Việc Mỹ cung cấp thông tin tình báo quân sự cho quân đội Ukraine không còn là chuyện mới. Nhưng thông tin cụ thể như vậy và gây hậu quả nghiêm trọng đến thế, vẫn khiến người ta bất ngờ.
Hơn hai tháng sau khi chiến tranh bùng nổ, 12 tướng lĩnh Nga đã thiệt mạng, tuy đây là số liệu của quân đội Ukraine, không loại trừ khả năng được phóng đại; nhưng nhiều tướng lĩnh Nga đã chết trong cuộc chiến này là một thực tế mà quân đội Nga cũng đã thừa nhận. Sau khi xem tiểu sử của một số tướng lĩnh này, tất cả họ đều có kinh nghiệm chỉ huy và tác chiến phong phú. Đừng quên rằng trong 30 năm qua, quân đội Nga cũng đã từng tham chiến ở Chechnya, Syria... Nhưng khi đến chiến trường Ukraine, họ lại nhanh chóng bị sát hại.
Điều này càng làm nổi bật giá trị của tình báo Mỹ. Theo các quan chức quân sự Mỹ, trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, các cơ quan tình báo Mỹ đã sử dụng nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả vệ tinh do thám và vệ tinh thương mại, để theo dõi chặt chẽ các chuyển động của quân đội Nga và cung cấp cho quân đội Ukraine theo thời gian thực. Điều khiến người Mỹ ngạc nhiên là, các tướng lĩnh Nga thường nói chuyện qua điện thoại và máy bộ đàm không bảo mật, rất dễ bị nghe trộm điện tử. Do đó, sau khi xác định được mục tiêu quan trọng, quân đội Ukraine có thể phát động cuộc tấn công chính xác, khiến quân Nga bị tổn thất nặng nề, ngoài nhiều tướng lĩnh Nga bị chết trên chiến trường, xe tăng, máy bay quân sự, tàu chiến của Nga đều trở thành mục tiêu phản kích của quân đội Ukraine.
Phải thừa nhận rằng mặc dù các tin của truyền thông Mỹ đôi khi đầy sơ hở, nhưng trong nhóm tin về tình báo này có nhiều nguồn thông tin khác nhau chứng thực lẫn nhau và có những suy luận hợp logic.
Tuy nhiên, Quân đội Mỹ đã lập tức mạnh mẽ phủ nhận các tin này. Ngày 5/5, ông John Kirby, người phát ngôn Lầu Năm Góc đã đưa ra một tuyên bố “thanh minh” rằng: “Chúng tôi không cung cấp thông tin tình báo về vị trí của các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao Nga trên chiến trường; cũng như không tham gia vào các quyết định của quân đội Ukraine về việc có tấn công mục tiêu hay không. Ukraine đã kết hợp thông tin của chúng tôi và các đối tác khác với thông tin tình báo do chính họ thu thập được trên chiến trường, sau đó tự đưa ra quyết định và áp dụng hành động của mình”.
Về vụ tàu “Moskva”, ông Kirby tuyên bố: “Chúng tôi đúng là có cung cấp một loạt thông tin tình báo để giúp người Ukraine hiểu được mối đe dọa do các tàu Nga gây ra ở Biển Đen và giúp họ phòng thủ trước các cuộc tấn công tiềm tàng từ biển. Nhưng chúng tôi không cung cấp cho Ukraine vị trí chính xác của tàu Moskva. Chúng tôi cũng không liên quan đến quyết định hay hành động tấn công tàu của Ukraine. Chúng tôi không biết trước ý định của Ukraine nhằm vào con tàu này. Ukraine có khả năng tình báo của riêng họ để theo dõi và nhắm mục tiêu vào các tàu Hải quân Nga, như họ đã làm trong vụ này”.
Nói tóm lại, quân đội Mỹ hoàn toàn phủ nhận trách nhiệm. Điều thú vị là The New York Times cũng bị Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng chỉ trích nặng nề vì “đưa tin vô trách nhiệm”. Người phát ngôn Hội đồng ANQG Mỹ Adriana Watson cho biết: “Mỹ cung cấp thông tin tình báo chiến trường để giúp người dân Ukraine bảo vệ đất nước của họ”, “chúng tôi không cung cấp tình báo với ý đồ hại chết các tướng Nga”.
Cách đây hai năm, một chủ đề nóng đã xuất hiện trên chính trường Mỹ là nhận định cơ quan tình báo quân đội Nga đã bí mật cung cấp tiền thưởng cho Taliban Afghanistan để khuyến khích họ sát hại lính Mỹ và các lực lượng đồng minh của Mỹ. Mặc dù Nga mạnh mẽ phủ nhận nhưng không có hiệu quả, Mỹ vẫn vung gậy áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga khác nhau. Ông Trump cũng bị Quốc hội và giới truyền thông lên án mạnh mẽ vì không tích cực phối hợp...
Bây giờ, mọi thứ đã đảo ngược. Thậm chí không phải vấn đề khuyến khích giết hại binh lính đối phương mà là Mỹ trực tiếp cung cấp thông tin tình báo giúp giết hại các tướng Nga. Sự việc rất nhạy cảm và hậu quả rất nghiêm trọng. Sau khi xem xét, phản ứng của Nga tương đối thấp. Điều này có thể hiểu được, cái chết của nhiều tướng lĩnh và vụ tàu “Moskva” bị đánh chìm đều là những sự kiện rất đáng xấu hổ với Moscow.
Nhưng người Nga có một đặc điểm lớn là không thích nói nhiều. Mỹ cũng cần nhận thức rõ điều này. Có nhiều việc chỉ làm nhưng không nói do quá nhạy cảm, nguy hiểm, sợ bị phía Nga coi là hành động khiêu khích nghiêm trọng. Do đó, bất chấp việc Nga có tin hay không, Lầu Năm Góc đã ngay lập tức phủ nhận.
Liệu quân đội Nga có thực sự im lặng chấp nhận kết quả này? Theo truyền thống ăn miếng trả miếng, không thể loại trừ việc Nga cũng cung cấp thông tin tình báo cho các bên thứ ba để giúp giết một số người Mỹ, có thể ở Ukraine hoặc các khu vực khác của thế giới. Lửa chiến tranh có thể sẽ lan ra.
Theo cách đánh hiện nay, với khả năng tình báo của quân đội Mỹ, quân đội Nga có thể sẽ còn bị tổn thất nặng nề hơn, tất nhiên không thể loại trừ khả năng phía Nga sẽ lợi dụng hệ thống tình báo Mỹ để tạo ra thông tin sai lệch và tiến hành phản kích dữ dội hơn...
Ở một góc độ khác, chiến tranh hiện đại không chỉ là cuộc đọ sức về hỏa lực trên chiến trường mà còn là cuộc so tài về sức mạnh tổng thể, cạnh tranh của các hoạt động tình báo. Cuộc chiến ở Ukraine đã dạy cho Nga và thế giới một bài học đặc biệt tàn khốc.