Mất nguồn phóng xạ, chuyện như đùa

Vật liệu phóng xạ khá “nổi tiếng” về mức độ nguy hiểm và sẽ tạo ra tâm lý hoang mang trong cộng đồng một khi chúng bị “lưu lạc trong dân gian”. Tuy nhiên, tại Việt Nam trong 10 năm trở lại đây đã xảy ra ít nhất 8 vụ thất lạc nguồn phóng xạ trên tổng số hơn 6.000 nguồn phóng xạ các loại.  

Nguồn phóng xạ Co-60 bị mất, khả năng tìm lại được rất mong manh. Ảnh: báo Bà Rịa-Vũng Tàu

Nguồn phóng xạ nguy hiểm là vậy những điều nghịch lý là những người làm việc trực tiếp hoặc có liên quan chặt chẽ đến việc sử dụng, quản lý các hóa chất nguy hại này lại không ý thức hoặc không tuân thủ một cách đầy đủ các quy định về an toàn lao động.

Một số vụ thất lạc nguồn phóng xạ, 7 vụ thì mới có 3 vụ được tìm thấy. Ảnh: Zing.vn

Đơn cử hai vụ thất lạc… như đùa

Như đùa thật chứ chẳng phải do phóng đại. Thì đây, sau khi vụ việc vỡ lở, nhân viên về an toàn bức xạ của Pomina 3 là Đào Đức Hùng (đã nghỉ việc) mới khai ra rằng: Vào đầu tháng 9/2014, sự cố thép lỏng nóng chảy tại một lò đổ thép rơi xuống nguồn phóng xạ Co-60 khiến lớp chì bảo vệ thiết bị phóng xạ bị nung nóng dẫn đến nguồn phóng xạ bị thay đổi, bức xạ cao hơn mức cho phép gấp hàng trăm lần.

Nhà máy không có kho riêng chứa nguồn phóng xạ vì thế phải để vào kho chứa hàng hóa vật tư (!). Đến ngày 17/11/2014, nguồn phóng xạ bỗng dưng biến mất. Ngày 18/11/2014, anh Đào Đức Hùng báo cáo trực tiếp vụ việc cho Phó tổng giám đốc nhà máy…

Như đùa vì một nguồn phóng xạ phát ra tia gamma, xâm nhiễm vào cơ thể con người và vật nuôi có thể gây độc huỷ hoại gan, thận, xương, có thể gây tử vong cấp tính, hoặc gây ra ung thư, nhưng lại được đặt để, cất giữ một cách đầy bất cẩn. Khi nguồn phóng xạ gặp sự cố phát ra bức xạ gấp hàng trăm lần mức cho phép, nó chỉ được lưu giữ trong kho hàng hoá vật tư là nơi con người hay vào ra.

Đáng nói hơn, nguồn phóng xạ biến mất vào ngày 17/11/2014, được báo mất 1 ngày sau đó, nhưng phải hơn 4 tháng sau, đến ngày 1/4/2015, phía Pomina 3 mới trình báo sự việc cho cơ quan chức năng. Thời điểm thất lạc nguồn phóng xạ vẫn đang còn "chênh" nhau giữa nhân viên đã nghỉ việc với phía nhà máy. Lãnh đạo Pomina 3 cho rằng nguồn phóng xạ được phát hiện bị thất lạc vào giữa tháng 3/2015 hay ngày 25/3/2015 gì gì… Nhưng cho dù thiết bị phóng xạ bị thất lạc vào các thời điểm trên, thì câu hỏi đặt ra là vì sao Pomina 3 lại "ngâm", lại "ém" đến ngày 1/4/2015 mới trình báo cơ quan chức năng?

Nguồn phóng xạ Co-60 bị mất, khả năng tìm lại được rất mong manh. Ảnh: báo Bà Rịa-Vũng Tàu

Nguồn phóng xạ phát tia độc hại đối với động vật có vú, chỉ cần một phút giây sơ sẩy thôi đã có thể gây hại cấp tính và di hại lâu dài, thế nhưng phía nhà máy vẫn lơ là hời hợt để rồi sau đó phải tổng lực đổ xô đi truy tìm nơi bãi rác, vựa ve chai ở Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh Đông Nam bộ.

Cũng như đùa nếu nhắc lại "con đường" thất lạc nguồn phóng xạ Iridium 192 (Ir-192) tại TPHCM ngày 12/9/2014. Thiết bị này được Công ty APAVE Châu Á-Thái Bình Dương (trên đường Nguyễn Đình Khơi, phường 4, quận Tân Bình) để trong kho một cách lơi lỏng không có người canh gác, để hai tên "trộm rông" Đặng Xuân Lưu (SN 1989, quê tỉnh Quảng Ngãi) và Ngô Quốc Vương (SN 1981, trú quận Bình Tân) dễ dàng đột nhập vào lấy trộm. Điều đáng nói là, hai tên trộm lại mang nguồn phóng xạ về nhà trọ tại số 521/67/60A Nguyễn Đình Khơi cất giữ. Một khi bất trắc xảy ra do thiếu hiểu biết của hai tên trộm thì hậu quả đến với khu dân cư sẽ rất khó lường.

Còn nhiều nguy cơ xảy ra chuyện như đùa

So với vụ thất lạc nguồn phóng xạ Co-60 của nhà máy thép Pomina 3 hiện nay thì vụ thất lạc nguồn phóng xạ Ir-192 của Cty TNHH Apave Châu Á-Thái Bình Dương "may mắn" hơn vì sau đúng một tuần nguồn phóng xạ đã được tìm thấy.

Trong khi đó, việc truy tìm nguồn phóng xạ thất lạc của Pomina 3 hiện đang mờ mịt. Sau hơn một tuần rồi vẫn chưa tìm thấy, tất nhiên lãnh đạo phía Pomina 3 cũng khó ăn ngon ngủ yên, nhưng người dân vô tội còn cảm thấy bất an hơn. Có khi những người chuyên sống bằng nghề bới rác, hay thu mua ve chai lại chính là những đối tượng phải đối mặt với độ nguy hiểm về sức khoẻ cao nhất.

Song nguy cơ hiện không chỉ dừng lại ở thiết bị chứa nguồn phóng xạ Co-60 của Pomina 3 đang "rong chơi cuối trời quên lãng" mà còn đó 1.867 nguồn phóng xạ không còn sử dụng đang được "lưu giữ ở đâu đó" theo lời ông Vương Hữu Tấn – Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân. Cái vị trí vô định "ở đâu đó" đang ẩn chứa những sự như đùa về cung cách quản lí nguồn phóng xạ. Không còn dùng nữa nhưng những nguồn phóng xạ này vẫn còn nguyên vẹn sự nguy hiểm đối với sức khoẻ con người. Chỉ một nguồn phóng xạ thất lạc thôi đã khiến dân tình nhốn nháo bất an, thì xin hãy quản 1.867 nguồn còn lại chặt chẽ để tránh gieo rắc hiểm hoạ cho đời.

Hậu quả của việc thất lạc nguồn phóng xạ và đề xuất quản lý bằng GPS. Ảnh: Zing.vn

Phía cơ quan chức năng cho rằng, hiện khó có khả năng thiết bị chứa nguồn phóng xạ Co-60 của Pomina 3 bị thất lạc ở bãi rác mà có khả năng bị chiếm đoạt. Ai chiếm đoạt? Chiếm đoạt nhằm mục đích gì? Nguy cơ ra sao?... vẫn đang là những câu hỏi khiến dư luận bất an.

Bởi không bất an sao được sau khi vụ việc vỡ lở, lại lộ ra thêm thông tin như đùa rằng vào tháng 12/2014 sở KHCN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có đoàn kiểm tra thiết bị phóng xạ của Pomina 3, và kết quả là tất cả thiết bị chứa nguồn phóng xạ đều… có mặt trên sổ sách, nhưng trên thực tế thì một thiết bị đã không cánh mà bay. Nếu phải khơi sâu về trách nhiệm ở đây thì nhiều lắm, thậm chí còn có thể còn lòi ra cả tiêu cực nữa cũng nên.

Người ta đang quản lí nguồn phóng xạ như với vật vô tri vô hại chỉ vì ở quá xa thảm hoạ Chernobyl (Ucraina) hay Fukushima (Nhật Bản). Nhưng nên nhớ rằng, với một ý thức hời hợt, cung cách quản lí lỏng lẻo và thiếu tinh thần trách nhiệm (nếu không muốn nói là vô trách nhiệm) như tại Công ty luyện phôi thép Pomina 3, thì hiểm hoạ lại còn gần hơn tai nạn đã xảy ra tại Chernobyl hay Fukushima rất nhiều.

Theo Theo vnreview.vn