Việt Nam chuẩn bị phóng vệ tinh đầu tiên:

Mọi nhà có thể xem TV, dùng Internet từ vệ tinh

TP - Theo dự kiến, vào 5h30 ngày 11/4/2008, VINASAT 1 sẽ được phóng. Như vậy, trong tương lai, gia đình nào cũng có thể sử dụng tín hiệu vệ tinh VINASAT để đáp ứng các nhu cầu về Internet băng thông rộng, xem truyền hình vệ tinh, điện thoại vệ tinh… 

Theo dự kiến, vào lúc 5 giờ 30 ngày 11/4/2008, vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam (VINASAT 1) sẽ được phóng lên từ bãi phóng Kourou (thuộc quốc gia Nam Mỹ French - Guyana).

Sự kiện lịch sử này khẳng định vị thế của Việt Nam đối với chủ quyền quốc gia trên quỹ đạo vệ tinh. Tiền phong đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Thiện Minh – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) xung quanh sự kiện này.

Về tiến độ phóng vệ tinh VINASAT, ông Minh cho biết: Quá trình phóng vệ tinh được chia thành 3 phần. Phần thứ nhất là sản xuất quả vệ tinh, phần thứ hai là thành lập trung tâm điều khiển, phần thứ ba là thành lập trung tâm khai thác và kinh doanh. Tổng vốn đầu tư cho toàn dự án là trên 200 triệu USD.

Việc sản xuất vệ tinh VINASAT đang diễn ra đúng theo tiến độ dự kiến. Quả vệ tinh đã được hoàn thành và trong quá trình đo thử. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng như tiến độ hiện nay, ngày 11/4/2008, VINASAT sẽ được phóng lên.

 Trong lĩnh vực y tế, hiện vẫn còn nhiều cơ sở y tế ở vùng sâu vùng xa gặp quá nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin đến với những tiến bộ y học. Việc điều trị sẽ dễ dàng hơn nếu sử dụng tín hiệu vệ tinh.

Đối với lĩnh vực an ninh quốc phòng, vệ tinh đảm bảo sự chỉ đạo đồng bộ với tính ổn định cao đến mọi nơi, mọi lúc mà hệ thống cáp không có được.

Vệ tinh cũng giải quyết được bài toán kinh tế cho việc thực hiện các mục tiêu đưa thông tin đến vùng sâu, vùng xa. - Phó Tổng giám đốc VNPT Bùi Thiện Minh

Việc sản xuất vệ tinh cần những điều kiện kỹ thuật nghiêm ngặt. Các quá trình từ kiểm tra, đo thử để điều chỉnh các thông số kỹ thuật, thành phần cấu trúc theo đúng chuẩn đang tiến đến những bước cuối cùng.

Hai nhà trạm điều khiển đã được xây xong cách đây gần 1 năm, các thiết bị cũng đã được lắp đặt xong và sẵn sàng vận hành khi vệ tinh được phóng lên. Hệ thống khai thác có nhiệm vụ phân phối băng tần, lưu lượng của bộ phát đáp. Trung tâm này cũng đã sẵn sàng hoạt động.

10 năm sẽ thu hồi vốn

Quá trình phóng và hoạt động của vệ tinh sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?

Một tên lửa đẩy của hãng ArianeSpace của châu Âu sẽ được sử dụng để phóng vệ tinh. Đây là vệ tinh địa tĩnh nên nó sẽ được phóng lên độ cao 36.000 m so với trái đất. Nhìn từ trái đất, vệ tinh địa tĩnh đứng yên một chỗ.

Chúng tôi đã xây dựng 2 trạm điều khiển, một ở Quế Dương (Hà Tây) và một ở Bình Dương, có nhiệm vụ giữ cho quả vệ tinh đứng tĩnh trên qũy đạo so với mặt đất.

Trong không gian, quả vệ tinh sẽ bị dao động. Cho nên, VINASAT được lắp động cơ đẩy ở nhiều hướng. Khi quả vệ tinh bị dao động chệch hướng với cự ly làm cho vùng phủ sóng ở trái đất bị “méo” đi, động cơ đẩy sẽ “dịch” quả vệ tinh về vị trí cũ.

VNPT đã có bao nhiêu khách hàng ký hợp đồng sử dụng dịch vụ tín hiệu vệ tinh?

Cty Viễn thông quốc tế, đơn vị được VNPT giao quản lý, vận hành vệ tinh đã làm việc và ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận với 12 khách hàng lớn đang sử dụng dịch vụ của các nhà khai thác vệ tinh của các nước trong khu vực. Chúng tôi đã đàm phán để các khách hàng này quay về sử dụng vệ tinh VINASAT.

Việc chuyển sang sử dụng vệ tinh của Việt Nam cũng có một số khó khăn. Thứ nhất là phải thay đổi thiết bị thu phát vì tần số khác nhau. Họ phải lập dự án để mua thiết bị. Một số khách hàng lớn như Quân đội, Công an, mỗi đơn vị phải lập dự án đến 500 tỷ đồng. Bộ Tài chính đã đồng ý cấp kinh phí, nhưng phải chia ra từng phần.

Trạm vệ tinh mặt đất

Vậy còn khách hàng là cá nhân và tổ chức không thuộc cơ quan nhà nước được cấp kinh phí?

Đối với các khách hàng doanh nghiệp, đương nhiên họ phải lấy vốn của mình để chuyển đổi sử dụng. Cho nên, VNPT cũng đã thống nhất hỗ trợ các khách hàng trong vấn đề kỹ thuật về tần số, phối ghép hệ thống.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xem xét việc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp này. Chúng tôi đang chỉ đạo trung tâm kinh doanh VINASAT trong tháng Ba này ký hợp đồng với các khách hàng để họ yên tâm đàm phán với đối tác mà họ đang sử dụng dịch vụ.

Nếu có vấn đề kinh tế phát sinh trong việc khách hàng chấm dứt hợp đồng sớm với đối tác, chúng tôi có thể xem xét hỗ trợ chi phí.

Giá cước sẽ được VNPT tính thế nào, thưa ông?

Chúng tôi đã thu thập bảng giá cước của các nhà khai thác vệ tinh trong khu vực và đưa ra mức giá trung bình. Ngoài yếu tố lợi ích kinh doanh, chúng tôi đàm phán với các khách hàng trên tinh thần hỗ trợ quả vệ tinh đầu tiên của Việt Nam.

Hiện nay, giá thuê vệ tinh của các nước trong khu vực khá thấp vì các nước này đã sử dụng vệ tinh từ lâu và đã khai thác gần hết khả năng của các vệ tinh. Với VINASAT, trong một, hai năm đầu, chúng tôi dự báo dung lượng sử dụng sẽ thấp vì các khách hàng còn cần thời gian chuẩn bị. Cho nên chi phí ban đầu sẽ cao.

Tất nhiên, VNPT sẽ chịu lỗ chứ không tăng giá dịch vụ. Theo tính toán của chúng tôi, phải mất 10 năm khai thác mới có thể hoàn vốn được quả vệ tinh. Thời gian như vậy cũng đã là tốt rồi vì các nước chỉ thu lãi sau khi phóng quả vệ tinh thứ hai.

Thực ra, khi phóng vệ tinh VINASAT, mục tiêu đầu tiên là thương hiệu quốc gia. Một đất nước đang phát triển như chúng ta không thể thiếu quả vệ tinh của riêng mình.

Mô hình tên lửa đẩy Aria -5 được Ariane Space trưng bày tại một triển lãm chuyên ngành quốc tế tại Việt Nam.

Dung lượng băng thông của VINASAT có đáp ứng được cho khách hàng nếu nhu cầu sử dụng tăng cao?

Theo tính toán của chúng tôi, nếu tất cả các khách hàng hiện đang sử dụng dịch vụ vệ tinh của nước ngoài chuyển sang sử dụng dịch vụ vệ tinh của Việt Nam thì VINASAT chỉ hết 60% dung lượng. Nhu cầu tại Việt Nam cũng sẽ sử dụng hết 40% dung lượng còn lại.

Hiện nay, trên toàn quốc mới chỉ có khoảng 500 – 600 trạm thu phát tín hiệu vệ tinh trong khi ở Thái Lan có đến 10.000 trạm. Tại sao số trạm vệ tinh tại các nước lại nhiều vậy. Đó là vì số lượng đài truyền hình tại các nước này lớn hơn nhiều so với Việt Nam. Riêng số lượng trạm dành cho các trường học đã lên đến hàng nghìn, gấp đôi tổng số trạm của Việt Nam hiện nay.

Nhiều gia đình có thể sử dụng tín hiệu vệ tinh

Ông có thể cho biết chi phí ban đầu để sử dụng tín hiệu vệ tinh?

Nếu muốn sở hữu bộ thu tín hiệu từ vệ tinh với dung lượng băng thông sử dụng bình thường trong gia đình, chỉ tốn khoảng vài trăm USD. Vậy thì rất nhiều hộ gia đình nào cũng có thể sử dụng tín hiệu vệ tinh VINASAT với chi phí ban đầu không quá lớn để đáp ứng tất cả các nhu cầu sử dụng  Internet băng thông rộng, xem truyền hình vệ tinh, điện thoại vệ tinh… Và khách hàng có thể ký hợp đồng trực tiếp với nhà cung cấp.

Một bộ thu phát băng rộng chỉ tốn khoảng 3.000 USD. Nếu chúng ta thực hiện chương trình giáo dục quốc gia đấu nối qua vệ tinh với khoảng 3.000 trường học trên toàn quốc, đặc biệt là các trường ở vùng sâu, vùng xa tham gia chỉ tốn khoảng 10 triệu USD. Tập đoàn cũng đã tiếp cận với các đơn vị, chẳng hạn như Bộ GD&ĐT. Một cơ quan thuộc Bộ GD&ĐT đã đề nghị VNPT xây dựng chương trình này.

Vệ tinh VINASAT sẽ mang lại những lợi ích nổi bật gì, thưa ông?

Triển khai các chương trình liên quan đến công nghệ thông tin rất nhanh chóng, đồng bộ. Ví dụ trong lĩnh vực giáo dục. Với hệ thống cáp viễn thông ở các thành phố lớn hiện nay, triển khai các chương trình liên quan đến công nghệ thông tin là rất dễ dàng.

Tuy nhiên, triển khai chương trình giáo dục đồng bộ trên toàn quốc, trong đó có cả những cơ sở ở vùng sâu, vùng xa sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu không có vệ tinh. Các cơ sở đào tạo ở vùng sâu chờ kéo cáp rất lâu và tốn kém. Khi có vệ tinh, chương trình sẽ được thực hiện đồng bộ vì sóng vệ tinh có thể tiếp cận được tất cả mọi nơi.

Ông có thể dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông sau khi Việt Nam có vệ tinh riêng?

So với hệ thống thông tin chung quốc gia, dung lượng băng thông vệ tinh không phải là lớn. Nhưng với những ưu việt của mình, vệ tinh có thể giúp thực hiện được những việc trước đây không làm được.

Trước đây, vì không có vệ tinh nên nhu cầu sử dụng tín hiệu qua phương tiện này tăng rất chậm. Nay, khi đã có vệ tinh, nhu cầu sử dụng tín hiệu vệ tinh chắc chắn sẽ tăng nhanh.

Không chỉ các doanh nghiệp lớn mà ngay cả nhiều hộ gia đình cũng sẽ có nhu cầu sử dụng dịch vụ này do thiết bị thu phát ngày càng phổ biến và ngày càng rẻ.

Xin cảm ơn ông.

VINASAT 1 là vệ tinh thương mại, có 20 bộ phát đáp và phục vụ được khoảng 10.000 kênh thoại, truyền dữ liệu, Internet hoặc 80-120 kênh truyền hình trên băng tần C và Ku.

Với dung lượng thông tin trên, VINASAT 1 sẽ giúp Việt Nam sớm hoàn thành việc đưa các dịch vụ viễn thông, Internet và truyền hình đến tất cả các vùng sâu vùng xa, miền núi và hải đảo, phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc đảm bảo chất lượng cao và ổn định cho người dân trên cả nước, trong đó đáng chú ý là hỗ trợ, phục vụ cho thông tin phòng chống và ứng cứu đột xuất khi xảy ra bão lũ, thiên tai...

Về góc độ kinh tế, việc Việt Nam có vệ tinh riêng cũng tiết kiệm khá nhiều chi phí so với đi thuê vệ tinh của các nước. Tính đến năm 1997, Việt Nam đã phải thuê 2.024 kênh thông tin vệ tinh đi quốc tế và hàng loạt mạng thông tin vệ tinh nội địa với tổng chi phí thuê kênh vệ tinh đến hơn 8 triệu USD/năm.

Nếu tính tới nhu cầu của tất cả các bộ ngành trong những năm tới thì số tiền phải chi thuê kênh vệ tinh sẽ lớn hơn nhiều. Trong khi đó, với vệ tinh riêng sẽ có chi phí thấp hơn (do giá cho thuê thương mại một kênh vệ tinh thường cao hơn giá thành từ 1,8 đến 3 lần tùy thuộc vào cung cầu và băng tần sử dụng).

Hải Hà
Thực hiện