Mồi lửa cho chảo dầu Syria?

TP - Nổi tiếng là người luôn giữ một thái độ ôn hòa, thế nhưng mới đây, Thượng Nghị sỹ Mỹ John McCain kêu gọi một cuộc không kích nhằm vào các lực lượng Syria của Tổng thống Bashar al-Assad, sau khi ông chứng kiến nhiều người Syria phải chạy nạn sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Lính Syria đào ngũ, gia nhập lực lượng chống chính phủ ở thành phố Homs của Syria Ảnh: AP

Syria: đánh bom liều chết, 9 người thiệt mạng

“Cung cấp vũ khí cho lực lượng Quân đội Tự do ở Syria và các tổ chức nổi dậy khác là cần thiết nhưng đến phút cuối, những biện pháp đơn lẻ đó không đủ để ngăn chặn những cuộc thảm sát và cứu thường dân vô tội.

Biện pháp thực tế nhất bây giờ là có sự can thiệp của lực lượng không quân nước ngoài”, ông McCain nói. Gần như ngay sau đó, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama phản đối kịch liệt lời hối thúc của thượng nghị sỹ gạo cội và gọi đó là một “sai lầm”.

Dè chừng

Không chỉ đối với chính quyền Obama, những người Mỹ bình thường hiện nay lo lắng nhiều hơn cho túi tiền của họ khi nền kinh tế vẫn rất ì ạch tìm lối thoát sau cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ năm 1930.

Dù là các ứng cử viên của đảng Cộng hòa hay Dân chủ thì việc đưa ra ý tưởng về một cuộc chiến tốn người hao của nữa cho nước Mỹ chắc chắn không phải là ý tưởng khôn ngoan để chạy đua cho chiếc ghế tổng thống, được dự kiến rất khó khăn trong năm nay.

Việc làm vẫn là mối quan tâm hàng đầu của nền kinh tế Mỹ ở thời điểm hiện tại, cũng là điều các ứng cử viên tiếp tục chú trọng cho kì bầu cử sắp tới. Năm nay, ứng của viên sáng giá của đảng Cộng hòa Mitt Romney đang gây khó khăn lớn cho cử tri Mỹ về việc phải cân nhắc giữa ông và Tổng thống đương nhiệm Barack Obama với các chính sách kinh tế đầy hứa hẹn của mình.

Mối bận tâm khác

Trung Đông - Bắc Phi dường như chưa bao giờ là địa bàn dễ dàng cho chính sách của Mỹ sau các cuộc viễn chinh không hoàn toàn thành công tại Iraq, Afganistan hay mới đây nhất là Libya. Sự vươn lên mạnh mẽ của con rồng châu Á về tiềm lực, ảnh hưởng và cả những lợi ích quan trọng của Mỹ gắn liền với kinh tế, chính trị khiến cho cường quốc số 1 phải xoay trục chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Sự trở lại của Mỹ không chỉ thể hiện bằng lời nói mà còn bằng những hành động quyết đoán. Đầu năm, Mỹ đưa 200 thủy quân lục chiến tới Úc, ký thỏa thuận quân sự về việc chuyển quân đội tại Okinawa (Nhật Bản) sang Guam và mới đây nhất là tăng cường gấp 3 lần tài trợ quốc phòng cho Philippines.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương Kurt Campbell nói: “Một trong những thách thức quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ là việc thực hiện sự chuyển dịch từ những lực cản trước mắt ở Trung Đông sang những vấn đề có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài tại châu Á”.

Lá phiếu phủ quyết

Trong khi việc lặp lại một kịch bản đơn phương hành động như ở Iraq là rất khó xảy ra với Mỹ xét tới cả chính trị nội bộ lẫn vấn đề kinh tế, lời hối thúc của Thượng Nghị sỹ John McCain ở thời điểm hiện tại xem ra rất khó trở thành hiện thực, trong khi Nga và Trung Quốc vẫn nắm giữ quyền phủ quyết quan trọng ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Cả Nga và Trung Quốc đều có bài học lớn với trường hợp của Libya khi bất cứ một nghị quyết trừng phạt nào của Hội đồng Bảo an đều có thể dẫn tới việc can thiệp nhanh chóng của Mỹ và các đồng minh trong bối cảnh hết sức căng thẳng ở Syria hiện nay. Nga không thể mất đi đồng minh hiếm hoi cuối cùng của mình ở thế giới Ảrập, còn Trung Quốc chắc chắn không mong muốn ảnh hưởng quá lớn của Mỹ tại Trung Đông.

Một cuộc chiến mới với sự cầm đầu của Mỹ ở Syria là điều khó xảy ra. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo một khả năng lớn hơn là sự can thiệp gián tiếp nhằm ủng hộ các phe phái chống đối chính phủ của Tổng thống Assad để sớm kết thúc cuộc chiến. Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chính thức công nhận Hội đồng Dân tộc Syria với tư cách “đại diện đáng tin cậy của lực lượng đối lập”.

Theo Báo giấy