Trẻ dễ nhiễm giun từ môi trường tập thể
Gặp anh Hoài Phong trước cổng trường chờ đón con, phóng viên chúng tôi hỏi về việc tẩy giun cho trẻ, anh chia sẻ: “Thật sự điều này tôi cũng không rõ lắm. Vì vợ chồng tôi luôn dặn cháu rửa tay trước và sau khi ăn, đi học thì mang theo thức ăn để tránh ăn quà vặt ở trường. Ở nhà, tôi tuyệt đối hạn chế cho cháu chơi cùng các loại vật nuôi. Hơn nữa, mỗi năm nhà trường họp phụ huynh và nhắc nhở việc uống thuốc xổ giun cho trẻ. Tôi nghĩ thế là đủ để bảo vệ con tôi tránh nhiễm giun”.
Trên thực tế, theo khuyến cáo của VSR-KST-CT TƯ, việc bảo đảm vệ sinh cho trẻ không vẫn chưa đủ mà còn bảo đảm tẩy giun theo định kỳ hằng năm và phải tẩy giun trên diện rộng. Đặc biệt, những trẻ sống trong môi trường tập thể, việc nhiễm giun vẫn có thể lây lan qua đường không khí mà vô hình chung các bậc phụ huynh không nhìn thấy được.
Hiểu đúng trị dứt
Theo TS - BS Lê Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, có nhiều loại trứng giun có thể tái nhiễm lại từ những người xung quanh và môi trường nhất là trứng giun kim. Trứng giun kim rất nhẹ, sau khi ra môi trường xung quanh, trứng có thể bám ở nhiều nơi trên sàn, trên drap, gối… vì thế chỉ cần quét nhà là trứng có thể bay trong không khí, mọi người có thể hít vào và xuất hiện một chu trình sống mới của giun. Trẻ đi học thì lây nhiễm rất nhanh từ bạn trong môi trường tập thể vì chúng tiếp xúc với nhau, đến khi về nhà sẽ lây nhiễm cho người thân. Vì thế, việc chỉ tẩy cho bé là chưa đủ mà tất cả các thành viên trong gia đình nên tẩy giun trong cùng một thời điểm với bé để đạt hiệu quả tốt hơn. Bên cạnh đó, nên lưu ý phải thường xuyên vệ sinh thật kỹ nơi mình sinh sống để tránh tái nhiễm trứng giun đối với gia đình có trẻ bị nhiễm giun nặng.
Trong buổi nói chuyện với cán bộ y tế các trường tiểu học, TS - BS Lê Văn Nhân cũng cho biết thêm bé gái trong tuổi dậy thì thường bị mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt, thêm việc nhiễm giun gây tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ, kém trí nhớ… ảnh hưởng đến kết quả học tập khiến bé gái không học tốt bằng các bé trai cùng tuổi. Vì vậy, TS - BS Lê Văn Nhân khuyên: “Tẩy giun tại các trường học là điều thiết yếu cần phải có. Điều quan trọng là phải phòng bệnh để tránh tái nhiễm giun. Cách tốt nhất là giữ gìn môi trường sống tốt và có ý thức vệ sinh ăn uống, định kỳ tẩy giun ít nhất 2 lần trong năm.”
______________
(Nội dung do Viện Sốt Rét – Ký Sinh Trùng – Côn Trùng Trung ương phụ trách và được tài trợ bởi Janssen Cilag Ltd.)
Chương trình "tẩy giun học đường" 2015
- Dành cho cán bộ y tế các trường tiểu học:
Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo của 3 tỉnh, thành: TP.HCM, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức chương trình “Tẩy giun học đường” dành cho cán bộ y tế các trường tiểu học. Chương trình giới thiệu thông tin, tác hại của việc nhiễm giun; đồng thời cung cấp kiến thức về tầm quan trọng của việc tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần ở môi trường tập thể (trường học) để hạn chế việc tái nhiễm giun.
- Dành cho học sinh tại các trường tiểu học tại TP.HCM:
Thông qua bài giảng, hình ảnh, các trò chơi… các em học sinh được tiếp cận thông tin về tác hại của việc nhiễm giun. Qua đó, nâng cao ý thức cho các em trong việc tự giữ gìn vệ sinh cá nhân và tẩy giun định kỳ để bảo vệ sức khỏe. Dự kiến có khoảng 30.000 học sinh được tiêp cận thông tin trong dịp này.
Chương trình do Viện Sốt Rét – Ký Sinh Trùng - Côn trùng Trung ương phát động và được thực hiện dưới sự tài trợ của Janssen Cilag Ltd.