Bảo vệ doanh nghiệp nước ngoài
Nhắc lại sự hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hà Lan mấy trăm năm trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, từ thế kỷ 17, các đội tàu buôn Hà Lan đã lập chi nhánh tại Hội An, nay là di sản văn hóa thế giới. Các doanh nhân Hà Lan cũng là những thương nhân đầu tiên có mặt làm ăn tại Phố Hiến (Hưng Yên) mấy thế kỷ trước.
“Doanh nhân Hà Lan là những người tiên phong trong giao thương Việt Nam, tổ tiên các bạn là những người rất nhạy bén trong quan hệ làm ăn với Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Việt Nam có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản chất lượng cao, cây lương thực, dược liệu… Trong khi đó, các doanh nghiệp Hà Lan rất giỏi trong chế biến sâu, xuất khẩu, phân phối như Unilever và muốn đẩy mạnh hợp tác để nông sản Việt tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. “Chính phủ Việt Nam chắc chắn đồng hành, chia sẻ, bảo vệ các bạn và coi thành công của các bạn là thành công của chúng tôi”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Ông Lodewijk Asscher, Phó Thủ tướng Hà Lan, cho rằng, việc ký kết các thỏa thuận là rất tốt nhưng quan trọng hơn là làm sao để người dân được lợi từ chúng. “Việt Nam là một thị trường tiêu dùng khổng lồ, với rất nhiều lợi thế”, ông Asscher nói. Hà Lan có lợi thế trong quản lý cảng, quản lý nguồn nước, an toàn thực phẩm và nhiều kinh nghiệm ứng phó biến đổi khí hậu, có thể hợp tác, giúp đỡ Việt Nam.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan Michael van Straalen, Hà Lan và Việt Nam cùng có nền nông nghiệp, ngư nghiệp truyền thống, nhiều kênh rạch rộng khắp. “Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa và hạn chế biến đổi khí hậu. Chúng ta có thể bắt tay nhau một cách hữu nghị và hợp tác để cùng phát triển”, ông Straalen nói.
Nghiên cứu mô hình thành phố sân bay
Tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời các câu hỏi của nhiều nhà đầu tư Hà Lan. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam có chính trị, xã hội ổn định, môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện, nguồn lao động trẻ dồi dào… Việt Nam đang phối hợp tích cực với Hà Lan để khắc phục vấn đề biến đổi khí hậu. “Đồng thời cải thiện môi trường đầu tư, cạnh tranh hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài”, người đứng đầu Chính phủ nói.
Về việc xây dựng thành phố thông minh và thành phố sân bay, trao đổi với các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, Việt Nam đang nghiên cứu nghiêm túc để áp dụng, phát triển thành phố thông minh. Thủ tướng mong đối tác Hà Lan chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này, nhất là trong bối cảnh tới đây, mô hình này sẽ được xây dựng tại Bình Dương. Đây không đơn thuần là vấn đề giao thông, mà còn là vấn đề liên quan người dân, chính sách...
Về thành phố sân bay, Thủ tướng cho rằng, đột phá của ngành hàng không hiện nay là xây dựng các cảng hàng không hiện đại. Các mô hình thành phố sân bay thân thiện môi trường rất được quan tâm tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu mô hình này. Thủ tướng hy vọng đối tác Hà Lan giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam.
Tăng cường ứng dụng công nghệ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Đại học Wageningen, nói chuyện với sinh viên Việt Nam đang theo học tại đây và thăm Viện nghiên cứu An toàn thực phẩm Arikilt. Thủ tướng đặt câu hỏi tại sao Hà Lan chỉ có 17 triệu dân, diện tích nhỏ, chịu ảnh hưởng lớn về biến đổi khí hậu nhưng giá trị xuất khẩu nông sản lại gấp 3 lần Việt Nam? Theo Thủ tướng, thành tựu mà Hà Lan đạt được bắt nguồn từ việc áp dụng khoa học kỹ thuật. “Chúng ta phải đi từ khoa học công nghệ, ứng dụng vào đời sống, từ quản lý cho đến sản xuất... Những đề tài các sinh viên nghiên cứu rất thiết thực, mong các em sẽ tiếp tục nỗ lực trở về đóng góp cho đất nước”, Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng đề nghị Đại học Wageningen cùng các trường đại học Việt Nam thành lập một số trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là chăn nuôi, rau quả. Hỗ trợ Việt Nam phát triển chuỗi chăn nuôi gia súc, gia cầm, kiểm soát dịch bệnh, chế biến thức ăn, giết mổ, xử lý chất thải...