Bệnh viêm mũi, viêm xoang có thể gặp ở tất cả các mùa nhưng với mùa lạnh sẽ gây ra khó chịu nhiều hơn bởi các triệu chứng trở nên kéo dài và tái phát cũng diễn ra nhanh hơn. Những biểu hiện của viêm mũi, viêm xoang thường gặp như hắt hơi, chảy nước mũi trong hoặc nước mũi đục, vàng khi đang ở tình trạng viêm cấp, ngứa mũi, đau nhức vùng mũi, vùng xoang, nghẹt mũi một bên hoặc cả hai bên, người mệt mỏi, có khi nhức đầu, ngứa mắt, chảy nước mắt... Khi mắc bệnh sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, công việc, học tập cũng như giao tiếp.
Theo PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh - Trưởng Bộ môn Tai Mũi Họng – Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Phẫu thuật chỉnh hình – BV Tai Mũi Họng Trung ương, bệnh lý viêm mũi, viêm xoang làm chất lượng cuộc sống của người bệnh suy giảm, chẳng hạn khi viêm mũi họng thì người bệnh thường bị ngạt mũi, đau đầu, hắt hơi, đặc biệt bệnh lý mạn tính có dịch chảy xuống có thể gây viêm phế quản mạn tính. Ở trẻ em có thể gây biến chứng ở ổ mắt, nội sọ khá nguy hiểm tuy tỉ lệ không cao nhưng quá trình điều trị các bác sĩ vẫn gặp bệnh nhân áp xe ổ mắt…
Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn - Nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai cũng cho rằng, cả mũi xoang liên quan các bộ phận bên cạnh, nếu không chữa tốt có thể gặp nhiều biến chứng, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, học tập, nghỉ ngơi, làm cơ thể suy yếu, mệt mỏi. Dựa vào các xoang tổn thương có thể gây biến chứng về mắt như viêm kết mạc, viêm túi lệ, viêm thần kinh hậu nhãn cầu, áp xe nhãn cầu... có thể mù loà.
“Biến chứng đường hô hấp từ viêm mũi xoang mạn tính gây viêm họng, viêm thanh phế quản rất nhiều, các cơ quan khác như đường tiêu hoá, khớp, thận… tổn thương ngay ở tai như viêm tai giữa, các bệnh về tai, khứu giác kém, đến các biến chứng nặng trong nội sọ như áp xe não, viêm màng não,… nếu không chữa trị có thể gây tử vong”- PGS. Đoàn cảnh báo.
Bệnh viêm mũi xoang có đặc điểm là tái đi tái lại khiến người bệnh rất khó chịu. Hiện nay, rất nhiều người dân khi thấy triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi họ thường tự mua thuốc về dùng. PGS. Cảnh khuyến cáo, mỗi bệnh có biểu hiện khác nhau và có thể cùng biểu hiện nhưng lại của nhiều bệnh nên bệnh nhân cần được bác sĩ khám, chẩn đoán chính xác.
Cách phòng tránh bệnh viêm mũi xoang
1. Luôn luôn giữ ấm là điều rất quan trọng trong mùa lạnh, đặc biệt là vùng cổ, ngực và mũi khi trời lạnh.
2. Dùng khẩu trang hoạt tính khi đi ra ngoài đường không những giữ ấm được mũi mà còn hạn chế sự xâm nhập của bụi, vi khuẩn.
3. Làm ấm vùng mũi mỗi khi tỉnh dậy vào buổi sáng bằng cách dùng hai bàn tay chụp lại hai bên vùng cánh mũi và miệng, tay xoa xoa tập thở ra hít vào, thực hiện như vậy chừng vài phút.
4. Không tắm nước lạnh mà cần tắm nước nóng, tắm nhanh trong buồng kín gió, lau thân mình và đầu, mặt, cổ thật khô và mặc quần áo ngay.
5. Vệ sinh họng, miệng hàng ngày như đánh răng trước và sau khi ngủ dậy, sau mỗi bữa ăn và súc họng nước muối sinh lý. Giữ họng và miệng không bị viêm sẽ hạn chế việc bị viêm xoang cũng như bệnh viêm xoang tái phát, bởi hệ thống xoang và các bộ phận đường hô hấp trên liên thông với nhau.
6. Những người đã bị viêm xoang mạn tính và cả người bình thường thì hàng ngày nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý và nên đi khám khi có những nghi ngờ bị, biểu hiện của viêm mũi, viêm xoang, viêm đường hô hấp. Người bị viêm xoang và viêm xoang tái phát cần thiết điều trị theo đơn của bác sĩ, không nên tự mua thuốc kháng sinh để điều trị bệnh. Vì nếu làm như vậy sẽ lợi bất cập hại, nghĩa là bệnh không khỏi mà có khi còn tăng lên hoặc gây tai biến rất nguy hiểm.
7. Trường hợp bị viêm mũi dị ứng, tái đi tái lại nhiều lần, có các biểu hiện như chảy nước mũi, ngạt mũi, điếc mũi do thay đổi thời tiết có thể điều trị và dự phòng bằng cách sử dụng các vị thuốc thảo dược có tính ấm, tính kháng sinh tự nhiên như thương nhĩ tử, kim ngân hoa, phong phong, bạc hà... để làm ấm cơ thể, tăng sức đề kháng, phòng bệnh viêm mũi viêm xoang khi mùa đông tới.