Mỹ có vô can khi 'quan tài hạt nhân' ở Thái Bình Dương nứt vỡ?

TPO - Cho dù Mỹ không chịu trách nhiệm pháp lý đối với khu hầm mộ hạt nhân khổng lồ giữa Thái Bình Dương, việc chiếc quan tài bằng bê tông chứa các rác thải phóng xạ từ các vụ thử nghiệm hạt nhân của Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ đang đặt thế giới vào một tình huống nguy hiểm và Washington không thể phủi trách nhiệm.
Khu hầm mộ hạt nhân trên quần đảo Marshall

Trên một hòn đảo có tên Runit, có một hầm mộ bằng bê tông lớn chứa chất thải hạt nhân và các mảnh vỡ của một loạt các cuộc thử nghiệm hạt nhân tiến hành trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Nay, các nhà hoạt động vì môi trường đang lo ngại rằng hầm mộ này, vốn đã có biểu hiện nứt vỡ, có thể gây rò rỉ các chất cực kỳ nguy hiểm khi có bão tố hoặc nước biển dâng.

Theo đài CBS News, tổng thư ký LHQ António Guterres nói với các sinh viên ở Fiji hồi tuần trước rằng tổng thống quần đảo Marshall “đang rất lo lắng bởi vì có nguy cơ rò rỉ các vật chất phóng xạ được chứa trong một loại quan tài ở trong vùng”.

Trong thời gian Chiến trạnh lạnh, từ sau Thế chiến 2 đến 1990, chính phủ Mỹ đã tiến hành 67 cuộc thử nghiệm hạt nhân ở quần đảo Marshall. Ở đây đã diễn ra các cuộc thủ hạt nhân và sau đó là vũ khí nhiệt hạch, bao gồm cả vụ thử bom nổi tiếng (và tai tiếng) Castle Bravo.

Quả bom H 10 tấn này nổ với sức công phá 15 megaton, gấp đôi sức công phá dự kiến. Sức nổ này tương đương với 15.000.000 tấn thuốc nổ TNT. Trong khi đó, quả bom Mỹ thả xuống Hiroshima, Nhật Bản có sức công phá tương đương 15.000 tấn TNT.

Các cuộc thử nghiệm như Castle Bravo có thể gây nhiễm xạ đối với đất, cát và các vật thể do con người tạo ra xung quanh khu vực thử nghiệm. Theo tờ The Washington Post, hầu hết những thứ này được thu thập và chôn trong một cái hố rộng 109m do một vụ nổ thử hạt nhân trước đó tạo ra.

Hầm mộ này chứa 84.000m3 đất nhiễm xạ và 4600m3 mảnh vỡ nhiễm xạ. Vào năm 1980 một hầm mộ bê tông dày 45cm được xây lấp lên miệng hố, bao bọc số vật chất nguy hiểm ở bên trong.

Hầm mộ hạt nhân có tên là Cactus này rất lớn và người ta có thể thấy nó từ không trung, nhưng không có nghĩa là nó vĩnh viễn chôn vùi những thứ nguy hiểm bên trong. Miệng hố bom không được che đẩy trước khi chất thải phóng xạ được đậy kín bằng bê tông và song biển đã nhiều lần lan đến khu hầm mộ.

Trong khi đó, tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng rõ rệt và hiện tượng nước biển dâng đang tạo ra nguy cơ lớn rò rỉ chất phóng xạ ra đại dương. Tình hình càng trở nên trầm trọng khi các vết nứt ở mái vòm hầm mộ được phát hiện.

 

Chưa rõ vấn đề rất lớn này đã được xử lý hay chưa. Khu hầm mộ không nằm trong tầm quyết định của chính phủ đảo Marshall và một hiệp định năm 1979 giữa quần đảo Marshall và Mỹ nói rằng Mỹ không chịu trách nhiệm đối với bất cứ vấn đề gì phát sinh từ những vụ thử nghiệm hạt nhân trước đây. Tuy nhiên, quần đảo Marshall, tên chính thức là Cộng hòa Quần đảo Marshall, nằm gần xích đạo trên Thái Bình Dương, là một đảo quốc nhỏ, nghèo, không thể có nguồn lực di dời hầm mộ hạt nhân tới một nơi an toàn hơn.

Mặc dù Mỹ không có trách nhiệm pháp lý phải cung cấp sự hỗ trợ hay giúp đỡ, điều rõ rang rằng nếu hầm mộ hạt nhân vỡ ra, sẽ là một thảm họa về môi trường sinh thái và Mỹ chắc chắn sẽ bị cả thế giới lên án.