Mỹ 4 lần dùng đến kho dự trữ dầu chiến lược

TPO - Chỉ có tổng thống Mỹ mới có thể ra lệnh sử dụng kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) và ông Donald Trump ngày 15/9 ra lệnh này sau khi 2 cơ sở lọc dầu trọng yếu của Ảrập Xêút bị tấn công.
Vị trí các kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ. Đồ họa: Guttman Energy.

Chỉ có tổng thống Mỹ mới có thể ra lệnh sử dụng kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) và ông Donald Trump ngày 15/9 ra lệnh này sau khi 2 cơ sở lọc dầu trọng yếu của Ảrập Xêút bị tấn công.

Tổng thống Mỹ đăng trên Twitter rằng, ông đã cho phép sử dụng SPR nếu cần thiết, CNN đưa tin. Tối 15/9, giá dầu thô giao sau trên thị trường Mỹ tăng 15%, giá xăng giao sau tăng 11%. Giá dầu thô Brent ở châu Âu tăng 18%.

Đến nay, Mỹ mới sử dụng SPR ba lần, chưa kể lần thứ 4 là ông Trump mới ra lệnh, lượng dầu dự trữ chiến lược chưa được đưa vào lưu thông.

Ba ngày trước Giáng sinh năm 1975, Tổng thống Mỹ Gerald Ford ký ban hành luật thành lập kho dự trữ dầu thô khẩn cấp đầu tiên của nước này. Vài năm trước đó, Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh cấm vận dầu mỏ.

Vào thời điểm đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) siết chặt nguồn cung dầu thô cho thế giới. Ngày nay, Mỹ la một trong những nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất, đồng thời là một nước bán nhiều dầu, chứ không chỉ đơn thuần là mua nhiên liệu như trước.

Nhưng Mỹ vẫn duy trì kho dự trữ khẩn cấp. SPR hiện có 645 triệu thùng dầu – lượng dầu dự trữ lớn nhất thế giới.

SPR là một tổ hợp gồm 4 địa điểm dọc bờ biển từ bang Texas tới Louisiana, gồm các kho chứa sâu dưới lòng đất, cách mặt đất 610-1,220 m. Lượng dầu lớn nhất mà SPR từng có là 727 triệu thùng vào năm 2009.

Mỹ đã phải dùng đến SPR trong ba dịp. Lần gần đây nhất là vào tháng 6/2011 khi bất ổn ở Libya ảnh hưởng xuất khẩu dầu toàn cầu. Lo ngại nguồn cung bị gián đoạn sẽ đe dọa nền kinh tế toàn cầu vẫn đang hồi phục sau thời kỳ Đại suy thoái, chính phủ Mỹ bán 30 triệu thùng.

SPR cũng được dùng đến năm 2005 sau khi siêu bão Katrina tàn phá cơ sở hạ tầng dầu khí của Mỹ nằm dọc vịnh Mexico.

Lần đầu tiên Mỹ sử dụng SPR là vào năm 1991 khi Mỹ tấn công Iraq với chiến dịch Bão táp sa mạc.

Việc rút dầu khỏi SPR sẽ không ngay lập tức tăng nguồn cung toàn cầu. Dầu phải được rút khỏi kho, sau đó được bán trên thị trường mua đi bán lại – một quá trình có thể mất khoảng 2 tuần.

Ngày 14/9, lực lượng phiến quân Houthi của Yemen lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công nhóm nhà máy lọc dầu trọng yếu của Ảrập Xêút. Vụ tấn công bằng 10 máy bay không người lái đã ảnh hưởng khoảng 50% năng lực sản xuất dầu mỏ của Ảrập Xêút, tức 5% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu hằng ngày.