Một lần Khang đang nhậu với Hùng dịp tất niên thì cậu ấy có điện thoại, cậu nói đó là một chị bạn trước đây cùng học tiếng Pháp, lâu không gặp nhau nên rủ đến nhậu luôn.
Lát sau, một cô gái trông khoảng chừng ngoài ba mươi xuất hiện, cô hơi đậm người, ăn mặc đơn giản, mái tóc dài uốn xoăn nhẹ nhàng, mặt không điểm trang, đeo một chiếc túi to màu lông chuột rất ấn tượng. Hùng nói chị Yến làm cho một công ty nước ngoài, nếu anh cần thuê diễn viên Tây, Tàu, Nhật…thì cô ấy lo được. Sau buổi nhậu Khang xin điện thoại của Yến và tình yêu kiểu tiếng sét ái tình đã đến.
Khang yêu Yến đã được hơn một tháng, anh tin vào tình yêu của Yến một cách tuyệt đối. Yến là người từng trải, đã có một đời chồng nhưng may mà chưa có con, Yến có một căn hộ chung cư và một công việc kha khá. Cô không còn trẻ nên nhìn tình yêu một cách thực tế và rành mạch hơn, Yến nói sau khi chia tay “tập 1”, cô đã từng nghĩ sẽ chẳng bao giờ lấy chồng nữa...
Khang có cái nghề đặc biệt, anh tự gọi là nghề lang thang. Quả thế, chẳng mấy khi anh ở nhà vì đoàn phim đi quay ở đâu anh phải có mặt ở đó lo cho đoàn phim ăn, ở, uống…thậm chí cả việc yêu đương hò hẹn của những diễn viên. Anh có thể có những mối tình chóng vánh, có thể có những khoản tiền to to, có thể có những mối tình nho nhỏ? rồi tất cả cũng biến mất nhanh chóng theo những chuyến đi của anh.
Khang là người nhạy cảm, anh dễ bị tổn thương nhưng đôi khi anh cũng làm người khác dễ tổn thương và kết quả là anh lại chìm vào sự đau khổ, sự cô độc mỗi khi anh về ngôi nhà nhỏ của mình. Khi uống rượu say anh luôn thấy cô đơn, khi đó những người phụ nữ thường được anh mang ra so sánh, đong đếm.
Anh biết như thế thật không phải với họ nhưng biết làm sao được, say mà. Hơn một tháng kể từ ngày yêu Yến, Khang thấy lòng ấm áp hơn, cô quan tâm tới anh từng chút, không gặp được thì nhắn tin gọi điện kiểu “cần thêm anh hỏi han cho giấc trưa em yên lành”. Nếu chẳng may nhắn tin lúc gần sáng thì “đêm qua chưa mà trời sao vội sáng…” hay “Ôi, mối tình nho nhỏ của em!”.
Một hôm đi uống cà phê, Yến bảo hôm nay là ngày tròn năm năm bọn em ly dị. Ngày xưa, trước khi cưới, chồng cũ của em nói khi nào có em bé đăng ký kết hôn cũng được, nhưng em cứ khăng khăng đòi phải đăng ký kết hôn luôn, rồi em giữ tờ giấy đó như giữ vàng, thậm chí cứ nghĩ cái giấy ấy được dệt bằng kim cương hay sao í, quý vô cùng.
Thế rồi, uỵch một cái đưa nhau ra tòa, tòa hỏi lý do chia tay, cả hai trả lời lăng nhăng nên đến khổ với tòa án. Thôi, cũng may, biết đâu đó là sự giải thoát thông thái. Và khi anh ấy đến với người khác em có cảm giác vui nhiều hơn là buồn vì em cảm thấy cô ấy phù hợp với anh ấy lắm, hình như họ đã tìm được một nửa của đời mình.
*
Những ngày có Yến thật thú vị, Yến đến nấu ăn, cắm hoa, cô dúi vào tay anh những cuốn tiểu thuyết xinh xắn nói là để đọc mỗi khi chờ đợi những người đàn bà lỗi hẹn...? Khang thấy vui, đôi khi như thể anh đang lãng du trên mây. Rồi một đêm kinh hoàng đã đến. Bỗng dưng Yến đùng đùng nói chia tay. Anh nằm trằn trọc mãi không sao chợp mắt được. Lục lại trí nhớ xem mình có làm gì cho Yến phật lòng không. Chắc không, chỉ có vài lời hứa nho nhỏ mình chưa kịp thực hiện thôi mà.
Sáng nay anh gặp lại một người bạn gái là phóng viên, gọi là bạn nhưng nhỏ tuổi hơn anh nhiều. Khang bảo cô bạn rằng anh cần cô làm mối cho anh, cô ấy bảo anh chia tay tình yêu như thay áo, ai mà dám mối mai...? Khang thật thà chia sẻ: “Nhưng anh cần thực sự vì đêm qua anh vừa bị người yêu bỏ rồi. Anh thực sự sốc, em biết không, anh và cô bé ấy yêu nhau được hơn một tháng, cô ấy cứ làm sùng sục lên, anh tưởng cô ấy nhận lời cưới anh đến nơi rồi, vậy mà đùng một cái đêm qua bỗng dưng nhắn tin là em không thể cưới anh được vì anh nhiều con quá. Thực tế, hai người vợ trước của anh chỉ có 4 con, mà anh đã ly dị cả hai rồi, nó có phải nuôi đứa nào đâu mà sợ anh nhiều con. Anh sốc quá”.
Cô bạn che miệng cười và nói đại ý cô nào thần kinh thép mới dám cưới anh. Khang hỏi vì sao thì cô phóng viên bảo vì anh chẳng thuộc loại nào theo như cô ấy phân loại. Cô ấy bảo đàn ông chỉ có hai loại thôi, một loại tử tế thì không thú vị, một loại thú vị thì không tử tế nhưng cô thấy anh dở dở, ương ương chả biết xếp vào loại nào cho vừa. Khang bảo biết thế không chơi thân với hội viết lách, lắm chữ, lí luận nhiều mệt óc.
Một lát Khang hỏi lại, nếu em thì em chọn loại nào, cô ấy bảo em thích đàn ông thú vị, tử tế hay không là do mình quan niệm mà thôi, đàn ông “ba hào một mớ”. Nghe giọng cô này thì biết, cũng na ná với Yến, chả coi đàn ông ra gì cả. Yến thường nói đàn ông đẹp trai thì hợm hĩnh và nhạt nhẽo, đàn ông giỏi giang và bận bịu thì hay bị “yếu”, đàn ông bất tài thì thường ảo tưởng và chấp nhặt, đàn ông cẩn thận kỹ càng thì hay keo kiệt...?
Khang hỏi lại còn đàn bà thì sao, Yến bảo em chả biết, em thấy hội em đều như nhau cả, một loại ghen như điên và một loại chả buồn ghen, loại nào thì cũng có thể bị chồng “xỏ mũi” cả. Một loại đẹp và một loại không, nhưng cả hai loại đều có những đặc tính của đàn bà.
Yến kể về người chồng đầu tiên của cô, đó là một anh chàng đẹp trai nhưng hợm hĩnh, anh ta luôn ảo tưởng nên không biết mình là ai, anh ta không cần tiền và cũng chẳng làm ra tiền, anh ta chẳng cần gì ngoài những sở thích của anh ta. Anh ta luôn mặc đẹp, xức nước hoa để lấp đi mùi mồ hôi dầu của mình, anh ta chê vợ béo trước mặt bạn và nếu không đến kỳ thì không ngủ với vợ để xem bóng đá cho thỏa thích.
Anh ta có thể hỏi tiền nước, tiền điện, tiền điện thoại, tiền ga, tiền vệ sinh, tiền an ninh là bao nhiêu… nhưng anh ta không đưa lương cho vợ hàng tháng. Anh ta có thể than phiền vợ bừa bộn mà không biết cô ta không có thời gian để dọn dẹp, anh ta nói Yến hay để lẫn đồ lót vào ngăn quần áo của anh ấy, điều ấy là không chấp nhận được.
Anh ta có thể tắt tivi khi vợ đang xem chương trình cô ấy yêu thích nhưng hễ cô ấy chuyển kênh bóng đá là anh ta nhảy ngược lên... sau đó, nhà có hai người Yến sắm hai thứ, cái gì cũng hai, hai ti vi, hai điều hòa, hai giường ngủ, hai máy tính, hai tủ quần áo... và kết thúc là hai người chia hai ngả.
Yến kể, sau đó cô rút kinh nghiệm nên đã yêu một anh không mấy đẹp trai cho an toàn nhưng anh này ghen như điên. Đàn bà ghen, có người ghen như một thứ bệnh hoạn người ta còn chẳng thèm chấp, ai đời đàn ông ghen cứ như thể anh ta mới biết ghen, còn thiên hạ đứt dây thần kinh ghen hết cả rồi.
Yến sợ hết hồn đành dẹp chuyện yêu đương lại. Cô cứ nghĩ, người ta bảo phụ nữ đẹp mới vất vả đường tình duyên, ông trời thương đã cho mình nhan sắc trung bình mà sao vẫn long đong, lận đận. Có lần, nửa đêm nghe bài hát “Thương lắm tóc dài ơi” mà Yến rớt nước mắt.
Công việc của Yến khá bận rộn, chỉ được nghỉ ngày Chủ nhật, có hôm đi chợ hoa mua hai mớ hoa hồng, tất cả là một trăm bông về chia làm hai lọ rồi say sưa ngắm. Mùi hương của nó chả khác nào mùi D&G Rose the one, mới biết công nghệ nước hoa quả là tuyệt diệu.
Một vườn hồng trong nhà, Yến thấy người bỗng vui lâng lâng. Đêm, đóng cửa kín để bật điều hòa, Yến chìm vào giấc ngủ mộng mị sáng hôm sau mãi mới dậy được cứ tưởng mình chết rồi... có hôm Yến tự thưởng cho mình bằng cách đi mua đồ lót rồi đến khi về nhà lại thấy phí tiền vì chẳng có ma nào nhìn. Yến tự nhủ cô có hai sở thích mà không ai biết đó là mỹ phẩm và đồ lót, chí ít mỹ phẩm cũng còn lộ ra mặt còn đồ lót chả ai nhìn thấy cả.
* *
*
Từ hôm Yến nói chia tay, Khang cứ thấy người bứt rứt kinh khủng. Anh thấy việc chia tay đó không thỏa đáng, anh chả có lỗi lầm gì cả, chả có lý do nào rành mạch cả. Vì anh nhiều con ư, một lý do vô lý hết sức.
Sau Yến, một rung cảm nho nhỏ cũng đến, nhưng rồi cô ấy lại vụt biến mất khi thấy anh lúc lang thang, lúc hớt hải, tối mắt tối mũi nghe điện thoại, lo cho những đoàn phim lên đường, anh sai hẹn liên tục, cô ấy không thích mình bị xếp thứ hai sau công việc. Rồi đến khi cô ấy biết lý do hớt hải của Khang là đầu tháng nào cũng phải vào ngân hàng chuyển tiền cho hai người vợ cũ và bốn đứa con thì cô ta lặn không thấy sủi tăm. Một mối tình nho nhỏ (nói theo ngôn ngữ của Yến) lại đi qua.
Đêm là khoảng thời gian ồn ào đối với Khang mỗi khi đi theo đoàn phim, đó là lúc ăn nhậu, cà phê, đánh bài, tán gẫu, cũng có khi quay đến 1-2 giờ sáng... anh đã chứng kiến nhiều xúc cảm bất ngờ, nhiều cuộc tình vội vã, nhiều nỗi buồn quẩn quanh những cuộc vui. Sau mỗi đợt quay, anh trở về căn hộ nhỏ của mình, lại chống chếnh, lại cô đơn.
Như một thói quen, thỉnh thoảng anh vẫn nhắn tin cho Yến, Yến toàn cười hí hí qua điện thoại mỗi khi anh nhắn tin hỏi: “E khỏe không”; Yến sẽ trả lời “hi hi! E vẫn đang yêu, còn anh”; “A khỏe, nhưng vừa chia tay với một mối tình nho nhỏ”; “hi hi. Tiếc nhỉ!”.
Mấy bận nhậu cùng Hùng, Hùng nói, anh có định đổi sự cô đơn lấy sự ràng buộc nữa không? Khang thường trả lời “Chắc khó, họ toàn bỏ rơi mình vì tội mình nhiều con”. Khang hỏi, dạo này có gặp chị Yến không, Hùng bảo chị ấy bận lắm nên cũng ít gặp. Khang bảo “Chị ấy nấu ăn rất ngon đấy”. Hùng nói “Em biết”.
Đêm là khoảng thời gian anh nhớ Yến nhiều nhất, dù trước đây hai người gần nhau ít và vội vã nhưng Khang thấy như thể anh đã biết Yến từ rất lâu rồi, anh thấy hơi thở của Yến có một ma lực đặc biệt đối với anh, một hơi thở thơm, ấm và gợi tình...
Anh dằn vặt mình, anh luôn tìm lý do vì sao Yến bỏ anh, hay tại anh hứa đưa cô đi chơi xa mãi mà không thực hiện, hay tại anh bảo mua kem dưỡng da cho cô rồi cứ quên.?Anh lại tự tặc lưỡi, chắc là lý do nào đó đại loại như thế chứ nhất định không phải là vì mình nhiều con.
Yến cũng nghĩ đến Khang, nhưng thực sự không nhiều, có một chút dằn vặt, một chút thương, một chút buồn nhưng không đủ để thành bi lụy. Đối với Yến, đàn ông không thú vị cô quên rất nhanh dù họ có địa vị hay giàu có đến đâu. Cô sợ những gương mặt nhẵn nhụi, sợ những nụ cười hơ hớ mà đôi mắt vô hồn.
Đối với cô có ba loại đàn ông cô không ưa được đó là loại cố chấp kiểu đàn bà, hai là loại keo kiệt, bủn xỉn, ba là loại tìm cách thăng tiến bằng mọi giá. Nếu cứ thấy đàn ông bộc lộ những đặc điểm ấy là cô “ba mươi sáu chước, chước chuồn là hơn”.
Tuy ở Khang không bộc lộ điểm gì cụ thể như vậy nhưng sự nhạt nhẽo của Khang khiến Yến thấy đơn điệu kinh khủng và hơn một lần cô thấy mình bị tổn thương mặc dù Khang chẳng có tội lỗi gì to lớn.
Còn Khang, anh vẫn bị quấn trong cái mớ bòng bong là làm chủ nhiệm phim, công việc tủn mủn không tên, đi như ngựa vía suốt ngày, điện thoại di động nghe đến nóng cả máy, đôi khi thèm một nụ cười và đôi bàn tay mềm của người đàn bà mình yêu nhưng nó vụt biến mất khi hai chiếc điện thoại di động cùng đổ chuông một lúc.
Nói theo ngôn từ của một nhà thơ là anh chưa “bội thực” đàn bà nhưng đôi khi anh thấy họ làm anh chán ngán, họ ghen tuông lặt vặt, giận hờn vô cớ, đòi hỏi quá đáng... Hình như họ tầm thường hơn anh nghĩ thì phải, hình như họ toan tính nhiều hơn cảm tính, nhiều khi họ nhạt nhẽo đến vô duyên... nghĩ vậy, nhưng anh vẫn trừ Yến ra, rõ ràng Yến là một người đàn bà đặc biệt.
Một buổi chiều cuối năm, dù còn một tháng nữa mới đến Tết nhưng trên đường về nhà Khang đã thấy lòng nao nao khi những người bán rong đã bán nhiều đồ cho Tết nguyên đán sắp tới như đồ vàng mã, măng khô, hương trầm, hoa lụa và những chữ An, Khang, Thịnh, Vượng bằng nhựa đỏ vàng óng ánh... Về nhà, Khang đặt lưng định ngủ thì Yến nhắn tin muốn gặp, anh vội vàng bật dậy mặc áo quần tươm tất.
Đến quán cà phê Yến hẹn, anh gần như không nhận ra Yến, thân hình cô thon gọn hơn rất nhiều, mái tóc cắt ngắn trẻ trung, cô điểm trang ấn tượng. Cô nói chút nữa sẽ có một người nữa đến, đó là người mà cô sẽ tổ chức đám cưới vào tuần tới. Khang lặng đi trong vài giây rồi nói “chúc mừng em, đó phải chăng là mối tình trọng đại”. Yến vừa nói vừa mím mím cười, đầu cô hơi nghiêng trông rất dễ thương “Em nghĩ cũng chỉ là mối tình nho nhỏ, em luôn đơn giản hóa sự việc”.
Hùng đến, mặt tươi hơn hớn, anh mặc quần âu mầu sẫm, áo sơ mi kẻ trông già dặn hẳn lên “Anh Khang, em đến muộn một chút, chúng em đến mời anh” và Yến vẫn ánh mắt vui long lanh, cô lấy từ trong chiếc túi màu lông chuột của mình một tấm thiệp mời đẹp tới mức anh nghĩ hai người đã phải mất rất nhiều thời gian lựa chọn.
|
Đoàn Thị Phương Nhung. |
Mối tình nho nhỏ - có thật là nho nhỏ? Một người đàn ông đã từng có hai vợ, bốn con liệu có còn yêu? Đoàn Thị Phương Nhung đã trả lời câu hỏi này bằng những chi tiết được trải ra nhanh nhưng tiết tấu không đổi, như bóc một chiếc bánh. Câu chuyện thực sự bất ngờ ở phút cuối, khi người đọc giật mình với “mối tình nho nhỏ” của cô gái - cũng đã từng lỡ một chuyến đò - chuyện tình tang, là thế này ư? Đùa hay thật?
Có một dư vị đắng cay còn lại sau khi chứng kiến các mối tình nho nhỏ trong truyện ngắn này.
Sinh năm 1977, học Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, Phương Nhung bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1999. Cô viết nhanh và nhiều, hiện có khoảng gần 100 truyện ngắn, đăng trên các báo, đăng trong một số tập và trong tập riêng Cánh hoa hình dấu hỏi. Hiện Đoàn Thị Phương Nhung làm công việc biên tập, biên kịch tại Trung tâm Phát thanh - Truyền hình- Điện ảnh Công an nhân dân.