Mô hình dòng họ... tự quản

TP - Mô hình dòng họ tự quản, tổ tự quản thôn xóm không chỉ phát huy được tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng mà còn góp phần giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới, tạo cảnh quan môi trường ở nhiều địa phương.
Bí thư T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy dẫn đầu đoàn công tác đến thăm mô hình Nhà sạch vườn đẹp tại xã Minh Bảo, Yên Bái Ảnh: Xuân Tùng

Đoàn kết cùng phát triển

Xã Tiên Kiều được coi là một điểm sáng của huyện Bắc Quang (Hà Giang) về mô hình dòng họ tự quản. Cách trung tâm huyện gần 30km, Tiên Kiều là địa bàn sinh sống của 12 dân tộc, có 8 dòng họ lớn, 903 hộ gia đình với hơn 4 nghìn nhân khẩu.

Dòng họ Hoàng vốn tồn tại lâu đời và đông người nhất với 83 hộ 369 nhân khẩu sống tập trung tại 3 thôn: Cáo, Kiều, Trao. Từ năm 2016, dòng họ Hoàng được chính quyền chọn thực hiện mô hình dòng họ tự quản. Ông Hoàng Văn Đích, thành viên ban quản lý dòng họ cho biết, thực hiện mô hình dòng họ có tổ tự quản an ninh trật tự và tổ hòa giải.

Để duy trì hoạt động, dòng họ đã soạn thảo bản quy ước và lấy ý kiến tham gia của thành viên. Theo đó, mỗi năm dòng họ tổ chức họp ba lần. Tại cuộc họp, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như quy định của địa phương được triển khai đến toàn thể các thành viên cùng nắm được. Đồng thời, giáo dục, nhắc nhở con cháu giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; tham gia giữ gìn trật tự công cộng; phòng chống các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm…

Đặc biệt, dòng họ Hoàng còn quan tâm thực hiện khuyến học khuyến tài và có hẳn quy chế hoạt động. “Từ ngày ra mắt đến nay, tình đoàn kết, tính năng động của các thành viên, hộ gia đình trong dòng họ được nâng cao hơn so với trước đây”, ông Đích nói.

Từ năm 2017, dòng họ Vi bắt đầu thực hiện mô hình dòng họ tự quản với 42 hộ chia làm 6 chi. Ông Vi Đức Phương, phó ban quản lý dòng họ cho biết, dòng họ đã tổ chức kí cam kết nâng cao ý thức trách nhiệm của các gia đình, thành viên. Từ khi thành lập, những khúc mắc, tranh chấp hay bất hòa vốn xuất phát từ con gà con trâu hay lời ăn tiếng nói… giữa các thành viên trong gia đình, hay giữa các hộ với nhau  đều được giải quyết trong dòng họ thay vì phải nhờ đến lãnh đạo chính quyền địa phương.

Bí thư Đảng ủy xã Tiên Kiều Âu Đình Hiệu cho biết, kể từ khi thành lập, các tổ tự quản, dòng họ tự quản đã tổ chức hòa giải được nhiều vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong khu dân cư và nội bộ dòng họ. Mô hình dòng họ tự quản đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý được 12 vụ việc; hòa giải được 16 vụ việc; cung cấp nhiều nguồn thông tin có giá trị cấp ủy, chính quyền địa phương. Qua đó góp phần ổn định đời sống nhân dân. “Đời sống nhân dân chủ yếu vẫn trông cậy sản xuất nông nghiệp, song ngày càng được cải thiện. Năm 2019, hộ khá giàu chiếm 54,4%, hộ nghèo ở mức 7,09%; thu nhập bình quân đầu người đạt 33,31 triệu đồng. 820/803 hộ đạt tiêu chí gia đình văn hóa, tất cả các thôn đạt tiêu chí thôn văn hóa”, ông Hiệu cho biết.

Thay đổi nhận thức trong nhân dân

Ấn tượng đầu tiên khi đến xã nông thôn mới Minh Bảo (TP Yên Bái) là đường bê tông liên thôn xanh sạch đẹp với những hàng hoa trồng hai bên đường. Nhà ở, sân vườn của các hộ dân ngay ngắn, có nhiều hoa, cây ăn quả, cầu kỳ hơn là cảnh quan với sen, cây cảnh. Trên cánh cổng vào nhiều ngôi nhà khang trang còn có thêm tấm biển “Mô hình nhà sạch - vườn đẹp”... Đó là thành quả của các đội tự quản giữ gìn vệ sinh môi trường nơi đây. 

Ông Trần Như Xuyên, Phó bí thư Chi bộ, trưởng thôn Trực Bình, xã Minh Bảo (TP Yên Bái) cho biết, trước đây người dân chỉ quan tâm làm kinh tế, chưa quan tâm đến môi trường sống, vệ sinh nhà và sân vườn. Họ càng mơ hồ hơn trong việc xử lý, phân loại rác thải. Đội tự quản được thành lập đã tổ chức các buổi họp, đến từng hộ gia đình bền bỉ chuyện trò, góp ý; gương mẫu đi đầu thực hiện… Tuyến đường hoa 2km dài nhất xã được trồng từ những khóm hoa vườn nhà xin của nhiều hộ gia đình. “Sau khi hoàn thành công việc đồng áng, việc nhà, chị em phụ nữ lại bắt tay trồng hoa. Giờ thì cắt cử nhau chăm sóc bón phân, nhổ cỏ, tưới nước”, ông Xuyên nói.

Bí thư Đảng ủy xã Minh Bảo Bùi Đức Trung cho biết, trên địa bàn xã có 10 mô hình với 26 đội tự quản trên địa bàn 5 thôn. Hàng năm, các tổ tự quản tổ chức hàng chục buổi lao động với hơn nghìn ngày công lao động để tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông khe suối… Xã cũng tổ chức biểu dương, động viên những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường cấp thôn, xã. 

“Các tổ tự quản giữ gìn vệ sinh môi trường xanh sạch đẹp của xã trong những năm qua đã góp phần thay đổi nhận thức trong nhân dân, là nòng cốt trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường địa bàn thôn. Qua đó giúp xã hoàn thành tiêu chí về môi tường - tiêu chí được xác định là khó trong xây dựng nông thôn mới”, ông Trung cho biết.

Dẫn đoàn đi thực tế tại Hà Giang, Yên Bái,  Bí thư T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy, trưởng Đoàn khảo sát Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng Đề án mô hình tự quản ghi nhận và biểu dương việc triển khai, thực hiện nhân rộng các mô hình tổ tự quản, dòng họ tự quản về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Bí thư T.Ư Đoàn cũng ghi nhận nhiều ý kiến, đề xuất của các địa phương như: Bổ sung cơ chế, chính sách, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của các mô hình tự quản; việc lồng gắn mô hình tự quản với tổ hòa giải ở cơ sở để tránh chồng chéo khi giải quyết các vụ việc; có quy tắc ứng xử chung trong dòng họ, cộng đồng để thống nhất tuyên truyền, giải thích thực hiện…