Mỹ buộc tội Huawei ngay trước thềm đàm phán thương mại

TP - Hy vọng đạt được đột phá trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung vừa vấp thêm một hòn đá tảng sau khi giới chức Mỹ cáo buộc hãng công nghệ Huawei một loạt tội danh hình sự.
Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh: cbc.ca

Bộ Tư pháp Mỹ vừa cáo buộc Huawei tội gian lận ngân hàng, cản trở công lý, âm mưu rửa tiền liên quan đến những cáo buộc vi phạm các biện pháp cấm vận của Mỹ đối với Iran. Phó Chủ tịch phụ trách tài chính Huawei, bà Mạnh Vãn Châu, cũng bị buộc tội và đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ, Reuters đưa tin.

Bà Mạnh và Huawei bị cáo buộc sử dụng công ty con là Skycom Technologies để làm ăn với Iran.

Các quan chức Mỹ tin rằng Huawei dối trá với các ngân hàng và che giấu quan hệ của họ với Skycom.

Huawei cũng bị cáo buộc đánh cắp một công nghệ tự động của hãng T-Mobile. 

Quyền bộ trưởng Tư pháp Matthew Whitaker nói rằng Huawei đã có “nỗ lực phối hợp” để đánh cắp hệ thống kiểm tra smartphone của T-Mobile.

Huawei phủ nhận những cáo buộc này, nói rằng họ đã đạt dàn xếp dân sự với T-Mobile đối với công nghệ “Tappy” .

Giám đốc FBI Christopher Wray nói rằng các cáo buộc trên là kết quả của nhiều năm điều tra, và rằng Huawei không nên được hoan nghênh ở Mỹ chút nào.

Trung Quốc phản ứng giận dữ, tuyên bố sẽ bảo vệ lợi ích của các công ty Trung Quốc và lên án việc Mỹ buộc tội hình sự đối với Huawei là động thái mang động cơ chính trị và “vô đạo đức”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói trong một tuyên bố rằng Mỹ nên dừng cái mà đại diện Trung Quốc gọi là sự đàn áp vô lý đối với các công ty Trung Quốc và bỏ lệnh bắt bà Mạnh.

Những  buộc tội từ Mỹ làm gia tăng áp lực lên Huawei, một trong những hãng công nghệ thành công nhất của Trung Quốc và đang đi đầu trong nỗ lực phát triển mạng không dây 5G siêu nhanh.

Nhiều năm nay Mỹ vẫn nói Huawei là mối đe doạ đối với an ninh quốc gia, nhưng những nỗ lực kiềm chế những hoạt động của Huawei mà Mỹ cáo buộc là lạm dụng gia tăng trong những tháng gần đây.

Thời điểm quan trọng

Vụ bắt bà Mạnh vào tháng 12 vừa qua đã gây ra một trận bão địa chính trị khiến quan hệ giữa Mỹ và Canada với Trung Quốc căng thẳng. Trung Quốc nhiều lần gọi vụ bắt bà Mạnh là mang động cơ chính trị. Nhưng Mỹ vừa nhắc lại ý định tiếp tục nỗ lực dẫn độ người phụ nữ này. Bà Mạnh dự kiến sẽ tiếp tục ra toà vào ngày 6/2 tới.

Quốc hội Mỹ cũng đang xem xét dự luật cấm bán các linh kiện của Mỹ cho bất kỳ doanh nghiệp Trung Quốc nào vi phạm luật kiểm soát xuất khẩu hay cấm vận của Mỹ, một biện pháp được cho là nhằm vào Huawei.

Điều quan trọng là các cáo buộc được đưa ra khi Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua để đạt được một thoả thuận trước thời hạn 1/3, nếu không Mỹ sẽ tăng thuế đối với lượng hàng hoá trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc từ 10% lên 25%. Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả tương đương, khiến đợt đàm phán lần này có vai trò quan trọng trong việc giải quyết thế đối đầu.

Phó Thủ tướng Lưu Hạc dự kiến sẽ bay sang Mỹ vào ngày 30/1 để dự cuộc đàm phán kéo dài 2 ngày với Mỹ.

Vẫn chưa rõ tuyên bố vừa qua của Mỹ sẽ ảnh hưởng như thế nào lên các cuộc đàm phán thương mại. Tổng thống Trump từng nói sẽ can thiệp vào vụ bà Mạnh nếu điều đó giúp đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Cuộc đàm phán lần này diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với ông Trump, sau khi ông không thể thuyết phục quốc hội chi ngân sách xây tường biên giới. Cuộc đàm phán cũng có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế toàn cầu trong giai đoạn đang tăng trưởng chậm lại, một phần vì các chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ.