Phát biểu được đưa ra sau khi đặc phái viên Sung Kim có các cuộc thảo luận tại Seoul (Hàn Quốc) với người đồng cấp Hàn Quốc Noh Kyu-duk và đặc phái viên Nhật Bản Takehiro Funakoshi. “Chúng tôi hy vọng Triều Tiên sẽ phản hồi tích cực những liên lạc của chúng tôi và đề xuất của chúng tôi về việc gặp gỡ ở bất kỳ đâu, bất kỳ nơi nào mà không có điều kiện tiên quyết”, Reuters dẫn lời ông Kim.
Đặc phái viên này đến Hàn Quốc từ hôm 19/6, một ngày sau khi báo chí nhà nước Triều Tiên đưa tin rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chỉ đạo phải chuẩn bị cho cả đối thoại và đối đầu với Mỹ. Washington nói rằng họ thấy phát biểu của ông Kim Jong Un là “tín hiệu thú vị”. “Chúng tôi chú ý đến phát biểu gần đây của Chủ tịch Kim, về cả đối thoại và đối đầu. Chúng tôi sẽ chuẩn bị cho cả hai. Hy vọng chúng ta sẽ sớm nhận được phản hồi tích cực”, ông Sung Kim nói.
Nhà ngoại giao kỳ cựu cho biết, Mỹ vẫn tiếp tục thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để trừng phạt Triều Tiên và thúc giục các quốc gia khác cũng làm như vậy. Còn ông Noh cho biết, ông và đồng cấp Mỹ đã bàn các phương án để hợp tác và nhanh chóng thúc đẩy khôi phục đối thoại với Triều Tiên.
Ông Sung Kim (được bổ nhiệm sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá lại chính sách với Triều Tiên) cho biết Washington sẽ tìm cách “điều chỉnh và thực tế” để khiến Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Chính quyền dưới thời Tổng thống Donald Trump yêu cầu Triều Tiên phi hạt nhân hóa “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” trước khi nới lỏng trừng phạt. Yêu cầu này là không thể chấp nhận với Bình Nhưỡng khi Triều Tiên tính toán rằng vũ khí hạt nhân sẽ ngăn Mỹ xâm lược, và việc từ bỏ hạt nhân sẽ không khác gì tự sát chính trị nếu Washington bỏ rơi họ.
Chính quyền Tổng thống Biden thể hiện sẵn sàng chấp nhận cách làm từng bước, theo đó sẽ nhượng bộ trong trừng phạt để đổi lấy giải trừ quân bị từng giai đoạn. Ông Biden cũng tìm kiếm sự hỗ trợ của các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc để xây dựng một mặt trận thống nhất chống lại những mối đe dọa an ninh mà Triều Tiên và Trung Quốc tạo ra.
Tình thế khó khăn
Cheong Seong-chang, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Sejong Hàn Quốc, cho rằng phát biểu mới nhất của ông Kim Jong Un không có những ngôn từ gay gắt đối với Washington về những hoạt động như tập trận chung Mỹ - Hàn và việc triển khai khí tài chiến lược của Mỹ đến gần bán đảo Triều Tiên.
GS Yang Moo-jin, công tác tại Trường Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, cho rằng vấn đề chủ chốt vẫn là mức độ phi hạt nhân hóa và dỡ bỏ trừng phạt. “Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc có thể sẽ bàn về khả năng nới lỏng trừng phạt để giảm bớt áp lực nhân đạo ở Triều Tiên”, GS Yang nói.
“Nếu Mỹ yêu cầu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên, Bình Nhưỡng sẽ không thể chấp nhận. Nhưng Triều Tiên có thể chấp nhận một thỏa thuận đóng băng chương trình hạt nhân và cắt giảm kho vũ khí hạt nhân hiện tại để đổi lấy việc được nới lỏng trừng phạt theo giai đoạn và chấm dứt tập trận chung Mỹ - Hàn”.
Nhà nghiên cứu Cheong Seong-chang (Viện Sejong Hàn Quốc)
Một trong những thông điệp lớn mà ông Kim Jong Un đưa ra tại Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên vào đầu năm nay là sự cần thiết phải cải thiện nền kinh tế. Ông cũng thừa nhận tình hình lương thực ở nước này đang trở nên căng thẳng. Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã nhiều lần cảnh báo về tình hình lương thực của nước này sau khi mùa màng bị tàn phá trong trận lũ lụt năm ngoái và quyết định đóng cửa biên giới để ngăn dịch COVID-19 khiến các hoạt động thương mại vùng biên bị chặn đứng.
Hãng xếp hạng tín dụng và nghiên cứu thị trường Fitch Solutions hồi tháng 4 dự báo kinh tế Triều Tiên sẽ khó tăng trưởng trong năm nay vì phải chật vật đối phó với đại dịch, trừng phạt quốc tế và gián đoạn thương mại với Trung Quốc.