thiết bị quang hồng ngoại thụ động AN/ AAQ-5. Trên các máy bay "Huey Cobra" bắt đầu thử nghiệm lắp đặt các bộ khí tài kính ngắm hồng ngoại và ảnh nhiệt, một vài chiếc "Huey Cobra" đã thực hiện nhiệm vụ bằng các thiết bị này.

Việc sử dụng các thiết bị quang học điện tử trên máy bay trực thăng không được sử dụng rộng rãi như máy bay cánh quạt và phản lực một phần do khả năng dễ bị tiêu diệt bởi súng bộ binh, nhưng việc lắp đặt thử nghiệm các hệ thống trang thiết bị AN/AAQ-5, CONFICS và ATAFCS đã trở thành cơ sở căn bản cho hệ thống thiết bị TADS/ PNVS trên máy bay АН-64А "Apache" sau này, các máy bay trực thăng ở miền Nam Việt Nam còn được lắp đặt các thiết bị thu âm và thiết bị phát hiện người trong các khu vườn hoang, cánh đồng hoặc vùng lau sậy ХМ-3 "People Sniyffer".

Máy bay UH-1 mang thiết bị nhìn đêm AN/ AAQ-5.
 

Quân đội Mỹ cũng chế tạo các thiết bị sensors dành cho bộ binh trong các khu vực đồn trú. Do tính chất khốc liệt và thường xuyên bị tấn công, phục kích cả ngày lẫn đêm, ngoài những hệ thống hàng rào vật cản, các khu căn cứ Mỹ còn được trang bị các thiết bị mini SID, micro SID DSID, (GSID hay Ground Seismic Intrusion Detector, PSID hay Patrol Seismic Intrusion Detector và HANDSID).

Đó là một hệ thống PSID có 4 cảm biến địa chấn và nối liền với thiết bị truyền thông tin hữu tuyến, những thiết bị này hoạt động theo nguyên tắc cổ xưa (vướng và kích hoạt) tuyền tải thông tin về thiết bị điều khiển, tín hiệu có thể truyền xa đến 500 m. Nhờ những hệ thống này đi kèm với các thiết bị kính nhìn đêm, radar mặt đất mà quân đội Mỹ đã giảm nhiều các tổn thất ban đêm. Một sĩ quan Mỹ đã nhận xét:“PSID đơn giản, có độ tin cậy cao và ít bị hỏng hóc, đồng thời lại có kích thước và khối lượng nhỏ gọn, tôi muốn có 20 bộ khí tài như vậy trong một trung đội thay vì 20 bộ trong một tiểu đoàn”.

PSID cho các đơn vị tuần thám và phục kích những năm 1960- x.
Thiết bị phát hiện người ẩn nấp Е-63 “people sniffer” .
Thiết bị tăng độ phân giải ánh sáng mờ AN/TVS-2 gắn trên súng máy 12,7mm.
Thiết bị tăng độ phân giải ánh sáng mờ AN/PVS-2 gắn trên súng trường tự động..
 

Đập tan huyền thoại công nghệ cao quân đội Mỹ

Để chống phá các hệ thống phòng ngự điện tử, các chiến sĩ giải phóng quân đã thực nghiệm và đúc kết các kinh nghiệm tác chiến nhằm vô hiệu hóa khí tài hiện đại.

Phương pháp đơn giản nhất là nghi binh, những đòn tấn công nghi binh thường xuyên liên tục đã làm cho lực lượng địch thiếu đi sự tin tưởng vảo trang thiết bị và tổn thất về vũ khí, đạn và cơ sở vật chất đi cùng, từ đó sử dụng lực lượng đặc công, biệt động luồn sâu, đánh địch ngay trong căn cứ.

Phương pháp thứ hai rất hiệu quả là phục kích đánh địch khi đối phương tiến hành các chiến dịch hành quân hoặc truy quét tìm và diệt. Khi đó, quân Mỹ không có khả năng sử dụng các phương tiện mặt đất, mà chỉ có thể sử dụng các phương tiện trinh sát đường không, dễ bị bắn hạ bởi vũ khí bộ binh.

Săn máy bay trực thằng của Trung đoàn Bình Giã.
 

Phương pháp thứ ba: gây căng thẳng tột cùng cho địch là công kích hỏa lực tầm xa, bằng các loại vũ khí từ tự chế đến hiện đại như ĐKB (tên lửa BM -21 mang vác). Phương pháp thứ tư đó là phong trào săn máy bay địch bằng vũ khí có trong tay, từ bom mìn tự chế đến đến hỏa khí bộ binh.

Pháo phản lực ĐKB (BM-21) bắn ứng dụng.
 

Chiến tranh điện tử phong tỏa Biển Đông

Cuộc chiến tranh điện tử còn được triển khai rộng rãi trên mặt biển và các vùng nước quan trọng như hải cảng, căn cứ quân sự ven sông.

Sơ đồ phong tỏa đường biển của Mỹ ở Việt Nam.
 

Để ngăn chặn các chuyến hàng vận tải biển của Đoàn tàu Không số 128. Quân đội Mỹ đã triển khai một hệ thống trang thiết bị điện tử rộng rãi trên mặt nước Vịnh Bắc Bộ, dọc theo ven biển miền Nam Việt Nam, liên tục hoạt động là 20 đài radar quan sát mặt biển và theo dõi mọi tàu thuyền. Các máy bay tuần biển như OP-2 Hecquyn, P-3 Orion tiến hành các hoạt động tuần tiễu ven biển 24/24 giờ trong ngày, gặp các tàu thuyền có dấu hiệu nghi ngờ, các trạm radars và các máy bay trinh sát tuần biển sẽ lập tức xác định tọa độ, chụp ảnh và tiến hành theo dõi ngay từ vùng nước quốc tế, khi các tàu đi vào vùng phong tỏa, các giang đoàn của hải quân Sài Gòn và các chiến hạm của Hạm đội 7 lập tức bao vây, tiếp cận lục soát hoặc trong các trường hợp có biểu hiện lạ, sử dụng hỏa lực tấn công tiêu diệt.

Trong các hải cảng quân sự, quân đội Mỹ sử dụng triệt để các thiết bị theo dõi chống đặc công nước, đó là các đài sonar chủ động, hệ thống lưới chắn cạm bẫy cùng với các thiết bị báo động xâm nhập, các phao thủy âm. Toàn bộ hệ thống được kết nối lại bằng hệ thống truyền tải thông tin hữu tuyến vào một trung tâm duy nhất nhằm chống xâm nhập sau sự kiện một tàu chở dầu 15.000 bị lực lượng đặc công biệt động đánh chìm ở cảng Sài Gòn. Hải quân Mỹ cũng huấn luyện một đơn vị cá heo làm nhiệm vụ đeo sonar tuần thám dưới nước và phát hiện xâm nhập. Một sĩ quan hải quân Mỹ đã nhận xét: ”Cá heo rất thông minh, nó có khứa giác nhạy cảm và là một đài sonar tự nhiên tốt nhất, nó có thể bơi nhanh hoặc chậm tùy theo người điều khiển, với sonar gắn trên đầu, cá heo giúp cho lực lượng phòng vệ nhanh chóng phát hiện người nhái đột nhập…”. Đã có hàng trăm cá heo được huấn luyện cho mục đích này.

Bản đồ hoạt động của lực lượng hải quân và không quân hải quân Hạm đội 7 Mỹ ở Việt Nam.
 

Trong cuộc chiến tranh kéo dài từ năm 1964 – 1973 của quân đội Mỹ, TCĐT đã được áp dụng triệt để, trên mọi môi trường tác chiến, từ tác chiến trên không, trên đất liền và trên biển. Các phương tiện tác chiến được lắp đặt trong mọi phương tiện chiến đấu, từ máy bay cường kích phản lực, máy bay yểm trợ hỏa lực, trực thăng cho đến các phương tiện trên mặt đất. Tuy chưa cấu thành một hệ thống tác chiến điện tử đồng bộ, nhưng những bài học kinh nghiệm trong ứng dụng các trang thiết bị TCĐT đã trở thành cơ sở căn bản để cấu thành hệ thống các phương tiện trinh sát điện tử hiện đại ngày nay.

Cuộc chiến đấu chống Mỹ giai đoạn 1964 – 1972 ở Miền Nam Việt Nam là cuộc đối đầu với một hệ thống công nghệ quân sự hiện đại và sức sáng tạo không ngừng của các chiến sĩ lực lượng vũ trang Miền Nam Việt Nam. Kết quả của chiến tranh đã rõ ràng, nhưng những bài học của nó vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn trong chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc. Cũng cần phải khẳng định, dành được thắng lợi trong “Chiến tranh điện tử, đó là sự kết hợp giữa trí tuệ con người và khoa học công nghệ”. Trang thiết bị khí tài tác chiến càng hiện đại, càng đòi hỏi sức sáng táo và năng động trong ứng dụng công nghệ vào thực tế chiến trường.

Chiến tranh điện tử không chỉ có trong thời chiến, nó được thực hiện ngay trong thời bình và phát triển vô cùng mạnh mẽ. Để có thể đánh thắng kẻ thù trong Chiến tranh điện tử, cần có sự hiểu biết sâu sắc về TCĐT, phương tiện khí tài chiến đấu, sử dụng thành thạo trong thực tiễn, đồng thời phát triển công nghiệp điện tử quốc phòng, để có thể có được hệ thống khí tài tác chiến đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.

(còn nữa)

Trịnh Thái Bằng

Theo Dịch