Chủ tịch Barca, Joan Laporta, đổ lỗi cho những hạn chế về quy định tài chính của La Liga khiến CLB không thể giữ chân Messi.
Tuy nhiên, báo chí Tây Ban Nha lại rò rỉ thông tin rằng, hợp đồng không được ký vì Barca muốn Messi giảm thêm 20% lương, dù trước đó anh đã đồng ý giảm 50% để chia sẻ khó khăn với CLB.
Nói cách khác, Messi bị “đánh úp” bởi những chiêu trò không biết đâu là nguyên nhân thực sự của Barca.
Không ai tử tế như Messi!
Mùa trước, Barca và Messi cũng suýt đứt gánh bởi những mâu thuẫn. Messi thậm chí đã gửi bản burofax - một cách thông báo chính thức - đến BLĐ CLB để yêu cầu ra đi. Anh muốn thực hiện mọi chuyện danh chính ngôn thuận, ra đi hay ở lại cũng đàng hoàng.
Lúc đó, hàng chục CLB xông vào nhằm lôi kéo Messi. Phía Barca lúc này đang bên bờ vực của niềm tin. Chẳng ngôi sao nào muốn ở lại CLB nếu Messi ra đi. Cựu chủ tịch Josep Bartomeu tìm thấy kẽ hở trong bản hợp đồng có điều khoản “tự gia hạn” nếu Messi không thông báo trước ngày 30/6/2020 để buộc ngôi sao số 1 của mình thay đổi ý định. Ông ta một mực dựa vào điều này để quy kết Messi và buộc anh phải thực hiện nghĩa vụ.
Rất nhiều người sau đó khẳng định, Messi hoàn toàn có thể ra đi nếu kiện Barca vì CLB không đủ pháp lý để giữ chân anh. Tuy nhiên, vì tình yêu và sự mang ơn với đội bóng, Messi dừng lại và thực hiện nốt hợp đồng. Anh không tạo thêm bất cứ mâu thuẫn nào, đồng thời từ chối tất cả những lời mời gọi từ nhiều phía.
Khi Bartomeu rời đi, Joan Laporta trở lại ghế Chủ tịch, Messi được “người cũ” thuyết phục ở lại với những lời hứa có cánh. Messi đáp lại thịnh tình của Laporta bằng hành động trên sân cỏ, bằng sự cố gắng và tử tế, anh một lần nữa không giao dịch với bất cứ CLB nào, ngoài Barca.
Messi nhiều lần khẳng định, bằng cách này hay cách khác, rằng, anh muốn giải nghệ ở Barca. Anh yêu đội bóng và không thể làm gì khác khi nó đã trở thành một phần trong trái tim!
Đối mặt với đại dịch COVID-19, Messi một lần nữa thể hiện sự tử tế của mình bằng cách chấp nhận giảm 50% lương để chia sẻ khó khăn với CLB. Điều này, Barca đã cố gắng thuyết phục các trụ cột khác như Jordi Alba, Sergio Busquets, Gerrard Pipue hay những cầu thủ lĩnh lương cao như Coutinho, Griezmann, Dembele, De Jong làm giống Messi nhưng đều… không thành công.
Họ quay sang “ép” cầu thủ trẻ và những ngôi sao mới mua về như Aguero, Memphis Depay. Tất cả đều tỏ rõ sự khó chịu và thất vọng. Không cầu thủ nào tự nguyện và vui vẻ giảm lương của mình như Messi. Mà Messi giảm đến 50% lương.
“Trong thế giới bóng đá thực dụng hiện nay, liệu có còn cầu thủ nào tử tế như Messi không?”, chuyên gia phân tích kinh tế Florentino Maddlen của Marca đặt câu hỏi, kèm theo sự ngưỡng mộ khi ông biết chuyện Messi chấp nhận giảm lương vì khó khăn của Barca.
Không chỉ sẵn sàng cắt thu nhập bản thân, Messi còn thể hiện tình yêu với Barca bằng nhiều cách, từ chuyên môn cho đến hành động ngoài sân cỏ. Người ta chưa từng thấy Messi không cố gắng, cũng chưa ai phải phàn nàn về tác phong sinh hoạt hay thái độ của Messi đối với tất cả mọi người dù anh là ngôi sao lớn nhất.
Messi cũng không phát ngôn hay liên lạc với bất cứ CLB nào trong khi còn khoác áo Barca, mặc dù theo luật, anh có thể “nhìn chỗ này, ngó chỗ kia” trong những năm tháng cuối của sự nghiệp. Chí ít, nếu chủ động tìm kiếm, Messi phải kiếm được hợp đồng ngon hơn hợp đồng Sergio Ramos ký với PSG!
Nhưng sự tử tế của Messi dường như chẳng đáng gì đối với Barca, đặc biệt là Joan Laporta- người tự nhận mình là “người bạn” của Messi. Ông Chủ tịch xuất thân là một luật sư đã không thực hiện lời hứa của mình khi được ủng hộ ngồi vào chiếc ghế mà Bartomeu để lại.
Không ai không rõ tình thế khó khăn của Barca. Cũng không ai không hiểu nhiệm vụ nặng nề của Laporta. Nhưng có vẻ như Chủ tịch Barca hiện tại cũng chẳng khác người tiền nhiệm Bartomeu là mấy khi chỉ dùng Messi như công cụ.
Hai ngày trước khi quả bom bị tháo chốt, Laporta biết rõ mọi chuyện đã bế tắc nhưng không thông báo với Jorge Messi - bố đẻ, người đại diện của anh. Đến giờ hẹn gặp làm việc tối 5/8, không chỉ ông Jorge, mà cả gia đình Messi lâm vào tình trạng trở tay không kịp. Tất cả đều sốc và thất vọng!
Theo tìm hiểu của truyền thông địa phương, Laporta có thể đã biết trước kết cục không thể kéo dài hợp đồng với Messi, hoặc ông ta không có ý định ký hợp đồng với ngôi sao số 1 của đội bóng nhưng vẫn dựng lên màn kịch cận ngày và tìm nhiều lý do để đổ lỗi.
Trong cuộc họp báo công bố chia tay Messi vào 16h00 chiều qua, Laporta đưa thêm nhiều thông tin có lợi cho Barca, bao gồm việc “Messi không hài lòng khi CLB không ký hợp đồng với trung vệ Romero từ Atalanta”, “Barca muốn ký 2 năm, nhưng Messi muốn nhiều hơn thế”. Tất cả đều mâu thuẫn! Bởi, với tính cách của mình, Messi không bao giờ can thiệp vào chuyên môn hay chuyển nhượng của đội bóng. Nếu làm được điều đó, Messi đã có thể giữ lại Luis Suarez từ mùa trước chứ không phải “hài lòng hay không hài lòng với việc chiêu mộ Romero”.
Hơn nữa, trước cuộc chia ly này, thông tin ký hợp đồng 5 năm, thậm chí 10 năm với Messi hoàn toàn được tung ra từ phía Barca. Cá nhân ngôi sao Argentina chưa từng lên tiếng về bản hợp đồng.
Ngày Barca thông báo không ký hợp đồng với Messi, các cầu thủ hiện có của CLB không một ai lên tiếng. Tất cả đều ngỡ ngàng và dường như chẳng ai tin đó là sự thật! Phải chăng, Laporta đã sắp xếp mọi chuyện, biến Messi thành nạn nhân và đêm 5/8, ông ta mới cho quả bom phát nổ?
Messi và di sản Barca đánh mất!
Ở thế kỷ trước, người ta nhắc đến thế hệ trung thành của nhiều cầu thủ Italia khoác áo một CLB từ hai thập kỷ trở lên như Paolo Maldini (25 năm AC Milan), Franco Baresi, Alessandro Costacurta (20 năm AC Milan) hay Giuseppe Bergomi (20 năm Inter Milan). Nhưng ở thế kỷ 21, thật khó có cầu thủ nào được như Messi, 21 năm gắn bó với Barca.
Trước anh, chỉ có Francesco Totti là người sở hữu thâm niên 24 năm cống hiến cho AS Roma. Cả hai đều là “hàng độc” của thế giới bóng đá đương đại!
Nhưng Messi ở Barca vĩ đại hơn tất cả những cầu thủ kể trên. Anh thi đấu cho đội bóng xứ Catalan 778 trận, ghi 672 bàn, giành 10 danh hiệu vô địch La Liga, 4 Champion League và 6 Quả bóng vàng. Messi có tầm ảnh hưởng lớn nhất lịch sử 122 năm tồn tại của Barca. Anh vĩ đại hơn những bậc tiền nhân như Johann Cruyff, Diego Maradona, Rivaldo, Ronaldo de Lima, Ronaldinho hay bất cứ tên tuổi nào khác!
Trong quá khứ, CLB Catalan chia tay nhiều siêu sao, rời bỏ nhiều công thần, nhưng chưa cầu thủ nào mà hình ảnh và sự tác động từ công chúng lớn như Messi. Barca có thể sẽ phải đối mặt với những cuộc biểu tình, thậm chí anti CLB vì để Messi ra đi.
Trong kỷ nguyên Messi, chỉ tính riêng chiếc áo đấu có tên anh đã mang về thu nhập khổng lồ cho Barca. Tờ Marca từng thống kê, tiền bán áo đấu của Messi (từ khi anh mặc áo số 10) trên hệ thống toàn cầu đủ để Barca trả lương cho nửa đội bóng trong 10 năm! Chiếc áo số 10 của Messi ở Barca và ở ÐT Argentina cũng được liệt vào hàng ngũ những chiếc áo đấu thể thao bán chạy nhất thế giới.
Xét về khía cạnh kinh tế hiện tại, việc không ký hợp đồng với Messi giúp Laporta giải quyết được tất cả các vấn đề nhân sự liên quan. Điều này đồng nghĩa với việc, Barca không phải đối mặt với thách thức ngắn hạn và trước mắt. Nhưng về lâu dài, Barca có thể mất rất nhiều thứ từ quyết định này.
Giữa Barca có Messi và Barca không có Messi là hai trường hợp khác nhau hoàn toàn. Barca sẽ mất đi sức hút với những ngôi sao muốn về đội. Họ cũng mất đi “thỏi nam châm” kiếm tiền bằng những bản hợp đồng tài trợ, hợp đồng bản quyền truyền hình và cả thu nhập từ bán áo đấu. Quan trọng hơn, ai sẽ thay Messi giải quyết những vấn đề về kết quả sân cỏ cho Barca?
Trong tất cả mọi tình huống, Messi được thông cảm, Barca thì không. Laporta và bộ sậu của nhiệm kỳ này có thể sẽ phải gánh chịu “lỗi lầm lịch sử” khi quyết định dứt tình một cách cạn tàu ráo máng với Messi.
Ngôi sao Argentina sẽ được nhớ đến với tư cách là một tượng đài của đội bóng và việc phải ra đi theo cách “thảm họa” càng khiến hình ảnh của anh trở nên vĩ đại!