Cùng là nguồn lây nhiễm giun sán, nhưng sau hàng loạt cảnh báo, các món tiết canh, thịt cá chế biến sơ sài đã bị nhiều người tẩy chay thì thói quen ăn rau sống đúng cách vẫn còn bị nhiều người lơ là, xem thường.
Chớ “coi thường” rau sống
Anh Nguyễn Thanh Hoàn 38 tuổi ở Q.Tân Bình, Tp.HCM là người đặc biệt thích ăn rau sống. Bữa ăn của anh có thể thiếu thịt cá nhưng không thể thiếu rau và nhất là rau sống, vì theo như cách anh nói “bữa ăn không có rau xót bụng lắm”.
Vợ anh vẫn hay tự hào cùng hàng xóm về tính dễ nuôi đó của chồng. Nhưng đang yên đang lành thì anh Hoàn bỗng bị đầu đau như búa bổ, mặt thì phù, mắt thì từ mờ dần chuyển sang bị lồi... Đi khám nhiều nơi, anh được chẩn đoán hết bệnh tim, rồi đến đau thận, rồi rối loạn tuần hoàn não... mỗi nơi anh đến khám bác sỹ lại cho một kết quả bệnh khác trước.
Chỉ đến khi được chụp khám mắt, anh mới được phát hiện đang bị ấu trùng sán lợn đóng kén ở mắt và nguồn lây bệnh được cho là do những đĩa rau xanh mướt mát trên mâm cơm của anh mỗi ngày.
Rau trên cạn cũng có bệnh
Đối với rau nhiễm vi khuẩn và ký sinh trùng việc xét nghiệm và phát hiện rất khó khăn, đòi hỏi phải sử dụng nhiều kỹ thuật cao, có nhiều thời gian mà không phải phòng thí nghiệm nào cũng làm được. Nếu chỉ rửa sạch rau hoặc nấu rau chưa chín thì nguy cơ bị nhiễm giun sán gây nên các bệnh như u gan, u não, động kinh, mù mắt, suy tim, sa trực tràng rất cao.
PGS. TS. Nguyễn Văn Đề, Chủ nhiệm khoa Ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội cho biết nhiều người cho rằng chỉ các loại rau trồng dưới nước mới nhiễm ký sinh trùng. Tuy nhiên, thực tế rau trồng trên cạn cũng bị nhiễm. Đó là do tập quán tưới rau bằng nước thải sinh hoạt gồm nước bẩn từ chất bài tiết của con người, nước vệ sinh từ nhà bếp, nước từ mương ao, cống rãnh nhiễm bẩn…
Không gì bằng ăn chín, uống chín
Trong bối cảnh chất lượng và vệ sinh rau xanh đang bị thả nổi như hiện nay, PGS. TS. Nguyễn Văn Đề cho biết thói quen sử dụng thuốc tím, máy rửa ozon, nano, nước muối... để rửa rau xanh là tốt. Nhưng, nếu rau đã bị nhiễm nhiều vi khuẩn Coliforms, E.Coli hay các ấu trùng giun sán thì dù có rửa dưới vòi nước mạnh cũng chỉ giảm được số lượng chứ không thể hết vi khuẩn.
Nước muối cũng không thể làm sạch rau vì nếu không biết cách pha đúng theo tỷ lệ thì nó không phải là chất diệt khuẩn. Thuốc tím có tác dụng sát khuẩn tốt nhưng hay để lại tồn dư trên rau nên có thể gây bệnh ung thư cho người dùng.
Phương pháp sục ôzon, nano nghe qua có vẻ tân tiến, hiện đại nhưng hiện vẫn chưa có cơ sở khoa học chứng minh là có khả năng diệt được khuẩn.
Chính vì những lý do đó mà phương pháp “cổ truyền” ăn chín-uống sôi vẫn là cách bảo vệ sức khỏe an toàn nhất hiện nay mà mọi người có thể yên tâm áp dụng.
Cách sử dụng rau sống an toàn
PGS.TS. Nguyễn Văn Đề cho biết, để hạn chế "bệnh vào từ miệng" khi dùng rau sống, mọi người nên lưu ý:
- Chỉ nên chọn các loại rau xanh tại các của hàng rau sạch, rau có kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng.
- Tận dụng những chậu đất quanh nhà, khoảng đất trống trong vườn để trồng rau xanh an toàn cho gia đình.
- Không nên chon những loại rau có màu sắc xanh mướt mỡ mang bất thường, vì đó là dấu hiệu bón nhiều phân đạm.
- Không nên sử dụng rau có dấu hiệu ngả màu vàng úa vì chúng đã bắt đầu hỏng cần phải loại toàn bộ. Không nên nhặt những lá rau tươi còn lại để sử dụng, rất có thể vi khuẩn từ rau hỏng đã xâm nhập sang mà bằng mắt thường bạn không thấy được.
- Rửa nhiều nước sạch nhất là rửa trực tiếp từng lá một dưới vòi nước là biện pháp hiệu quả nhất để loại bỏ trứng giun, vi khuẩn gây bệnh và dư lượng hóa chất bám trên rau.