Paul Pfander, một trong những người huấn luyện đại bàng săn mồi giỏi nhất Kazakhstan, cho biết đi săn cùng đại bàng là một phong tục phổ biến ở nước này và những quốc gia lân cận như Kyrgyzstan.
Hiện cả nước Kazakhstan chỉ có khoảng 50 thợ săn cùng đại bàng, một số ít người vẫn duy trì cuộc sống bằng việc đi săn.
BBC cho biết những thợ săn Kazakhstan thường hoạt động vào mùa đông, khi nhiệt độ có thể xuống tới âm 40 độ C. Các thợ săn thường đi theo nhóm chứ hiếm khi hoạt động đơn lẻ.
Một cuộc đi săn có thể kéo dài nhiều ngày. Họ cưỡi ngựa đi qua những rặng núi tuyết để phát hiện con mồi.
Khi phát hiện một con cáo, các thợ săn cưỡi ngựa chạy xung quanh để bao vây con mồi. Sau đó, họ thả đại bàng để nó tấn công trực tiếp con mồi. Nếu những đòn đầu tiên chưa đủ hạ gục con cáo, các thợ săn mới tiếp tục thả đại bàng thứ hai.
Đại bàng vàng là một trong những giống chim săn mồi lớn nhất thế giới, có thể tấn công con mồi lớn như chó sói, tốc độ bay khoảng 200 km/giờ. Móng vuốt chắc khỏe và chiếc mỏ sắt nhọn chính là vũ khí lợi hại của đại bàng.
Người Kazakhstan không nuôi nhốt đại bàng, mà họ bắt đầu đem chúng về huấn luyện từ khi mới ra đời. Những thợ săn thường chọn một con đại bàng cái để đồng hành trong các chuyến đi vì kích thước lớn của chúng.
Một con đại bàng trưởng thành có thể nặng đến 7 kg, sải cánh hơn 230 cm. Sau nhiều năm gắn bó, thợ săn sẽ phóng thích con đại bàng về với tự nhiên, quà chia tay là những miếng thịt cừu lớn.
Những bé trai Kazakhstan bắt đầu học cách làm thân với đại bàng từ khi 13 tuổi. Trong khi đó, cô bé Ashol-Pan là một trong số ít những nữ thợ săn ở đất nước này. Bố của Ashol-Pan cũng là một thợ săn cừ khôi của bộ tộc.