Mùa cao điểm du lịch 2021: Không 'chạy theo' giảm giá

TP - Nhà nhà đua nhau xúc tiến, quảng bá du lịch chuẩn bị đón mùa cao điểm từ cuối tháng 4 này, bởi khách nội địa vẫn là cứu cánh. Thế nhưng các nhà làm du lịch chỉ ra rằng không thể chạy theo câu chuyện giảm giá hút khách nữa.
Du lịch nghỉ dưỡng biển, khám phá thiên nhiên vẫn là ưu tiên hàng đầu của khách nội địa. Ảnh: KỲ SƠN

Xu hướng bất ngờ

Đầu tháng 4 là thời điểm rục rịch vào mùa cao điểm du lịch nội địa. Dịch bệnh khiến cho tâm lí du khách thay đổi không ít. Tại khu du lịch Cát Bà (thị trấn Cát Bà, Cát Hải, Hải Phòng) lác đác khách tới nghỉ dưỡng trong tuần. Dịp cuối tuần chưa đầy nghìn khách đổ về đây, chủ yếu chọn khu nghỉ dưỡng 5 sao còn những địa chỉ lưu trú từ 3 sao đổ xuống vẫn đóng cửa. Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours nhận định, do ưu đãi từ đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú nên khách vẫn nghiêng về lựa chọn dịch vụ cao cấp hơn là bình dân.

Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) vừa thực hiện xong khảo sát tâm lí và hành vi khách hàng mới nhất, quy mô sâu rộng hơn và đưa ra nhiều phát hiện thú vị. Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký TAB có phân tích bước đầu tại tọa đàm trực tuyến ngày 4/4 do Trung tâm đào tạo du lịch thực tế PRATO tổ chức. Theo đó, bên cạnh xu hướng của khách Việt sau COVID-19 đặc biệt quan tâm an toàn và an ninh chuyến đi, còn là mong muốn được hưởng chính sách linh hoạt trong việc hoãn, hủy tua khi dịch bệnh bùng phát. Nhu cầu này còn cao hơn so với nhu cầu giảm giá tua.

Du lịch nghỉ dưỡng biển, khám phá thiên nhiên vẫn là ưu tiên hàng đầu của khách nội địa. Ảnh: KỲ SƠN

“Có khoảng 44% người trả lời cần chính sách linh hoạt, nhiều hơn nhu cầu giảm giá (32% người khảo sát muốn giảm giá), 22% người muốn có điểm du lịch mới, 14% quan tâm sản phẩm du lịch mới. Chính sách linh hoạt trong hoãn, hủy tua được nhiều người quan tâm hơn, không có nghĩa các doanh nghiệp không cần tìm ra sản phẩm mới, nhưng đó không phải yếu tố quá quan trọng trong giai đoạn hiện nay”, ông Chính phân tích.

Từng lận đận với chuyến du lịch hè 2020, chị Đoàn Thu Hà (Cầu Giấy) kể gia đình chị phải đổi lịch trình tới ba lần do chuyến đi tới Đà Nẵng rơi đúng thời điểm thành phố bùng phát thành ổ dịch. “Tôi không gặp khó khăn gì khi đề nghị khách sạn điều chỉnh thời gian nghỉ dưỡng kế tiếp, tuy nhiên rất vất vả để được hưởng chính sách đổi vé và hoàn tiền từ phía hàng không. Chính vì thế hè này khi gia đình lên kế hoạch đi Phú Quốc, tôi chọn rất kỹ đơn vị cung cấp dịch vụ đưa ra chính sách linh hoạt về tua”, chị Hà nói.

“Chúng tôi chú trọng làm mới sản phẩm. Chẳng hạn khách đi cáp treo có thêm bữa ăn tự chọn, xe vận chuyển từ loại bình thường thành xe cao cấp hoặc nâng hạng phòng lưu trú cho khách. Tại các điểm du lịch như Sa Pa, Bà Nà (Đà Nẵng), núi Bà Đen (Tây Ninh) hay Hòn Thơm (Phú Quốc)... đều đưa thêm các yếu tố mới hấp dẫn về cảnh quan, sản phẩm”.

Bà Trần Nguyện

Không thể chỉ tập trung giảm giá

Trưởng Ban Thư ký TAB khuyến cáo các doanh nghiệp lữ hành trước khi tính tới chuyện tiếp tục giảm giá thì cần tìm ra nhu cầu, mong muốn cấp thiết của du khách. Về các điểm đến ưa thích, Đà Nẵng là một trong những địa phương được tìm kiếm nhiều nhất trong khi Hà Nội mất vị trí Top 10 điểm được khách tìm kiếm. Có tới 63% du khách mong muốn được trải nghiệm ẩm thực. Du lịch là sự cộng hưởng và phối hợp của nhiều bên, vì thế các doanh nghiệp lữ hành, nhà cung cấp vận chuyển, dịch vụ lưu trú và ăn uống càng cần ngồi lại với nhau để đưa ra chính sách phù hợp nhất cho du khách.

“Giá cả không phải yếu tố quyết định nữa, vì thế các doanh nghiệp cần tính toán lại. Nhiều khách hàng thân thiết của chúng tôi nói rằng họ rất ngại nếu mua vé nhưng không được hoàn, hủy khi dịch bệnh xảy ra”, ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO cty AZA Travel nêu. Ông Đạt là một trong số người chủ trì tọa đàm tìm lối đi cho doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ sáng 4/4, thu hút gần trăm CEO các doanh nghiệp du lịch. Từ đợt COVID-19 đầu tiên bùng phát tới nay, các doanh nghiệp lữ hành, hàng không, lưu trú đưa ra mức giá rất thấp và đạt đến ngưỡng không thể giảm giá hơn nữa. Ông Đạt đề xuất giải pháp gia tăng dịch vụ để khách có cơ hội trải nghiệm sản phẩm chất lượng nhất thay vì thi nhau giảm giá dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh,

“Từ năm ngoái đến nay, giá thị trường cung cấp dịch vụ du lịch đã đạt tới mức sàn rồi, nếu tiếp tục giảm giá sẽ phá vỡ thị trường và rất khó trở lại mức cân bằng cũ. Doanh nghiệp nhiều khi mở cửa phục vụ khách còn thua lỗ hơn là không làm gì. Giảm giá tiếp tục không phải cách thức hay. Chúng tôi nghĩ năm 2021 chính sách kích cầu cần thay đổi, thông điệp chính là du lịch nội địa tiếp tục là nguồn lực quan trọng, đề cao trải nghiệm cho khách. Du khách đang chi trả ở mức 3 sao nhưng được hưởng cơ sở vật chất và dịch vụ 4-5 sao. Năm nay các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nâng cao chất lượng dịch vụ. Nếu trước đây lấy lí do cao điểm để vừa bán vừa mắng khách vẫn đắt hàng, thì nay không tiếp tục cách thức cũ nữa. Chúng ta phải cải thiện dịch vụ để khách Việt thấy thời điểm này họ du lịch là hoàn toàn xứng đáng, bởi họ đang tiếp cận nhiều dịch vụ trước đây chỉ dành cho khách quốc tế”, bà Trần Nguyện, Giám đốc kinh doanh Sun World (Sun Group) nói.

Nhiều chủ doanh nghiệp lữ hành đồng tình chuyện làm mới mình, đưa ra sản phẩm khác biệt thay vì chăm chăm vào chính sách giá. Giá tua không giảm quá nhiều nhưng khách lại được cộng thêm các dịch vụ đi kèm, chẳng hạn khách nghỉ dưỡng có thêm các bữa trưa, bữa tối khi đặt phòng. “Chúng tôi chú trọng làm mới sản phẩm. Chẳng hạn khách đi cáp treo có thêm bữa ăn tự chọn, xe vận chuyển từ loại bình thường thành xe cao cấp hoặc nâng hạng phòng lưu trú cho khách. Tại các điểm du lịch như Sa Pa, Bà Nà (Đà Nẵng), núi Bà Đen (Tây Ninh) hay Hòn Thơm (Phú Quốc)... đều đưa thêm các yếu tố mới hấp dẫn về cảnh quan, sản phẩm”, bà Trần Nguyện nói.