Máu chua, máu ngọt

Máu có vị mặn nhẹ, độ PH ổn định, chỉ cần chỉ số này thay đổi, trồi lên hoặc tụt xuống, đều khiến cơ thể đối đầu với nhiều bệnh...
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Máu chua

Vị chua của chanh, me, dấm được tạo ra bởi axít. Khi có chứa axít thì máu bị chua. Có nhiều nguyên nhân làm cho máu bị chua.

Tập luyện, lao động quá sức sẽ khiến máu tích lũy nhiều axít (cử động quá nhanh, làm việc nặng, cơ bắp nạp nhiều năng lượng và dưỡng khí đồng thời thải ra nhiều chất thải và thán khí…).

Khi ngưng làm hoặc chơi thể thao sẽ thấy đau nhức cơ bắp ở những nơi vận động nhiều, đây là dấu hiệu cơ thể nộp đơn “xin nghỉ việc” nhằm có thời gian nghỉ ngơi, thải hết thán khí và axít lactic đọng lại trong máu.

Cường độ làm việc càng cao, chất thải tích lũy càng nhiều, càng cần nhiều thời gian để thải chất độc ra khỏi cơ thể, có thể là vài tiếng hoặc vài ngày. Tuy nhiên, nếu vẫn làm liên tục, không nghỉ ngơi, máu không thải hết chất độc sẽ làm cơ thể suy nhược và ngất.

Hoạt động quá mức này còn bao gồm cả hoạt động tinh thần như chơi game cả đêm, thức khuya làm việc căng thẳng… dẫn đến rối loạn trao đổi chất gây mất sức, kiệt sức.

Máu còn bị chua khi ăn quá nhiều đạm động vật, chỉ nhận biết khi xét nghiệm máu thấy chỉ số axít uric tăng cao. Điều này gây khó cho chủ nhân bằng các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau của căn bệnh gút quen thuộc, khiến việc đi đứng, vận động khó khăn.

Nếu nạp quá nhiều bia, máu cũng bị chua vì trong bia có nguyên liệu “sản xuất” axít uric, đó là các nhân purin. Nhân purin này còn có nhiều trong các loại mầm non như: nấm, măng, rau mầm…

Để máu bớt chua, nên tăng lượng rau quả (xúp lơ, bí đỏ, dưa leo, cà tím, cải xanh, cần tây…) trong khẩu phần ăn, hạn chế các loại đạm động vật, rượu bia. Một số trái cây chua rất có lợi cho người bị bệnh gút, bác sĩ Lương Lễ Hoàng - Phòng khám Đa khoa Eurovie TP.HCM giải thích:

“Vị chua trong trái cây không làm máu chua. Trái lại, chất chua này khi vào cơ thể sẽ được biến dưỡng thành chất kiềm, hóa giải độ chua của máu”.

Máu ngọt

Máu ngọt dễ nhận dạng nhất là có đường trong máu. Đây là căn bệnh mang tên đái tháo đường, để phát hiện bệnh, phải trích máu để đo lượng đường. Lượng đường trong máu luôn ở một con số hằng định, khi ăn lượng đường này sẽ tăng nhưng sau đó cơ thể sẽ tiết insulin để điều hòa nồng độ đường trong máu.

Khi đường cao sẽ làm cho đương sự gia tăng nhiều thứ như: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, khát nhiều… nhưng lại sụt cân rất nhiều. Bác sĩ Lương Lễ Hoàng khuyên, trong mỗi trường hợp, khi đã phát hiện mắc bệnh đái tháo đường, tùy theo mức độ nặng - nhẹ của bệnh, cần được điều trị bằng thuốc đặc hiệu để ổn định bệnh.

Song, quan trọng hơn hết là phải tái khám để so sánh kết quả trước và sau khi áp dụng phương án điều trị, để thầy thuốc qua đó tìm ra phác đồ điều trị riêng cho mỗi người.

Cách phòng tránh tốt nhất là vận động. Không ít người sau khi phát hiện bị bệnh tiểu đường đã ra sức tập luyện hòng “lọc” đường ra khỏi máu. Cũng có người ra sức ăn kiêng hoặc nhịn ăn quá mức để đường không hiện diện trong máu.

Thế nhưng, tập luyện quá sức làm cơ thể mỏi mệt, đường chưa đi thì axít đã xuất hiện gây mỏi mệt, kiệt sức. Nhịn ăn hoặc ăn kiêng quá mức thì đường trong máu hạ, khiến cơ thể thiếu năng lượng, nhất là não, dễ đi vào cơn hôn mê. Nếu không được phát hiện, cơn hôn mê kéo dài có thể tổn thương não, nặng hơn nữa là tử vong.

Do đó, khi phát hiện mình bị bệnh cần thay đổi lối sống và cách ăn uống. Cụ thể, cứ mỗi tiếng đồng hồ ngồi làm việc tại chỗ nên bỏ ra 5-10 phút vận động nhẹ nhàng. Mỗi ngày tập thể dục 30-45 phút tùy tình hình sức khỏe.

Lắng nghe cơ thể, nếu thấy mệt nên nghỉ ngơi ngay, không cố tập. Về ăn uống, nên theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị, không bỏ bữa hoặc ăn quá ít.

Khi thấy người bủn rủn, xót ruột, đổ mồ hôi… thì nên ăn một trong những món xúp, cháo loãng, uống một ly nước trái cây, kẹo (khi đi xa nhà nên có vài viên kẹo gừng trong túi xách). Khi gặp trường hợp có người bị hôn mê do hạ đường huyết, cần gọi xe cấp cứu.

Máu chua hay ngọt đều bất lợi cho sức khỏe, không nên xem thường.

Theo Theo Phụ nữ Online