Hạm đội 7 thông báo, một cuộc điều tra đã kết luận rằng tàu ngầm USS Connecticut đâm vào một cấu trúc địa chất hôm 2/10. “Cuộc điều tra xác định rằng tàu ngầm USS Connecticut va vào một vỉa ngầm chưa được thăm dò khi đang hoạt động trong khu vực quốc tế của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, phát ngôn viên Hạm đội 7 nói.
Kết luận đã được chuyển tới Phó đô đốc Karl Thomas, chỉ huy Hạm đội 7, để “quyết định xem có cần thực hiện hành động tiếp theo hay không, bao gồm vấn đề trách nhiệm giải trình”, thông cáo cho biết. Hải quân Mỹ xác nhận vụ việc sau 1 tuần xảy ra, nhưng chỉ cho biết con tàu “đã va vào một vật thể khi đang lặn dưới biển”.
Trang tin Mỹ USNI News nói rằng con tàu đã bị một số hư hỏng ở mũi tàu sau vụ va chạm, buộc tàu phải nổi lên khi trở về căn cứ ở Guam, nhưng khoang chứa nhiên liệu hạt nhân của tàu không bị hư hại. Sau khi Mỹ thông báo về sự cố, Trung Quốc yêu cầu Washington giải thích cụ thể về vụ việc. Bắc Kinh cho rằng, việc cung cấp thông tin không đầy đủ là “vô trách nhiệm” và bày tỏ quan ngại sâu sắc về nguy cơ “rò rỉ hạt nhân” gây ô nhiễm môi trường biển.
Một viện nghiên cứu ở Bắc Kinh vừa dẫn ảnh vệ tinh nói rằng Constant Phoenix, máy bay “ngửi” phóng xạ của Mỹ, đã đến Biển Đông cuối tuần qua. Các chuyên gia nói rằng, chiếc máy bay đặc biệt có thể đến đây để dò xem có vật liệu phóng xạ ở khu vực sau sự cố của tàu USS Connecticut hay không. Nhiệm vụ hàng đầu của máy bay Boeing WC-135 Constant Phoenix (biệt danh “máy đánh hơi hạt nhân”) là thu thập các mẫu không khí để phát hiện sự hiện diện của vật liệu phóng xạ toả ra từ các vụ nổ hạt nhân.
“Hiếm khi WC-135 đến Biển Đông. Hoạt động gần đây nhất ở khu vực này của nó là vào tháng 1/2020”, Sáng kiến Thăm dò tình hình chiến lược Biển Đông, một tổ chức nghiên cứu về biển trụ sở tại Bắc Kinh, viết trên WeChat ngày 1/11. Cùng đi với Constant Phoenix đến Biển Đông là máy bay do thám E-8C, hai máy bay tuần tra biển P-8A, một máy bay trinh sát điện tử EP-3E và một máy bay do thám, Sáng kiến Thăm dò tình hình chiến lược Biển Đông dựa vào hình ảnh vệ tinh khẳng định.
Ông Ridzwan Rahmat, nhà phân tích quân sự của tạp chí quân sự Janes, cho rằng, việc huy động máy bay Constant Phoenix có thể là để kiểm tra xem có chất phóng xạ trong không khí ở khu vực này không. “Đó có thể là biện pháp phòng ngừa của Mỹ để kiểm tra khả năng xảy ra rò rỉ hạt nhân sau vụ va chạm”, Rahmat nói với báo Hong Kong South China Morning Post.
Ông Song Zhongping, một nhà bình luận quân sự ở Hong Kong, cũng tin rằng sự hiện diện của Constant Phoenix là kiểm tra khả năng rò rỉ phóng xạ sau vụ đâm va. “Nếu đó là mục đích thực sự, điều này cho thấy vụ va chạm đủ nghiêm trọng khiến Mỹ lo ngại và phải điều máy bay đến để thu thập thêm thông tin”, ông Song nói. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này cho rằng, cũng có thể giải thích theo cách khác. “Có thể Mỹ lo Trung Quốc đã tiến hành một số vụ thử hạt nhân dưới biển, và Washington đưa máy bay đến đó để xác nhận”, ông Song nhận định.
Theo hình ảnh vệ tinh chụp ngày 20/10 của hãng Planet Labs (Mỹ), USS Connecticut khi trở về đảo Guam đã được dỡ phần mũi, gợi ý rằng vụ va chạm đã làm hỏng hệ thống sonar ở mũi tàu. Thông cáo của Hải quân Mỹ đưa ra ngày 7/10 khẳng định con tàu thuộc lớp Sói biển vẫn “an toàn và ổn định” sau sự cố.