Báo India Today nói, ngoài việc làm giảm căng thẳng dai dẳng trên biên giới, ông Tập cũng sẽ đề xuất các thỏa thuận nhập khẩu nông sản từ Ấn Độ, hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao.
Đây được xem là một bước đi nhằm đối trọng với chính sách thương mại ngày càng ở thế đối kháng cũng như một chính sách ngoại giao mà trong mắt Bắc Kinh là “gây hấn”của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Theo Nikkei Asian Review, ông Tập hy vọng chuyến thăm Ấn Độ có thể diễn ra trước thời điểm tổng tuyển cử ở Ấn Độ, theo dự kiến là vào tháng 4.
Căng thẳng giữa hai quốc gia châu Á đông dân nhất và nhì thế giới bùng phát trở lại vào mùa hè năm 2017, khi binh lính đôi bên đối đầu nhau ở biên giới trong ba tháng liền.
Để giải quyết căng thẳng, chủ tịch Tập và thủ tướng Modi đã gặp nhau không chính thức nhân một sự kiện diễn ra tại Trung Quốc vào tháng 4/2018. Cả hai ông đã đồng ý tránh tiếp diễn đối đầu ở biên giới.
Chuyến thăm của ông Tập lần này cũng được cho là sẽ giúp Trung Quốc đối trọng với chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của tổng thống Mỹ Donald Trump, mở rộng quan hệ với Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và các “tay chơi” khác trong khu vực nhằm kiềm tỏa ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, mặc dù 2018 là năm Trung Quốc và Ấn Độ hàn gắn mối quan hệ, theo chuyên gia, 2019 là năm “không chắc chắn” về bang giao giữa hai quốc gia có nhiều “ân oán giang hồ” này.
Trung Quốc bước vào năm 2019 với vô số thách thức, khởi đầu là một nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết với Mỹ.
Trong khi đó, Ấn Độ dự kiến cũng có một năm nhiều đổi thay, với cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Vì thế mối bang giao của New Delhi và Bắc Kinh trong chuyến thăm của ông Tập lần này được xem là cũng chỉ dừng lại ở những đầu việc không mang tới những thay đổi cơ bản hay làm gián đoạn tình hình hiện tại.
Khi ông Tập gặp ông Modi ở Astana (Kazakhstan) hồi tháng 6/2017, họ đã vạch ra hai điểm chính làm nền nguyên tắc trong quan hệ song phương. Thứ nhất là các khác biệt không nên trở thành tranh chấp và thứ hai là trong một thế giới bất định, cả hai nước có thể trở thành nhân tố của sự ổn định.
Tuy nhiên, ngay trong thương mại, Trung-Ấn đã có nhiều khác biệt, ít nhất là về quan điểm. Theo học giả Ananth Krishnan (Viện Brookings Ấn Độ), các quan chức Ấn Độ tin rằng họ đã mở cửa thị trường trong khi Trung Quốc vẫn “đóng cửa im ỉm”, trong khi đó Trung Quốc lại muốn đa dạng hóa nguồn hàng nông sản, ví dụ như đậu tương và hạt cải dầu.
Trong cuộc gặp tại Vũ Hán tháng 6/2018, ông Modi đã “ép” ông Tập mở cửa cho các loại gạo của Ấn Độ, bên cạnh đường và dược phẩm. Nhưng việc này vẫn đang được đàm phán, theo SCMP. Nhiều công ty Ấn Độ cũng đang coi chương trình nâng cấp năng lực công nghiệp và công nghệ “Made in China 2025” của Trung Quốc là cơ hội, thay vì là một mối đe dọa như các nước phương Tây (nhiều chuyên gia nói đây mới chính là mục tiêu của cuộc chiến thương mại mà Mỹ phát động).
Tuy nhiên, sự không chắc chắn trong quan hệ song phương còn thể hiện ở mối quan ngại của Ấn Độ (và nhiều nước láng giềng) xung quanh Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
New Delhi đã không phái quan chức cấp cao tới diễn đàn được tổ chức lần đầu tiên về sáng kiến này tại Trung Quốc vào năm 2017. Có một điều khá chắc chắn là tại diễn đàn Vành đai và Con đường dự kiến diễn ra vào mùa hè năm nay, sẽ không còn nhiều sự lạc quan như hội nghị đầu tiên được tổ chức hai năm trước, trước tình trạng nợ nần của nhiều quốc gia tham gia.
“Về phần mình, Ấn Độ vẫn đang mở rộng mối quan hệ với các nước tương đồng về tư tưởng, cùng chia sẻ mối lo ngại dài hạn về sức mạnh cơ bắp của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là trên biển, như Nhật Bản, Australia, Indonesia và Mỹ. Điều chắc chắn là sẽ có một năm không chắc chắn (trong quan hệ Trung-Ấn) ở phía trước”, ông Krishnan viết trên SCMP.