Vài năm gần đây, khi các thiết bị di động đã “gõ cửa” nhà nhà với việc các hãng sản xuất liên tục tung ra những thiết bị mới với giá rẻ; mạng 3G phát triển mạnh mẽ (con số của Tổng Cục Thống kê đưa ra vào cuối tháng 6/2015, Việt Nam có 29,1 triệu thuê bao 3G)… thì các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên Internet cũng phải chuyển mình để nắm bắt kịp nhu cầu của người dùng. Và, ngành game-một trong những mũi nhọn của kinh tế Internet cũng không ngoại lệ.
Tại Hội thảo Mobile Game Asia 2015 vừa diễn ra hồi đầu tháng 7 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của VNG – doanh nghiệp tiên phong về Online Game tại Việt Nam thẳng thắn cho rằng, 8 năm trước, ông cảm thấy rất vui khi hầu hết các game phát hành đều thành công ngoài mong đợi cho đến khi thị trường game thay đổi lớn trong 2-3 năm qua trở lại đây.
“Sự chuyển dịch từ máy tính sang di động đã thay đổi rất nhanh, kéo theo các nhà phát hành game cũng phải thay đổi để kịp với xu thế. Chúng tôi có những sản phẩm là game và sản phẩm về nội dung số khác và nhận thấy rằng có tới 70% người dùng các sản phẩm trên di động. Trong năm nay, chúng tôi cho ra mắt 300 games (PC, Web và Mobile)”, ông Minh nói.
Với sự bắt nhịp rất nhanh của các doanh nghiệp lớn như VNG, Soha, Appota…, tới nay Mobile Game Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định trong khu vực với những game như Khu Vườn trên mây, Dead Target (chinh phục gamer ở nhiều quốc gia khác nhau), Mộng Võ lâm…
Đặc biệt, vào đầu năm 2014, khi chú chim đập cánh Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông gây sửng sốt cộng đồng công nghệ thế giới, ngành game Việt Nam đã đánh dấu đậm trên bản đồ game toàn cầu. Đây cũng là điểm sáng để nhiều nhà lập trình game Việt quyết tâm đi theo con đường game cho di động vốn đang có cơ hội rộng mở.
Ông Vương Vũ Thắng, CEO của VCCorp cho biết, Việt Nam chiếm 37% trong tổng thị trường Mobile Game ở Đông Nam Á với 83 triệu USD.
Nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng ấy, theo các chuyên gia, là bởi nhiều người ở Việt Nam có tới 2 smartphone. Tốc độ gia tăng của smartphone ở Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á sau Indonesia. Bên cạnh đó, mức giá 3G của Việt Nam khá thấp với khoảng 3USD/tháng người dùng có thể sử dụng 3G không giới hạn dung lượng. Ngoài ra, lượng dân số trẻ dưới 30 tuổi lớn cũng là lợi thế để Mobile Game phát triển và trở thành một “đòn bẩy” phát triển kinh tế trên môi trường Internet.
Đồng tình, ông Robin Huang đến từ DataEye cho rằng, Việt Nam là thị trường có doanh thu cao và nhiều cơ hội để phát triển khi mà lượng người chơi game di động chỉ mới chiếm 8% dân số. Còn ông Vương Vũ Thắng dự đoán doanh thu Mobile Game ở Việt Nam sẽ tăng trong vòng 3 năm tới và đến 2017 có thể đạt 190 triệu USD chiếm 60% tổng doanh thu ngành game.
Tuy có nhiều cơ hội, nhưng thách thức luôn là vấn đề đặt ra cho những doanh nghiệp Mobile Game. Điều quan trọng nhất đối với một nhà phát triển là tìm ra một game phù hợp với đối tượng khách hàng nhắm tới và phải có hướng đi đúng đắn trong bối cảnh ngày càng có nhiều người tham gia vào thị trường màu mỡ này.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, hành vi của người chơi PC Game và Mobile Game đã thay đổi mạnh mẽ. Những người chơi Mobile Game sẽ không gọi cho nhà phát hành khi không thích hay gặp sự cố mà đơn giản là ngừng chơi, xóa game…Việc phát hành áp dụng các kiểu marketing truyền thống như pr, offline, tổ chức hàng ngàn sự kiện đã trở nên lỗi thời khi mà mạng xã hội đã tiếp cận người dùng mọi lúc, mọi nơi. Bởivậy, các doanh nghiệp game cần phải có chiến lược tốt để đưa sản phẩm của mình tới tay người dùng một cách hiệu quả nhất.
Từ những ý kiến của các chuyên gia, có thể thấy cơ hội để Mobile Game Việt Nam phát triển, trở thành đòn bẩy cho nền kinh tế Internet đã là rõ ràng. Thế nhưng, để hiện thực hóa vấn đề này vẫn cần sự nỗ lực của các doanh nghiệp game, cộng đồng các nhà lập trình cũng như rất cần cơ chế chính sách “quản để phát triển”, thúc đẩy Mobile Game cất cánh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước./.