Máy bay chiến đấu TQ rơi, 2 phi công tử nạn

TPO - Theo tin của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, chiều 31-3, một chiếc máy bay chiến đấu của nước này đã rơi tại vùng biển Vinh Thành – Trung Quốc, khiến hai phi công thiệt mạng.

Máy bay chiến đấu TQ rơi, 2 phi công tử nạn

> Mỹ điều chiến đấu cơ tàng hình tới Hàn Quốc

> Cận cảnh bản đồ kế hoạch đánh Mỹ của Triều Tiên

TPO - Theo tin của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, chiều 31-3, một chiếc máy bay chiến đấu của nước này đã rơi tại vùng biển Vinh Thành – Trung Quốc, khiến hai phi công thiệt mạng.

Xác chiếc Su-27 bị rơi.
 

Nguồn tin cho biết, chiếc máy bay rơi là Su-27UBK, là phiên bản xuất khẩu của máy bay Su-27UB, đồng thời cũng là chiếc máy bay huấn luyện phi công mới với 2 chỗ ngồi. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc cho biết, rất có thể vì muốn tránh khu vực dân cư đông đúc và cây cầu dưới mặt đất mà chiếc máy bay đã rơi xuống khu vực bãi cát trên bờ biển.

Ngày 31-3, hãng thông tấn Nga TCCC cũng rất quan tâm đến sự kiện máy bay Su-27 của Trung Quốc. Đây là loại máy bay chiến đấu hạng nặng do công ty sản xuất máy bay quân sự Sukhoi của Nga chế tạo. Đầu thập kỷ 1990, lực lượng không quân Trung Quốc đã nhập khẩu loại máy bay Su-27 của Nga và tiến hành cải tiến. Năm 1992, lô máy bay Su-27 đầu tiên gồm 12 chiếc có mặt ở Trung Quốc. Sau đó Trung Quốc đã dựa vào giấy phép sản xuất của Nga và sản xuất máy bay chiến đấu Su-27, chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ phòng ngự, dẫn đường cho máy bay, tuần tra trên biển. Hiện tại Trung Quốc có gần 300 chiếc Su-27 và J-11.

J-11 là loại máy bay tiêm kích thế hệ thứ 4 của không quân Trung Quốc dựa trên kiểu máy bay Sukhoi Su-27SK. Ban đầu J-11 là dự án hợp tác giữa Sukhoi và Công ty Máy bay Thẩm Dương, sau đóTrung Quốc tiếp tục cải tiến và phát triển, đồng thời trang bị cho nhiều đơn vị không quân Trung Quốc.

Su-27 đã nhiều lần xảy ra sự cố. Tháng 7-2002, trong quá trình biểu diễn kỹ thuật, một chiếc Su-27 của lực lượng không quân Ukraina đã rơi xuống đất khiến gần 90 người thiệt mạng, gây chấn động thế giới. Thống kê cho thấy, từ năm 2010 đến nay, gần như năm nào máy bay Su-27 của Nga đều bị rơi. Tháng 6-2012, khu vực Tây Bắc của Nga xảy ra sự cố máy bay Su-27 rơi, kết quả điều tra cho thấy do có con chim bay vào động cơ của máy bay. Chuyên gia Nga cho biết, máy bay chiếu đấu Su là chiến cơ được trang bị cho lực lượng không quân Nga với số lượng lớn nhất, đồng thời cũng là chiến cơ có lượng xuất khẩu lớn nhất, xác suất xảy ra sự cố rất cao.

Đối với việc tại sao phi công không kịp thời nhảy dù tránh thiệt mạng, các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực bay quân sự của Trung Quốc cho rằng có 3 khả năng: Một là khi phi công quyết định nhảy dù, do độ cao của máy bay quá thấp, độ cao nhảy dù dự phòng không đủ, hơn nữa, kể cả chủ động mở dù nhưng cũng có thể độ cao của máy bay quá thấp dẫn đến thiệt mạng; Hai là khi phi công gặp sự cố, máy bay đang bay trên không phận dân cư tập trung đông đúc, nếu lúc này bỏ máy bay để nhảy dù, chắc chắn sẽ gây thiệt hại lớn về người và của cho người dân. Lúc này đây phi công thường mạo hiểm thay đổi hướng lái, cố gắng tới mức tối đa để máy bay rơi xuống vùng đất trống, ít người, nhưng điều này đồng nghĩa với việc để lỡ mất thời gian nhảy dù quý báu.

Đây là nguyên tắc mà các phi công lái máy bay chiến đấu của tất cả các nước trên thế giới đều thực hiện, các phi công lái máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ và các nước châu Âu cũng đã nhiều lần vì muốn giảm thiệt hại cho mặt đất mà cả người và máy bay cùng rơi xuống, thiệt mạng; Ba là khi máy bay xảy ra sự cố, phi công sẽ cố gắng giữ tối đa hiện trạng cho máy bay, nhằm cung cấp nguồn tài liệu quý báu để các chuyên gia dưới mặt đất tìm ra nguyên nhân xảy ra sự cố, cải tiến tính năng cho máy bay trong tương lai, nhưng thông thường, chỉ huy không cho phép phi công mạo hiểm như vậy.

Huy Long (Tổng hợp)

Theo Dịch