Mỹ có thể phải duy trì các biện pháp giãn cách xã hội, như yêu cầu người dân ở nhà và đóng cửa trường học, cho đến tận năm 2022 nếu không sớm có vắc-xin COVID-19, các nhà khoa học vừa cảnh báo.
Bài viết của nhóm nghiên cứu công tác tại Trường Y tế cộng đồng T.H. Chan Havard đăng trên tạp chí Science hôm 14/4 đưa ra khuyến cáo khác hẳn nghiên cứu mà Chính phủ Mỹ đang dựa vào, đó là đại dịch có thể kết thúc vào mùa hè này.
Nhóm nghiên cứu thuộc Trường Y Havard sử dụng những điều đã biết về COVID-19 và các virus corona khác để xây dựng kịch bản cho đại dịch hiện nay. “Giãn cách gián đoạn có thể phải duy trì đến tận năm 2022 trừ khi tăng mạnh năng lực điều trị y tế hoặc có vắc-xin”, nhóm nghiên cứu kết luận.
“Ngay cả khi đã tiêu diệt được SARS-CoV-2 vẫn phải duy trì giám sát vì dịch bệnh có thể bùng phát trở lại, muộn nhất là năm 2024”, các nhà khoa học nhận định.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng virus có thể quay trở lại khá nhanh sau khi các biện pháp hạn chế được gỡ bỏ.
“Nếu giãn cách đan xen được áp dụng, có thể cần phải duy trì trong nhiều năm, rõ ràng là thời gian rất dài”, TS Marc Lipsitch, một tác giả tham gia nghiên cứu và là giáo sư ngành dịch tễ học tại Trường Y Havard, vừa nói với báo giới.
Một yếu tố quan trọng khác là con người có thể phát triển khả năng miễn dịch với virus corona mới sau khi họ đã mắc bệnh hay không. Điều này vẫn chưa được khẳng định.
Những thách thức khác đặt ra là phải tìm ra cách xét nghiệm đáng tin cậy để xác định ai có kháng thể với virus sau lần lây nhiễm trước; năng lực của các hệ thống y tế trong tiến hành xét nghiệm kháng thể trên diện rộng.
Ngoài ra còn có nhiều câu hỏi xã hội khó xung quanh vấn đề miễn dịch cộng đồng, điều từng được bàn tới ở Anh. Liệu có thể tạo ra xã hội hai lớp, gồm một lớp là những người có thể trở lại cuộc sống bình thường, còn lớp kia là những người vẫn tiếp tục bị cách ly?
Các nhà nghiên cứu nói rằng họ họ hiểu việc duy trì giãn cách xã hội kéo dài sẽ gây nhiều tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội và giáo dục.
Họ hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp xác định quỹ đạo của dịch bệnh trong các khả năng khác nhau, tìm ra biện pháp để đối phó và thúc đẩy tư duy để tìm ra cách kiểm soát đại dịch.
Dù số ca mắc COVID-19 ở Mỹ đang tăng mạnh, các biện pháp giãn cách xã hội có vẻ hiệu quả.
Giãn cách xã hội là “một trong những vũ khí mạnh nhất” để chống lại COVID-19, ông Robert Redfield, giám đốc Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ, nói.